Tập quán sinh hoạt và những điều kiêng kỵ khi xây dựng nhà mới của người Tày

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dân tộc Tày có mặt ở Việt Nam từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Trong tập quán sinh hoạt, nhà sàn là nét độc đáo về văn hoá kiến trúc riêng của dân tộc Tày, là thước đo đánh giá sự giàu có, căn cứ để xác định đâu là người Tày cư trú lâu đời nhất trong vùng.
Ngôi nhà gỗ phục dựng theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Tày.
Ngôi nhà gỗ phục dựng theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Tày.

Độc đáo cách làm nhà của người Tày

Với người Tày, nhà sàn là loại nhà có từ rất lâu đời. Trước đây, do còn nhiều rừng nên họ chỉ dựng nhà bằng các loại nguyên vật liệu được lấy từ rừng như tre, gỗ, lá cọ... Cách đây vài chục năm loại hình nhà sàn cột chôn là loại hình phổ biến.

Như ở Thái Nguyên, chỉ từ sau năm 1960, khi thành lập HTX nông nghiệp, người ta mới có điều kiện làm loại nhà sàn cột kê trên đá tảng. Phần sàn dùng cho người ở, phần gác để sấy khô, cất giữ một số lương thực, thực phẩm và gầm sàn dùng để nhốt gia súc, gia cầm, chất củi, để nông cụ, cối giã và đan lát.

Người Tày không tính quy mô ngôi nhà bằng số gian mà tính bằng cột chính, chẳng hạn loại nhà 8 cột, 10 cột, 12 cột... Mặt bằng nhà có dạng hình chữ nhật hay dạng gần hình vuông, trong đó dạng gần hình vuông là phổ biến. Đối với loại nhà sàn có cấu trúc dạng vì kèo ba cột như trước đây thì mỗi vì kèo được bố trí ba cột, hai chiếc xà ngang và một bộ vì kèo. Với loại nhà này xung quanh thường được bưng bằng ván, bằng phên hay liếp tre còn mái lợp bằng lá cọ. Đây là loại nhà cổ nhất nhưng hiện nay không còn thấy phổ biến nữa.

Khoảng 20 năm trở lại đây, nhất là sau đổi mới rất nhiều gia đình người Tày ở một số nơi như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng… bắt đầu chuyển từ nhà sàn xuống ở nhà nền đất. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay thiếu nguyên liệu gỗ để làm nhà, rừng không còn nhiều để khai thác nữa. Cấu trúc nhà nền đất của người Tày ở đây có đặc điểm là hầu hết các ngôi nhà đều được xây dựng khá cao.

Khi khởi công làm nhà người Tày phải xem hướng,tránh làm nhà ở cạnh sông vì theo quan niệm của họ nước sông suối động chạm đến tổ tiên, không có tài lộc. Không để mặt nhà nhìn thẳng vào tảng đá vì như vậy khó giữ gìn của cải, làm ăn ít gặp may mắn. Kỵ phía trước nhà có ngọn núi nào đó có hướng đâm thẳng vào nhà bởi đó là hướng sát chủ, dễ bị chết oan.

Ngày và tháng khởi công đào đắp nền nhà cũng như việc khởi công lấy nguyên vật liệu, ngày dựng nhà và ngày làm lễ vào nhà mới chọn những ngày không xung khắc với tuổi của chủ nhà. Không chọn ngày khởi công đào đắp nền nhà vào ngày hoả hay ngày có tiếng sấm đầu năm, ngày trùng với ngày chết của cha mẹ bởi vì những ngày đó là ngày xấu không mang lại sự may mắn cho các công việc làm nhà tiếp theo.

Nhà sàn cổ của người Tày.

Nhà sàn cổ của người Tày.

Trong ngày đầu nhất thiết phải đốn lấy cột nóc. Tuyệt đối không lấy những cây bị gãy ngọn, cây bị sét đánh để làm nhà vì họ cho rằng những cây đó bị thần, ma làm hỏng lấy về làm nhà sẽ bị tai hoạ.

Sau khi nền nhà làm xong để nguyên một thời gian cho đất chặt lại chắc chắn mới tiến hành các công đoạn dựng nhà. Ngày khởi công xây dựng nhà mới gia chủ cũng phải tiến hành làm lễ cúng gia tiên và thổ thần.

Trong lễ nhập trạch vào nhà mới, người Tày chọn một nam ở họ nội và một nữ ở họ ngoại. Những người này phải đạt tiêu chuẩn là uy tín, nhà không có tang, gia đình hoà thuận, có cả con trai lẫn con gái, am hiểu phong tục.

Trước hết mỗi người cầm một bó đuốc đi vào nhà, nam đi trước nữ đi sau, khi đến bếp họ chụm hai bó đuốc vào nhóm lửa và lên tiếng chúc gia đình may mắn, làm ăn phát đạt, theo sau người nhóm bếp là anh em mang thóc, ống nước, ống mẻ và bình vôi vào nhà mới. Bếp lửa cháy suốt ba ngày ba đêm không tắt.

