Tâm sự của một phạm nhân hoàn lương: 'Còn ngày về, còn có thể làm lại cuộc đời'

(PLO) -Đang là chủ xưởng mộc làm ăn khấm khá nhưng vì lòng tham, không vượt qua được “cơn lốc” ma túy bùng phát tại làng quê, Hoàng Nghĩa Hiệp đã tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy. Cái giá cho việc làm sai trái đó là bản án 7 năm tù giam. Ra tù, anh quyết tâm gầy dựng lại.
Anh Hiệp trong xưởng gỗ của gia đình

Nằm bên tả ngạn sông Lam, gần hai thập kỷ trước xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là cái “rốn” của cơn bão “cái chết trắng”. Đây là nơi “sản sinh” ra những ông “trùm” trong các vụ án ma túy nổi cộm trên toàn quốc thời bấy giờ như Nguyễn Văn Hải (tức Hải Luận), Nguyễn Văn Toại, Trần Văn Hợi...

Bản án 7 năm vì ma túy

Ma túy bắt đầu xuất hiện từ những người ngược sông Lam lên miền Tây xứ Nghệ mua bán lâm sản. Những nông dân chân chất “bập” vào ma túy lúc nào không hay. Và trên những chuyến bè xuôi dòng sông luôn có một lượng nhỏ thuốc phiện, hêroin mang về. Chỉ tính từ năm 2005 - 2010, mảnh đất chỉ với hơn 4000 dân nhưng có tới 6 bản án tử hình, hơn 100 án tù liên quan ma túy.

Trong số các đối tượng dính vào ma túy có Hoàng Nghĩa Hiệp (SN 1971). Nhắc lại quá khứ, người đàn ông này có chút e ngại. Anh bảo: “Nhưng dù sao, đó là bài học đắt giá để những người khác tránh, không đi vào vết xe đổ của tôi”.

Vì điều kiện gia đình nên anh vốn không được theo học cao. Đam mê nghề mộc nên sau khi lập gia đình, năm 1997 vợ chồng vay mượn thêm tiền bạc mở xưởng gỗ. Nhờ tài năng cộng với chút may mắn, xưởng mộc làm ăn khá thuận lợi. Những chuyến đi mua gỗ thường xuyên hơn. 

Đi nhiều, quen biết rộng, anh được những kẻ buôn “hàng trắng” bắt chuyện. Mặc dù biết tác hại của việc buôn bán ma túy, Hiệp vẫn chấp nhận làm đại lý mua bán ma túy cho một “ông trùm”. Xưởng mộc dần trở thành nơi giao dịch ma túy. Từ một ông chủ xưởng mộc lương thiện, Hiệp trở thành người trung gian nhận hàng để vận chuyển, trao tay cho các con nghiện.

Tháng 6/2000, công an bất ngờ ập vào kiểm tra. “Lúc bị bắt, tôi như người mất hồn. Đang có công việc khá ổn nhưng tôi đã tự đạp đổ. Giờ thì nếp nhà trống hoác, còn tôi phải trả giá”, Hiệp ngậm ngùi. Tòa tuyên phạt Hoàng Nghĩa Hiệp 7 năm tù giam về tội “Buôn bán tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Chồng vướng vào lao lý, chị Võ Thị Kỳ vô cùng suy sụp. Chị vừa nuôi hai đứa con nhỏ, vừa chèo lái xưởng gỗ hoạt động. Tuy nhiên, phần vì mất uy tín, phần vì cụt vốn nên khách hàng càng ít đi. Không lâu sau, xưởng gỗ đành đóng cửa. 

Riêng với Hiệp, trong thời gian cải tạo tại trại giam, lúc đầu phạm nhân này mất hết phương hướng, thời gian sau mới bình tâm. “Còn có ngày về, còn có thể làm lại cuộc đời. Số tôi chưa hết. Và tôi tích cực cải tạo”, Hiệp nhớ lại. Và những cố gắng ấy đã được ghi nhận. Năm 2004, anh được ân xá và ra tù trước thời hạn 3 năm. 

