Không hoành tráng, đồ sộ hay khác biệt cắt xẻ lộ thiên địa chất mà khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến mang nét địa hình căn bản của hình sông, thế núi nước Việt: Tựa lưng núi, nhìn Biển Đông. Không gian giản dị, thanh bình nơi đây, chính là biểu hiện toát lên từ nguyên khí phong thủy đẹp, bền vững của đất trời.
Hữu xạ tự nhiên hương
Không chỉ người dân Vũng Chùa mà chắc rằng ai cũng cảm nhận phong cảnh non nước hữu tình, trước không gian rộng mở, khoáng đạt nơi đây. Thế núi mềm mại, vững chãi trầm hùng, biển nằm trong vụng kín hiền hòa, sóng không quá lớn. Tĩnh mà động, động mà tĩnh. Bờ biển ví như một cây đàn Piano với những chuyển động của các phím đàn như lớp sóng trước “Minh Đường”, luôn ngân lên bản trường ca bất hủ.
Khi bình minh lên, lúc hoàng hôn buông bảy sắc cầu vồng, những cánh cò khoan thai vỗ nhịp dọc triền núi Thọ Sơn… không gian Vũng Chùa – Đảo Yến thanh bình, đậm màu sắc nên thơ như huyền thoại, cổ tích. Đây là biểu hiện “hữu xạ tự nhiên hương” của một vùng đất tụ khí linh thiêng của đất trời.
Địa thế căn bản ấy, bắt nguồn từ thế xương sống vững chãi của dãy Trường Sơn hùng vĩ, trùng điệp nhìn ra biển Đông của dải đất nước hình chữ S.
“Thiên sơn vạn thủy”
Địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông - Quảng Trạch - Quảng Bình) là một vùng biển kín được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Bấc, Hòn Nồm (Đảo Yến). Vị trí an táng Đại tướng ở trung tâm khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc núi Thọ Sơn (người dân gọi núi Thọ) trên độ cao khoảng 110m (đỉnh núi cao 130m so với mặt nước biển); phía trước mặt là Đảo Yến (trấn phong) cách khoảng 500m.
Phía Bắc là dãy Đèo Ngang; phía Tây là Núi Sú (cao điểm 136); phía Đông là Mũi Rồng, nhô ra biển. Nếu đặt la bàn cho thấy Mũi Rồng nhằm chuẩn hướng Đông Nam không lệch một độ nào.
Hình thế này cho thấy vị trí nơi mộ chí hội đủ thế căn bản về phương diện phong thủy hiếm có, gồm: “Huyền Vũ - Thanh Long - Bạch Hổ - Chu Tước” còn gọi là “Tứ Tượng”, với Minh Đường sáng, rộng.
Dựa vào sách “Địa lý Tả Ao – Địa đạo diễn ca” của “Thánh Tả Ao” còn để lại thì có thể thấy hình thể nơi đây ở thế “Thiên sơn vạn thủy”, nơi lưu giữ nguồn sinh khí và phát hiền tài cho đất nước.
Có nhà phong thủy đã chứng minh rằng Vũng Chùa - Đảo Yến có “thế” phong thủy lý tưởng, đắc địa có một không hai, chạy theo hướng vòng cung Đông - Nam là địa hướng chuẩn “chính trực tuyệt đối” (có thể kiểm chứng bằng la bàn).
Bãi biển phía trước có cấu tạo địa chất khác nhiều nơi với những thớ đá xếp lên nhau như vảy con Rồng nằm ẩn phía dưới đang ngơi nghỉ, hàng vạn chiếc vảy ấy được sóng biển “tắm gội” hàng ngày sáng láng vô cùng.
Long mạch nơi đây vững mà uyển chuyển, hội tụ nhiều linh khí, khi là nơi an nghỉ của bậc vĩ nhân có công trạng lớn với đất nước còn có ý nghĩa tâm linh cho sự “hộ vệ quốc gia trước nhiều taiương, bất trắc”. Điều này hợp lẽ tự nhiên của đất trời và ý nguyện của lòng dân, đó cũng chính là “Địa linh - Nhân kiệt”.
Nơi hội tụ nguồn linh khí
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Sơn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Kiến trúc Phong thủy Năng lượng cảm ứng (RIAFR) trực thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng thì đây là nơi lý tưởng để Đại tướng yên giấc ngủ ngàn thu.
Về mặt phong thủy, Vũng Chùa - Đảo Yến có một tâm linh rất đặc biệt, khó nói bởi trạng thái tĩnh của đất rất yên bình, là một trong những điểm hội tụ linh khí của Quảng Bình và Việt Nam. Biển nơi đây phẳng lặng như Hồ Tây - Hà Nội, nước trong suốt, cát trắng vàng, quang cảnh thiên nhiên nguyên sơ thanh bình, nhìn ra là Đảo Yến, nơi đất lành đang hội tụ chim Yến về.
Địa linh Nhân kiệt
Theo sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” của Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn thì Vũng Chùa - Đảo Yến là thắng cảnh nằm chung trong vịnh Hòn La, gọi là vịnh La Sơn. Sách nêu rõ: Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, trùng trùng, điệp điệp lan ra tận biển”, với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía Tây Bắc, ở phía Đông có nhiều đảo nhỏ…
Nơi này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết dân gian như việc người dân vùng này không bao giờ chặt cây Chò trắng, vì đây là cây tương truyền được Long Vương dùng xây thủy cung dưới biển, mà Long Vương thì đã từng nổi sóng lớn giúp dân nhấn chìm chiến thuyền của quân Chiêm khi vào quấy phá dân làng thời Đại Việt.
Nơi đây, Vua Lê Thánh Tông khi xuất thủy quân đánh Chiêm Thành từng dừng chân lập Đàn xin Thần linh phù hộ thắng giặc và dân chúng an sinh. Sau đại thắng, Vua lại trở về lập Đàn cáo cùng trời đất.
Người dân Vũng Chùa – Đảo Yến cho biết, xưa kia ở đây còn có một ngôi chùa rất linh thiêng, nay do thăng trầm của thời gian nên chỉ còn lại nền đất. Vì thế mới có tên gọi là Vũng Chùa.
Khi viết bài này, chúng tôi luôn nhớ thời khắc vị Đại tướng của Nhân dân trở về an nghỉ nơi đất Mẹ - thời khắc một vĩ nhân về cõi vĩnh hằng, hòa vào hồn thiêng sông núi, trong tiếng ngân rung của Đại Hồng Chung Vũng Chùa… Quả chuông ấy khắc dòng chữ: “CÁI TÔI HOÀN LẠI ĐẤT TRỜI/TRẢ TÔI MẶT MŨI MUÔN ĐỜI CHƯA SANH”…Theo quan niệm của nhà Phật “sống gửi, thác về”, sự mất đi lại là sự bắt đầu… và tiếng chuông ngân rung thời khắc ấy đã lay động triệu triệu trái tim người.