Thuở nhỏ, Ngài đã sùng mộ Phật giáo, tính tình thuần lương, thông minh xuất chúng. Vì can thiệp với vua cha về việc hại Tổ Bà Xá Tư Đa, Ngài bị hạ ngục. Sau khi được thả, Ngài lấy cớ bệnh, từ ngôi Thái tử, xin xuất gia với Tổ Bà Xá Tư Đa.
Hành trình ngộ đạo
Trước đó, Ngài rất ham mộ đạo Phật, còn cha Ngài rất ghét đạo Phật, cha Ngài tìm cách hại Tổ Bà Xá Tư Đa, Ngài đứng ra bênh vực nên bị vua cha giam cầm trong ngục tối. Khi Ngài được thả ra, Ngài lấy cớ là bệnh, nên lìa bỏ gia đình theo xuất gia với Tổ Bà Xá Tư Đa.
Tổ Bà Xá Tư Đa thấy Ngài có lòng với Phật pháp, nên Tổ tận tình chỉ dạy Ngài chỗ “Yếu chỉ Phật ngôn”. Ngài theo Tổ học được 12 năm, một hôm Tổ hỏi Ngài: Con theo ta học đạo Thiền tông, trong 12 năm nay con học được gì hãy trình ta xem?
Ngài liền trình cho Tổ bài kệ 16 câu: Cha con rất ghét Phật Đà/ Vì cha bị nghiệp, nghiệp va vô người; Vì cha đại phúc hơn người/ Được làm vua nước, người người phải nghe. Con nhìn thấy rõ lòng the/ Trầm luân khổ sở sẽ đè về sau; Thầy ơi, không biết làm sao/ Giúp cho thân phụ mai sau không đền? Hôm nay con kính trình lên/ Xin Thầy chỉ dạy, con đền ơn Cha;
Làm con hiếu thảo lo xa/ Giúp cho Cha Mẹ vượt qua luân hồi. Để con trả nghĩa được rồi/ Kiếp này lìa khỏi chuyện đời thế gian; Như vậy lòng con mới được bình an/ Xin Thầy giúp đở, muôn ngàn biết ơn. Tổ Bà Xá Tư Đa nghe Ngài trình 16 câu kệ nói về ngộ ý sâu mầu của pháp môn Thiền tông và biết cha mình sẽ bị quả báo nặng nề, nên Tổ dạy Ngài làm những việc như sau: Đêm nào con cũng kính nguyện Mười Phương Chư Phật hộ trì lòng hiếu thảo của con, nhờ lòng kính nguyện chân thành đó sẽ tác động đến tâm thức vật lý của cha con.
Trong 7 ngày, cha con sẽ hồi đầu về Phật pháp. Quả thật như vậy, nhờ lòng hiếu thảo cực sâu của Ngài, nên cha Ngài tự nhiên nhớ đến Ngài và đi tìm Ngài. Khi cha con gặp nhau, cha Ngài khóc rất nhiều và có lời xin lỗi Tổ Bà Xá Tư Đa. Cha Ngài bỏ ra số vàng lớn để xây dựng ngôi chùa hiệu là “Thiền Tông Phục Đà”. Ngày lễ lạc thành ngôi chùa, cũng là ngày Tổ Bà Xá Tư Đa làm lễ truyền “Bí mật Thiền tông” cho Ngài, có sự chứng kiến của Nhà vua và Hoàng hậu.
Thần phục kẻ hãm hại
Sau khi được Tổ truyền tâm ấn, Ngài đi giáo hóa các nơi. Khi Ngài sang Đông Ấn hoằng hóa, Vua nước này hiệu Kiên Cố đang tin trọng các thầy Phạm Chi. Hay tin Ngài vào nước này, chúng Phạm Chi họp nhau bàn mưu hãm hại. Thầy bọn Phạm Chi xin theo vua lên chỗ cao, ông chỉ xa hỏi vua: Bệ hạ thấy gì không? Phương Tây có yêu khí, ắt ma vào nước. Vua đáp: Không thấy, song có gì đáng ngại?
Phạm Chi thưa: Ma này đến thì quốc gia suy vong. Xin dâng kế với bệ hạ, chi bằng mình tiêu diệt trước đi. Vua đáp: Chưa thấy họ có tội gì, đâu thể nhẫn tâm hại được. Phạm Chi lại tiến cử một đồ chúng giỏi chú thuật để theo vua trị ma.