Độc đáo tập quán sinh hoạt của người Tày

Một trong những đặc điểm thể hiện rõ nét tập quán sinh hoạt trong nhà ở của người Tày là cách bố trí giường ngủ. Nếu trong nhà chỉ có một đôi vợ chồng cùng với các con còn nhỏ thì chỉ đặt một chiếc giường ngủ ở trong buồng cạnh bếp sưởi.

Khi các con trai và con gái đến tuổi trưởng thành thì đặt thêm những chiếc giường khác tại những vị trí đã được qui định. Trường hợp trong nhà có con trai lấy vợ thì sẽ làm thêm một buồng ngủ, đối diện với buồng ngủ của con gái. Các con trai đã trưởng thành được bố trí ngủ ở gian giữa hay ở gian bên cạnh nhưng thường là chỗ gần với bàn thờ tổ tiên. Cùng với những qui định về chỗ ngủ, trong nhà còn có những qui định khá nghiêm ngặt.

Thường ngày, bố chồng không được đi vào các buồng ngủ của các cô dâu, không đến chỗ ngủ của các cô con gái đã lớn tuổi, cô dâu không được vào buồng ngủ của bố chồng, anh em trai chồng đã có vợ. Bàn thờ gia tiên được coi là chốn linh thiêng, kiêng sản phụ đi qua, không được treo những thứ được gọi là uế tạp như quần áo, đặc biệt là đồ mặc của sản phụ, tã lót của trẻ sơ sinh...

Khi người vợ có thai, người chồng kiêng chọc tiết lợn, kiêng đi viếng đám ma. Phụ nữ Tày đẻ ngồi hoặc nằm trong buồng. Khi đứa trẻ ra đời dùng dao cắt rốn, cho nhau đứa trẻ vào ống nứa dấu ở trong rừng không cho người lạ nhìn thấy.

Sau khi sinh người mẹ được chăm sóc và kiêng kỵ chu đáo, quá trình ở cữ người phụ nữ chỉ ở trong buồng, kiêng tắm gội, không gần bếp lửa, nơi thờ cúng linh thiêng đặc biệt là bàn thờ tổ tiên. Sản phụ chỉ được ra ngoài khi con so được 3 tháng, con rạ một tháng. Khi đứa trẻ ra đời trước cửa nhà treo một cành lá xanh để báo cho người lạ biết không được vào nhà.

Người Tày quan niệm vũ trụ có 3 thế giới lớn: Trời, đất và nước. Ở thế giới tầng trời mỗi ngày dài bằng một năm. Theo quan niệm của đồng bào con người ở mặt đất sống gần gũi với con người ở tầng trời hơn là với người ở thế giới nước. Có thể du ngoạn đưa hồn người trần theo chim én lên thăm cảnh tiên.

Từ mặt đất cũng có đường xuống dưới nước, nhưng muốn xuống phải có người ở dưới nước ban phép hoặc mách bảo bí quyết.

Ngoài ra, người Tày còn phân biệt hai thế giới là thế giới thực của con người và thế giới vô hình của thần thánh, ma quỷ hay còn gọi là xứ người, xứ ma. Cõi người có kẻ tốt người xấu và cõi ma cũng vậy. Các ma lành là tổ tiên, thổ công, ma bếp, ma chuồng, thần nông, mẹ hoa. Ma dữ là ma chết bất đắc kỳ tử, ma chết yểu thường gây hoạ. Các ma lành đôi khi cũng gây khó khăn cản trở cho con người nên phải cúng.

Trước đây trong dân gian người Tày cho rằng co những người nhờ tu luyện hoặc do khả năng đặc biệt nào đó mà có thể điều khiển các loại ma hoặc tự mình có ma lực. Đó là “bùa”, “ma thuật”. Theo đồng bào muốn yểm bùa được phải học và không phải ai cũng có thể làm được.

Về thể xác và linh hồn,người Tày cho rằng con người có hai phần là phần xác và phần hồn. Phần xác có hình khối, có thể nhìn thấy bằng các giác quan. Phần hồn là phần vô hình con người không nhìn thấy được. Phần hồn của nam có 7 khoắn (vía theo cách gọi của người Kinh), nữ có 9 khoắn. Các khoẳn thường liền với xác, khi người chết các khoắn lìa hẳn khỏi xác và biến thành phỉ.

Trong tín ngưỡng thờ cúng, người Tày thờ cúng ma tổ tiên. Ban thờ đặt ở gian giữa, có số bát hương hoặc ống hương tuỳ theo gia cảnh và sự thờ cúng của từng nhà. Mùng một ngày rằm trước đây cũng không được thắp hương hoa quả. Những ngày lễ tết cúng những thức ăn quý hiếm. Người Tày chỉ đặt lên bàn thờ thịt gà, ngan, ngỗng không đặt thịt trâu, bò, ngựa, chó lên ban thờ. Ngoài thờ tổ tiên còn thờ ma bếp, ma chuồng, ma thương. Mỗi bản đều có miếu thờ thổ công ở đầu dẫn lối vào bản.

(Còn tiếp)

Đọc thêm