Tây Nguyên: “Tín dụng đen” phủ bóng buôn làng

(PLO) - Kết quả khảo sát tình trạng tài chính của dân tộc ít người tại Tây Nguyên do Viện Nghiên cứu văn hóa mới công bố cho thấy, có đến 90% người dân tộc thiểu số được hỏi cảm thấy gánh nặng nợ nần là nghiêm trọng. Đây được cho là hệ quả của việc chuyển đổi sinh kế từ mô hình tự cấp tự túc sang kinh tế thị trường chưa hợp lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mỗi hộ nợ từ 50 đến 240 triệu đồng
Theo nhóm nghiên cứu, nợ là hiện tượng lịch sử không có gì mới, nhưng tính chất, mức độ vay và nợ xấu ở cộng đồng dân cư người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang là hiện tượng mới, bất thường, đáng lo ngại.  
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Hoàng Cầm cho biết, phương thức canh tác truyền thống của cư dân thiểu số Tây Nguyên chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên có sẵn. Tuy nhiên, hình thức này nay được thay đổi, người dân canh tác theo hướng kinh tế thị trường, trồng cà phê, ngô… 
“Phương thức canh tác mới này đòi hỏi người dân phải có tiền mặt để đầu tư. Từ đây, hệ lụy nợ nần xảy ra…” - TS Cầm phân tích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 86% các hộ dân được khảo sát đang gánh các khoản nợ khác nhau. Có đến 35/36 hộ dân được khảo sát đều đang mắc nợ: hộ ít nhất là 50 triệu đồng, hộ nhiều nhất 240 triệu đồng. Trong đó, nợ xấu không có khả năng chi trả khoảng 20 triệu/hộ (chiếm 45%). Số nợ xấu này chủ yếu vay từ “tín dụng đen” ở địa phương (chiếm 77%), một số ít từ vay ngân hàng (6%). 
“Khoảng 90% người dân được hỏi nói rằng họ đang ở tình trạng nợ nần nghiêm trọng. Nợ trở thành câu chuyện thường nhật của người dân nơi đây. Ra đường gặp nhau, họ thường hỏi nhau trả nợ được bao nhiêu rồi, còn nợ bao nhiêu nữa…” – TS Cầm chia sẻ.
Mục đích vay của những người dân nơi đây chủ yếu để đầu tư cho nông nghiệp (hơn 90%), với các khoản chi cho giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Điều đáng chú ý, nơi vay chủ yếu ở “tín dụng đen” địa phương (chiếm trên 50%), trong khi vay ngân hàng và tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ) chỉ chiếm trên 20%. 
Lý giải điều này, người dân cho biết vay ngân hàng khó về thủ tục. Nếu vay trên 15 triệu đồng thì cả gia đình phải đến ngân hàng ký tên. Có trường hợp phải mượn xe máy hàng xóm, tốn mấy ngày công mới làm thủ tục vay xong ngân hàng. Trong khi đó, vay “tín dụng đen” chỉ cần “một cú điện thoại” là xong. 
Một nguyên nhân khác, người dân vẫn quan niệm nếu vay ngân hàng khi đến kỳ hạn không trả được, họ sợ bị “đi tù”, mất đất, sợ cán bộ đến nhà thu tài sản thế chấp. Trong khi đó, nếu vay “tín dụng đen” đến kỳ không có trả vẫn nợ lại được, cùng lắm là “gặp ở đâu thì họ nhắc thôi, nói với giọng tình cảm”. Tuy nhiên, vay “tín dụng đen” người dân phải chịu lãi suất cao hơn, lên đến 50-60%/năm.  
Mô hình chuyển đổi nào phù hợp?
Lý do quan trọng mà người dân ai cũng mắc nợ là do đầu tư sản xuất nông nghiệp không đem lại hiệu quả, luẩn quẩn trong điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhiều trường hợp người dân vay “tín dụng đen” để trả nợ ngân hàng cho kịp thời hạn. 
Lợi dụng điều này, chủ một số đại lý nông nghiệp đi vay tiền ngân hàng về cho người dân vay, hưởng lãi suất chênh lệch. 
Ngoài vay tiền mặt, nhiều nông dân phải vay tại các đại lý theo hình thức vay nhân (đối với cà phê), vay non (đối với ngô). Theo đó, nông dân nợ phân bón, thuốc trừ sâu tại các đại lý, đến mùa thu hoạch thì quy đổi cà phê, ngô cho chủ đại lý theo mức giá rẻ hơn so với thị trường. 
“Họ nợ miết từ năm này đến năm khác, không biết lúc nào mới trả được...”- TS Cầm chia sẻ.
“Bức tranh nợ nần của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thật ảm đạm. Việc chuyển đổi sinh kế từ tự cấp tự túc sang kinh tế thị trường đã thật sự hợp lý chưa?”- một đại biểu tham dự buổi công bố kết quả khảo sát xót xa đặt vấn đề.
Bà Lương Minh Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết, vấn đề mà nhóm nghiên cứu đưa ra là tiếng chuông cảnh báo đối với những người làm chính sách. Từ trước đến nay chúng ta vẫn làm chính sách theo hướng áp đặt từ bên ngoài, chưa thấu hiểu được cốt lõi văn hóa bên trong để áp dụng chính sách sao cho phù hợp với sắc thái bản địa, đem lại hiệu quả. 
Ông Lưu Đức Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, qua báo cáo của nhóm nghiên cứu thấy mức độ giàu, nghèo ở Tây Nguyên đang ngày càng phân hóa sâu sắc. 
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Cầm cho biết, giải pháp nào để người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chuyển đổi sinh kế mà vẫn ổn định cuộc sống, không trở thành con nợ là bài toán khó. 
Ông khuyến nghị cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp hợp lí để nông dân hội nhập kinh tế thị trường không rơi vào nợ nần chồng chất, trong đó có hướng nghiên cứu các mô hình sinh kế cổ truyền của dân tộc thiểu số để tận dụng nguồn lực và tri thức bản địa trong các dự án phát triển.

Đọc thêm