“Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”

(PLVN) - Nhân dịp Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản cuốn sách "Đạo & Đời", Hòa thượng Thích Thanh Điện - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có bài viết về cuốn sách với tiêu đề "Tất cả chúng sinh đều có Phật tính". Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 
Hòa thượng Thích Thanh Điện - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thanh Điện - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo đến với dân tộc Việt Nam từ rất sớm, bằng con đường tự nhiên, dân dã. Khi đến với Việt Nam, Phật giáo bén duyên ở vùng Kinh Bắc trang nghiêm cổ kính, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và trở nên hưng thịnh dưới thời kỳ nhà Lý, nhà Trần.

Trải qua thời gian, Phật giáo vẫn kiên định song hành cùng đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt, càng ngày càng hội nhập sâu, rộng trong tín ngưỡng truyền thống. 

Triết lý nhân sinh Phật giáo xoay quanh các phạm trù: vô thường, vô ngã, tứ diệu đế. Đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo là tùy duyên phương tiện nên khi Phật giáo truyền bá ra bên ngoài với tư tưởng “khế lý, khế cơ”, để đến với mỗi vùng đất mới, mỗi một khu vực khác nó lại có những bước đi khác nhau, cách thức khác nhau, sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

Sách "Đạo & Đời" phát hành dịp Kỷ niệm 35 năm Báo Pháp luật Việt Nam phát hành số đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2020)
 Sách "Đạo & Đời" phát hành dịp Kỷ niệm 35 năm Báo Pháp luật Việt Nam phát hành số đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2020) 

Chính tư tưởng này của Phật giáo khi đi vào Việt Nam đã tạo nên tính mềm dẻo, linh hoạt ngay trong việc thực hành giáo lý Phật, nó có thể bách ứng vạn biến theo hoàn cảnh cụ thể để đạt được kết quả cuối cùng là đồng hành với dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng cốt lõi của Phật giáo là triết lý nhân sinh từ bi. Triết lý nhân sinh ấy khởi đầu bằng sự chứng giải cái nguyên lý nguyên sơ “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật” (tất cả chúng sinh đều có Phật tính).

Từ triết lý này đã nảy sinh một loạt những tư tưởng từ bi về cuộc sống nhân sinh, mang một giá trị tư tưởng nhân bản sâu sắc, có giá trị tích cực đối với cuộc sống nhân quần; đó là tư tưởng nhân ái bao trùm mọi hiện hữu; đó là tinh thần bình đẳng bác ái, là đức hiếu sinh, đó là tinh thần cứu khổ cứu nạn… có thể nói đó là sợi dây tinh thần góp phần cố kết cuộc sống nhân quyền theo hướng hưng lợi, trừ hại, vì cuộc sống an lạc của con người. 

Bài viết của Hòa thượng Thích Thanh Điện được giới thiệu trang trọng tại Phần mở đầu cuốn sách "Đạo & Đời".
Bài viết của Hòa thượng Thích Thanh Điện được giới thiệu trang trọng tại Phần mở đầu cuốn sách "Đạo & Đời". 

Xã hội hiện đại có nhiều điều sầu muộn, lo lắng nhưng các phật tử nói riêng, người dân Việt Nam nói chung vẫn có một tấm lòng, một đức tin với những điều Phật răn... Họ tìm đến Phật để cầu mong sự che chở, an ủi của Đức Phật trước cuộc sống nhiều khó khăn, bất công, bất trắc; tìm đến cửa Phật thanh bình để giải tỏa căng thẳng, tránh xa mọi phiền não, bon chen, xô bồ của cuộc sống; giúp họ thanh thản hơn, tĩnh tâm nhìn nhận lại sự đúng, sai trong cách hành xử của mình để sống tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng, một cơ quan báo chí và nhất lại là Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải, tập hợp các bài viết ca ngợi “Đạo & Đời” thành một cuốn sách có ý nghĩa là điều vô cùng đáng quý. Điều đó khẳng định rằng, Phật giáo không phải riêng là tôn giáo của tăng ni, phật tử mà là tôn giáo của đời sống nhân sinh, hướng con người đến những điều tốt đẹp, thiện lành. Những tư tưởng giáo lý của Đạo Phật không bị bó hẹp trong một bộ phận còn là mạch nguồn tưới tắm, nuôi dưỡng đạo lý cho hết thảy mọi người.

Quán Sứ, mùa Phật đản 2020

 Hòa thượngThích Thanh Điện

Đọc thêm