Covid-19 hiện được đánh giá là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới một nước riêng rẽ nào mà ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, đòi hỏi các nước phải chung tay đẩy lùi đại dịch.
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm sát cánh với các nước thành viên vượt qua đại dịch. Ngay từ đầu năm, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung năm 2020 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Các ý kiến đều khẳng định sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt do Covid-19 gây ra đã cho thấy chủ đề và phương châm đó là đúng lúc và xác đáng.
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN; hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, đồng thời giảm thiểu tác động.
Điều này thể hiện ở việc ngay từ 14/2, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN với sự bùng phát của dịch Covid-19, trong đó cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, kêu gọi hợp tác khu vực và quốc tế, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết ASEAN.
Việt Nam cũng linh hoạt thúc đẩy tổ chức các hội nghị của ASEAN theo hình thức phù hợp là họp trực tuyến, góp phần giúp duy trì kết nối, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch; phối hợp tổ chức và tham dự nhiều cuộc họp quan trọng với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 để trao đổi về hợp tác, sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, tại các hội nghị, Việt Nam đã tích cực chia sẻ với các nước nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị…
Những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với các quốc gia bạn bè, đối tác trong và ngoài ASEAN, những nỗ lực của Việt Nam sẽ góp phần nhân rộng những kinh nghiệm tốt, bài học hay để khu vực và quốc tế cùng sớm đẩy lùi đại dịch.
Dù cũng phải tích cực phòng chống dịch bệnh trong điều kiện kinh tế có hạn nhưng Việt Nam vẫn đã thể hiện rõ tinh thần “tương thân tương ái”, thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ vật tư y tế thiết yếu phòng, chống dịch cho các nước anh em, bạn bè, đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
GS Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia trong một bài viết đã đánh giá cao Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tặng khẩu trang, chất khử trùng và các vật tư cho các nước láng giềng như Lào, Campuchia; đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và quyên góp cho các nước Mỹ, Nga, Tây Ban Nha…
Còn GS Alexander Vuving tại Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, Mỹ cũng ca ngợi Việt Nam dù nguồn lực còn hạn chế nhưng đã thể hiện sự hào phóng với cộng đồng quốc tế.