Vượt qua những mặc cảm thông thường, anh S. và đồng nghiệp của mình chấp nhận chăm sóc người xấu số trong nhà xác bệnh viện với suy nghĩ làm công đức, nghĩa tử là nghĩa tận.
Ăn, ngủ với xác chết
Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng khi bước chân vào khu Nhà xác Bệnh viện Quân y 103, chúng tôi vẫn thấy ớn lạnh. Trước đề nghị tìm hiểu công việc chăm sóc tử thi, người phụ trách nhà xác ngập ngừng nói: “Chăm sóc tử thi ở bệnh viện có những đặc thù công việc riêng, những người làm việc này có đóng góp nhiều cho xã hội nhưng họ không muốn nhiều người biết đến bản thân”. Thuyết phục mãi ông mới tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp xúc với những con người đặc biệt này.
Trông coi nhà xác Bệnh viện Quân y 103 có 4 nhân viên, người lớn tuổi nhất là ông N.V.H năm nay 50 tuổi, có hơn 25 năm trong nghề, 3 người còn lại tuổi đời đều còn trẻ. Ông H chậm rãi kể về công việc đặc biệt của mình: “Tổ chăm sóc người chết này bận hay rảnh phụ thuộc rất nhiều vào “khách hàng”. Có hôm bốn người phải căng sức trang điểm cho hàng chục tử thi để người nhà làm lễ an táng theo giờ đẹp. Cao điểm có đêm nhà xác nhận tới 28 thi hài. Cũng có ngày không có ca nào, chúng tôi tranh thủ đi dọn dẹp lại khu nhà, lau chùi, khử trùng dụng cụ”.
Ông N.V.H có 25 năm làm nghề trang điểm cho xác. |
Ông H. từng làm cảnh vệ cho bệnh viện, năm 1989 được chuyển về làm ở Nhà tang lễ. Dù là người “gan lì”, đã chuẩn bị tinh thần “vào việc” nhưng thời gian đầu không ít khi ông sợ hãi tột độ. Ban ngày tiếp xúc với những xác chết, tối nhắm mắt lại là ông H lại nghĩ đến những hình ảnh đó và không sao ngủ được.
Có khi đang ngủ, giữa đêm gặp ác mộng, tỉnh dậy mồ hôi ướt hết người, thức trắng gần như cả đêm. Điện thời đó hay chập chờn, những hôm mưa gió là mất điện, gió rít ngoài cửa sổ, nghĩ cảnh một mình đang nằm cạnh cả chục thi thể, ông chỉ biết trùm chăn cho kín đầu.
Thời điểm đó phương tiện vận chuyển thi hài bệnh nhân không được hiện đại như bây giờ. Những đêm khuya đang ngủ nhận được điện thoại, nhân viên nhà xác lại bật dậy kéo xe lên viện nhận xác đem về nhà lạnh bảo quản. Với những bệnh nhân cấp cứu mất chưa có người thân đến nhận cũng chuyển vào nhà xác bảo quản có khi cả chục ngày...
“Lúc đầu sợ nhưng dần rồi cũng quen. Tôi luôn tâm niệm việc mình làm là việc công đức nên nếu có… ma thì cũng không sợ. Có những người vào nghề này mới đầu có vẻ mạnh bạo lắm, nhưng khi vào việc được mấy hôm thì sợ và không chịu được áp lực công việc nên phải bỏ giữa chừng” - ông H. cho biết.
Anh N.B.A, 29 tuổi, hơn 3 năm làm cùng ông H. chia sẻ, công việc này nhiều khi đòi hỏi “thần kinh thép”. “Đó là mỗi khi đi theo xe cứu thương đến nơi có người bị tai nạn giao thông, chứng kiến hình hài họ không còn nguyên vẹn, rồi dọn tìm các phần thi thể của họ...
Chúng tôi còn phải phụ các bác sĩ giải phẫu tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết, rồi so sánh, đối chiếu với chẩn đoán ban đầu để từ đó nghiên cứu cách chữa trị và rút ra những kinh nghiệm cho y học. Ban đầu tôi sợ định bỏ nghề, nhưng dần rồi cũng quen, xem công việc hàng ngày của mình cũng như là làm phúc đức cho người ta” - anh A. bộc bạch.
Anh N.B.A, nhân viên trẻ của nhà xác Bệnh viện 103. |
Nhân viên nhà xác bệnh viện phải thay ca làm việc cả những ngày lễ, tết. Ngoài những buổi trực đêm, họ phải làm trong khu nhà xác từ 8h tới 17h.
Làm đẹp cho thi thể còn vì người sống
Nhân viên nhà xác còn đảm nhận cả việc trang điểm cho những xác chết. Ông H. cho biết, lúc đầu các nhân viên nhà xác làm công việc này vì cái tâm, muốn giúp những người quá cố yên giấc sang thế giới bên kia. Họ được người nhà người xấu số nhờ tắm nước thơm, thay quần áo, cạo râu, cắt móng tay, móng chân, đánh phấn son cho thi thể hồng hào để người thân họ bớt đau lòng khi nhìn mặt lần cuối.
“Da người đã chết rất dễ rách nên mỗi lúc tắm hay cạo râu cho những tử thi, tôi phải rất tập trung và cẩn thận, nhẹ nhàng. Việc tắm cho xác chết mất rất nhiều thời gian vì với người chết, các bộ phận trên cơ thể đã cứng như cành cây. Để tắm sạch sẽ, người tắm cũng phải có những kinh nghiệm nhất định” - ông H chia sẻ.
Nhưng đó mới chỉ là những người mất vì già yếu, bệnh tật..., còn những người mất vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động thì công việc phức tạp hơn nhiều. Khi ấy, những người làm ở “nhà lạnh” phải “thẩm mỹ” để tử thi về được như hình dạng ban đầu một cách tốt nhất có thể.
Ông H. cho hay: “Có những trường hợp chúng tôi phải khâu lại hết những chỗ rách, những nơi lồi lõm, mất xương thì cho giấy độn ở bên trong rồi khâu ngoài”. Đây cũng là những việc mà nhân viên nhà xác chịu áp lực nhất. Động lực để họ làm tốt công việc của mình là cố gắng để người nhà bệnh nhân bớt đau thương.
Xác định công việc của mình không phải ai cũng dám làm và làm là vì chữ “tâm”, chữ “phúc”, nhưng các nhân viên nhà xác ngập ngừng khi nói về quê quán, thông tin cá nhân.
Anh Q.T.S., 27 tuổi, làm việc ở nhà xác được 2 năm, tâm sự: “Nhiều người cho rằng làm công việc này là những người không bình thường, không biết sợ hãi là gì, nhưng ai mới vào nghề cũng sợ xanh cả mặt, dần dần vì công việc nên quen thôi.
Đối mặt hàng ngày với những xác chết đã sợ rồi, nhưng còn sợ hơn khi chúng tôi kể về công việc của mình cho người ngoài. Họ sẽ sợ hãi và dần xa lánh. Có không ít người trẻ vì làm công việc này mà mất luôn người yêu, bạn bè. Việc nhiều áp lực, mệt mỏi nhưng chẳng ai dám chia sẻ công việc của mình với gia đình, người thân”.