Ưu tiên hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm
Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội cũng như chăm lo cho bộ đội xuất ngũ là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quân đội, qua đó thể hiện sự quan tâm, ghi nhận những đóng góp của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi xuất ngũ, quân nhân được hưởng các chế độ, chính sách như: Trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm, phụ cấp tàu xe, đi đường và bảo hiểm xã hội… Đồng thời, mỗi quân nhân được Bộ Quốc phòng cấp thẻ học nghề, một phần quà. Khi trở về địa phương, luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng, hầu hết quân nhân xuất ngũ chủ động đăng ký học nghề, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt là đăng ký vào lực lượng dự bị động viên để sẵn sàng trở lại quân ngũ tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ cần thiết khác khi có lệnh động viên…
Nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ lại tiếp tục cống hiến cho địa phương, tham gia công tác tại ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn. Nhiều quân nhân xuất ngũ trở thành cán bộ nguồn ở các địa phương, được cử đi học, bổ sung vào lực lượng dự bị động viên.
Đối với bộ đội xuất ngũ, bằng các nguồn lực do trên cấp và nguồn huy động, xã hội hóa tại địa phương, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi như: Ưu tiên hỗ trợ vay vốn sản xuất, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất và chăn nuôi hiệu quả...
Riêng với Hà Nội, bộ đội xuất ngũ hàng năm ra quân trên 3.500 người. Theo khảo sát, trong số quân nhân xuất ngũ hằng năm của thành phố có khoảng 15% được quy hoạch làm cán bộ nguồn ở các địa phương; khoảng 40% được cử đi học, bổ sung vào lực lượng dự bị động viên; khoảng 30% đăng ký đi học nghề; số còn lại làm công nhân và nghề tự do.
Quân nhân hoàn thành NVQS là lực lượng đã được học tập, rèn luyện nền nếp chính quy, tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật từ trong quân đội. Họ lại có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó và xử lý các tình huống cấp bách do đã được luyện tập trong quân ngũ. Những tố chất đó sẽ giúp họ trở thành lực lượng lao động tốt của các đơn vị, doanh nghiệp.
Do đó, đối với bộ đội xuất ngũ học cao đẳng, đại học ra trường, khi ra quân vụ đều được giới thiệu việc làm. Còn những quân nhân chưa có bằng cấp, vừa học hết lớp 12 sẽ được giới thiệu đến các trường học trung cấp nghề, sơ cấp nghề.
Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đa dạng các lĩnh vực ngành nghề và nhiều vị trí việc làm với mức lương thỏa đáng như: Tài chính - kinh doanh, kỹ thuật - điện cơ khí, bảo vệ, lái xe giao nhận, cơ khí hàn, xuất khẩu lao động…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, từ năm 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho 1.720 bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Qua điều tra thực tế, trên 80% số lượng học viên học nghề được giải quyết việc làm ngay khi tốt nghiệp, hiện còn gần 10% học viên được đào tạo nghề nhưng chưa tìm được việc làm.
Động lực cho thanh niên lên đường nhập ngũ
Hà Giang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn nhưng lại có nhiều chính sách hỗ trợ quân nhân xuất ngũ sớm ổn định cuộc sống. Khi còn là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 19, Bộ Tham mưu Quân khu 2, anh Mùa Mỹ Lử (ở tổ dân phố 1, thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã được đơn vị tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về địa phương, Lử được UBND huyện Mèo Vạc tặng một con bò giống. Sau gần 4 năm chăm sóc, hiện đàn bò của gia đình Lử có 3 con và đang tiếp tục phát triển, kinh tế gia đình ổn định.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Mèo Vạc đã trao 80 con bò giống (10 triệu đồng/con) tặng 80 quân nhân hoàn thành NVQS và được tặng giấy khen. Việc trao tặng bò giống được tổ chức trang trọng vào lễ giao, nhận quân hằng năm.
Trước đây, việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp phát triển kinh tế, giúp quân nhân xuất ngũ sớm ổn định cuộc sống như chính sách cho bộ đội xuất ngũ vay vốn 2 năm không lãi suất, tặng bò giống…đã tạo động lực lớn cho thanh niên trên địa bàn phấn khởi, yên tâm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi trở về, họ tham gia các hoạt động tại địa phương, phát triển kinh tế.
Từ sự quan tâm, tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ, Mèo Vạc trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Hà Giang trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Năm 2020, huyện được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 72 công dân nhập ngũ vào các đơn vị quân đội và công an thì có quá nửa trong số này viết đơn tình nguyện nhập ngũ.