Chị Kỳ nhớ lại, lúc chồng mới ra tù, cuộc sống gia đình vô cùng túng thiếu. Anh Hiệp chưa biết nên bắt đầu lại từ đâu. May mắn được sự quan tâm hướng dẫn giới thiệu của một cán bộ trại giam tận đến khi ra tù, anh Hiệp vay mượn đầu tư vốn đi thầu hạng mục quét sơn cho các công trình xây dựng. 

Làm lại cuộc đời

Công trình đầu tiên mà anh Hiệp nhận là sơn lại tường nhà cho Trại giam Nghi Kim (Công an tỉnh Nghệ An), nơi anh từng có thời gian “tạm trú”. Khi công việc bắt đầu thuận lợi, anh bàn với vợ mở thêm trang trại chăn nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, sau thời gian đổ vốn, công sức chăm sóc, thành quả lại đổ xuống sông xuống bể. “Lần đó, trận lụt lịch sử đã cuốn trôi hết tất cả tài sản của gia đình. Nhìn đàn ngan, vịt chết trắng, tôi ứa nước mắt tiếc cho công sức, tiền bạc sau thời gian dài dồn tâm huyết lại về con số không”, chị Kỳ nhớ lại.

Anh Hiệp không chùn bước, quyết định quay lại với nghề mộc. Anh cho rằng khi đời sống người dân ngày một nâng lên thì nhu cầu mua sắm đồ dùng gia đình càng nhiều. Ý tưởng này được gia đình, bạn bè ủng hộ. Anh Hiệp mạnh dạn vay vốn ngân hàng. Từ chỗ chỉ một mình làm gia công tại nhà, đến nay xưởng mộc được mở rộng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. 

Hầu hết các loại gỗ, anh trực tiếp đến các công ty xuât khẩu gỗ Lào, tìm đến các thuyền bè mua về. Không chỉ cung cấp gỗ cho các công ty, anh còn nhận làm thành phẩm cho các hộ tư nhân như: cửa ván sàn, cầu thang, nhận thiết kế nội thất gỗ của nhiều công trình. Bên cạnh mua bán gỗ, anh còn mua bán các đồ dùng nội thất như đèn chiếu sáng. Anh tâm sự: “Cũng nhờ những năm tháng ở trong trại giam đã giúp cho tôi thêm nghị lực, hiểu lẽ sống ở đời”.  

“Ngày mới làm lại vất vả, có những người đã giang tay giúp đỡ. Vì thế, sau khi làm ăn có phần khá giả, với những người cùng hoàn cảnh như tôi ngày trước, khi họ ra trại, tôi khuyên họ sớm tránh xa con đường cũ và gắng tạo công ăn việc làm giúp đỡ họ một phần nào gánh nặng kinh tế”. 

Gần hai thập kỷ trôi qua, mảnh đất Hưng Long ngày nào đang dần “thay da, đổi thịt”. Những người cần mẫn như anh Hiệp đã xóa bỏ tư tưởng dựa vào ma túy để làm giàu. Từ một vùng “nóng” về ma túy, ngày nay, Hưng Long đã lột xác, trở thành một trong những xã mạnh về kinh tế của huyện Hưng Nguyên.

Nhận xét về tấm gương hoàn lương này, ông Hoàng Nghĩa Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Long nói:

“Sau khi thụ án trở về địa phương, anh Hiệp tích cực tham gia các hoạt động ở trên địa bàn. Gia đình anh nghiêm túc chấp hành những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vượt qua lầm lỗi để vươn lên trong cuộc sống, anh còn thường xuyên gắn kết với địa phương trong công tác bảo đảm ANTT cũng như giúp đỡ các hoàn cảnh khác tái hòa nhập cộng đồng”.

Đọc thêm