Như một nghĩa cử mang tính nhân văn, sự giúp đỡ từ Công đoàn đó không chỉ mang lại sự phấn khởi cho những người tha hương kiếm sống quê người mà còn là niềm vui của hàng nghìn gia đình ngóng chờ người thân về sum họp. Tết năm ngoái đã có rất nhiều người không về quê được do không đủ tiền nong chi phí đành ở lại với bài ca não nùng: “Tết này con không về...”. Điệp khúc đó đã không lặp lại với những người lao động ở Bình Dương trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Tết là dịp không ít người giàu có phô phang sự xa hoa tạo nên nghịch cảnh đối với giới cần lao nhặt nhạnh từng đồng, đầu tắt, mặt tối suốt một năm dành cho một cái Tết sum họp. Nhiều trường hợp người lao động, mong ước giản dị không thành. Trong bối cảnh đó, càng thấm thía lời nói của Hồ Chủ tịch: “Lãng phí cũng là tội ác!”.
Những năm gần đây, Nhà nước chủ trương chăm lo Tết cho người nghèo, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp gia cảnh khó khăn. Phương châm “không để cho một người nào không có Tết” đã kêu gọi và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào hoạt động nghĩa tình này. Năm nay, chủ trương chống xa hoa, lãng phí và nịnh bợ được quán triệt từ rất sớm và quyết liệt hơn.
Bằng văn bản, chỉ thị cấm việc dùng ngân sách mua quà biếu xén cấp trên và bằng những lời nhắc nhở từ các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước rằng “Tết đừng xách quà đến nhà riêng của lãnh đạo nữa”. Đó cũng là một cách tiết kiệm ngân sách và góp phần lớn trong việc xóa bỏ nghịch cảnh: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Cao hơn, đó còn biểu hiện một nếp sống văn minh, cách hành xử văn hóa trong mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới, trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo với nhau.
Có lẽ chẳng cần đến “đường dây nóng” nhằm “tố giác” các trường hợp mang quà Tết đến nhà lãnh đạo. Bởi vì những năm trước đã áp dụng biện pháp này nhưng nó nguội ngắt có phát hiện được gì đâu, quan trọng nhất là những người trong diện được biếu quà tỏ thái độ dứt khoát của mình thì ai còn dám cố tình đến biếu nữa, kể cả những người xu nịnh nhất! Nếu thực tâm muốn trên dưới đều nóng thì xin đừng nhận quà biếu và tiền bạc nữa, nhận là “há miệng, mắc quai” biết cấp dưới làm sai nhưng vẫn phải động viên, xoa suýt.
Trở lại với việc làm của Công đoàn Bình Dương. Đó thực sự là mối quan tâm đến người lao động, rất đáng để các tỉnh thành khác học tập, làm theo. Thay vì mang quà đến nhà lãnh đạo, hãy đến với người lao động – những người trực tiếp làm ra của cải, vật chất cho xã hội.