Ngài dự biết trước được việc ấy nên dặn đồ chúng: Ta đến thành này ắt có nạn nhỏ, các ngươi chớ sợ. Đến thành, Ngài xin vào yết kiến nhà vua. Vừa gặp, vua liền hỏi: Thầy đến đây làm gì? Ngài đáp: Tôi đến đây vì độ chúng sanh. Vua hỏi: Sẽ lấy pháp gì độ những loài chúng sanh nào? Ngài đáp: Tùy mỗi loài kia mà dùng pháp độ họ.
Vua hỏi: Nếu có người pháp thuật giỏi, thầy dám chống chăng? Ngài đáp: Phật pháp rất chân chánh, dù thiên ma cũng hàng phục được, huống là yêu thuật mà chẳng dám chống sao? Ngoại đạo nghe nói nổi nóng, liền dùng pháp thuật hóa quả núi lớn, hiện trên không ngay đầu Ngài, như chực sắp đè xuống. Ngài lấy tay chỉ, quả núi bay lại trên đầu bọn Phạm Chi, chúng hoảng sợ cầu Ngài cứu mạng. Ngài lấy tay chỉ, quả núi tan mất. Vua và chúng Phạm Chi đều kính phục xin Ngài từ bi tha lỗi.
Nhân đó, Ngài đem yếu lý Phật pháp giảng giải cho vua nghe. Vua hiểu rõ, thêm lòng quí kính, thỉnh Ngài lưu lại trong hoàng cung. Ngài cũng cho nhà vua biết rằng trong nước nhà vua có một vị thánh nhân sẽ nối tiếp Ngài truyền đạo.
Thì ra, vốn dĩ trong nước này có một đồng tử con dòng Bà La Môn, cha mẹ mất sớm, đồng tử ấy phải ăn xin để sống qua ngày. Đồng tử này tính tình phóng khoáng lạ thường, không ai biết tên họ gì. Có khi đồng tử tự xưng là Anh Lạc nên dân chúng gọi là đồng tử Anh Lạc.
Gặp lúc đồng tử đi nhanh, có người hỏi: Sao anh đi nhanh vậy? Đồng tử đáp: Sao các người đi chậm quá. Có người hỏi: Anh họ gì? Đồng tử đáp: Tôi với các người đồng họ. Một hôm,vua Kiên Cố cùng Ngài Bất Như Mật Đa ngồi chung xe đi sang thành Đông. Anh Lạc ra đón, đứng trước xe làm lễ.
Ngài nói với nhà vua: Người này là thánh nhân ở trong nước đại vương vậy. Ngài lại hỏi Anh Lạc: Ngươi nhớ việc xưa chăng? Anh Lạc thưa: Tôi nhớ xưa đồng trong pháp hội, Tôn giả giảng Bát Nhã Ba La Mật Đa, tôi giảng Tu Đa La thậm thâm. Duyên xưa lại gặp, nên mới đón nhau đây.
Ngài nói với vua: Đồng tử này là hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí ra đời để nối dòng pháp cho tôi. Sau tôi sẽ có hai vị đại sĩ ra đời, vị trước giáo hóa ở Nam Ấn, vị sau có duyên với nước Trung Hoa, nhưng ở bên ấy chín năm rồi trở về bản quốc.
Ngài bảo Anh Lạc: Do xưa ta giảng Bát Nhã, ông thuyết Tu Đa La, nay lại gặp đây, nên lấy Bát Nhã Đa La đặt tên ngươi. Bát Nhã Đa La lễ tạ, theo thầy xuất gia. Ngài ở Đông Ấn ngót sáu chục năm hoằng truyền chánh pháp. Thấy cơ duyên sắp mãn, Ngài gọi Bát Nhã Đa La đến dặn dò: Xưa Như Lai trao đại pháp nhãn tạng lần lượt truyền đến ta, nay ta đem truyền lại cho ngươi, ngươi nên lưu truyền chớ để dứt mất.
Nghe ta nói kệ: Chơn tánh tâm địa tàng/ Vô đầu diệc vô đuôi/ Ứng duyên nhi hóa vật/ Phương tiện hô vi trí. Dịch: Kho tâm địa chơn tánh, Không đầu cũng không đuôi, Hợp duyên tùy hóa vật, Phương tiện gọi là trí.
Ngài từ giã vua Kiên Cố rằng: Đại vương gánh vác việc nước, ủng hộ Tam Bảo đều được an ổn. Vì tôi hóa duyên đã hết, không vì quyến luyến ân đức đại vương mà ở lâu, nay tôi sắp đi, đại vương khéo bảo hộ Phật pháp.
Ngài nói xong, trở lại chỗ ngồi, thị hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch. Vua và môn đồ xây tháp thờ xá lợi cúng dường Ngài.