Sử dụng các kết quả nghiên cứu cập nhật, hội thảo đặt kết nối không gian gia đình với các chính sách, dịch vụ xã hội, các động lực từ khu vực thị trường, cộng đồng, từ đó phân tích những “khoảng trống” về chính sách, về can thiệp, dịch vụ và nghiên cứu, kiến nghị giải pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Theo thống kê của UNWomen, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.
Đối với trẻ em, năm 2018 có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng gây bức xúc dư luận.
Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên, chưa đủ so với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em xảy ra hiện nay. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về việc xem xét một cách kỹ lưỡng tất cả các chiều cạnh và không gian về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kết hợp với các đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước hiện nay nhằm đảm bảo không gian an toàn bao trùm và hiệu quả, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em để nhóm dân số này đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển của đất nước.
Ở góc độ pháp luật, theo các đại biểu mặc dù những đạo luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đến nay đều đã được ban hành, đi vào cuộc sống, trong đó có những đạo luật cụ thể như Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…; hay những Nghị định, Quyết định của Chính phủ trong nỗ lực tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, vẫn cần nhiều giải pháp.
Trong đó đáng lưu ý có giải pháp tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ, tạo môi trường sống lành mạnh, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em. Bổ sung thuật ngữ “không gian an toàn” và cơ chế đảm bảo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em vào trong các dự thảo xây dựng pháp luật, nghị định, chương trình hành động, góp phần xây dựng một khung các quy định mang tính đồng bộ, thống nhất; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xây dựng không gian an toàn, chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức xâm phạm vào không gian an toàn nói chung, không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng.