Khi chị em… sợ Tết
Còn những hai tháng nữa mới đến Tết, nhưng nhiều chị em đã vò đầu bứt tóc: Tết sắp đến, lại sắp khổ rồi! Tết, dịp nghỉ ngơi, sum họp, mà lại than “khổ”, thoạt nghe vô lý, nhưng thực ra, đó là chuyện thường thời nay.
Chị Lưu Thi Anh, giáo viên mẫu giáo, ngụ Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ: “Không khổ sao được, Tết đến là bao lo lắng ập đến theo. Đầu tiên là cân đối tiền lo Tết. Nào tiền mua sắm Tết, trang hoàng lại nhà cửa. Tiền mua quần áo, vật dụng mới trong nhà. Rồi tiền quà cáp biếu cho hai bên gia đình nội ngoại, quà Tết cho sếp của chồng, cho thầy cô giáo của con… Giờ bắt đầu ngồi lên kế hoạch thu chi cũng đủ mệt đầu”.
Với nhiều gia đình khác, gốc ngoại tỉnh sinh sống ở thành phố lớn, thì Tết sắp đến còn đi kèm với nỗi lo… tàu xe. Chị Thùy Hoa, ngụ quận 12, TP.HCM (quê gốc Hà Đông, Hà Nội) kể, từ mấy ngày nay, vợ chồng chị liên tục lên mạng săn vé máy bay giá rẻ, và đều ngao ngán vì giá vé về Hà Nội không dưới 6 triệu đồng/ người. Nhà chị gồm hai vợ chồng và hai con, vị chi nếu muốn về quê ăn Tết, phải tốn hơn 20 triệu đồng.
Số tiền hơn cả tháng lương của chồng chị. Suốt mấy ngày nay, hai vợ chồng cứ lăn tăn mãi. Mỗi năm bận rộn, chỉ có dịp Tết mới về quê, không về thì cha mẹ ở quê đã già yếu lắm, mong con sum họp, nếu vắng các con sẽ buồn, ăn Tết mất vui. Mà về thì tài chính eo hẹp quá. Phương án đi tàu lửa cũng khó, vì năm nay nghỉ Tết không nhiều ngày, đi về mất non nửa thời gian, còn đâu mà vui chơi…
Tết, với nhiều chị em nội trợ, bao giờ cũng đi kèm với nhiều lo lắng, vất vả cả thể xác, tinh thần. Các ông chồng, ngày Tết bận túi bụi với dự án, báo cáo, tổng kết, rồi tiếp khách, các cuộc ăn nhậu, tất niên… Đóng góp lớn nhất có thể là đem tiền về cho vợ lo sắm Tết.
Nhưng những người vất vả thực sự là người vợ trong nhà, phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ, từ mua sắm Tết, cân đối chi tiêu đến bắt tay dọn dẹp chăm chút nhà cửa, trong khi đó, việc hàng ngày là duy trì sinh hoạt gia đình, cơm nước con cái vẫn phải chu toàn.
Có chị, từ đầu mùa Tết đã cắm cúi vào việc nhà, đến đúng giao thừa mới dừng tay nghỉ ngơi được. Cận Tết, các trạm y tế, bệnh viện đón không biết bao bệnh nhân là bà nội trợ, nhẹ thì truyền nước biển, nặng thì suy nhược…
Ở thành thị đã thế, nhiều vùng nông thôn, người ta còn chứng kiến cảnh vợ đầu tắt mặt tối lo Tết, chồng ngày ngày thong thả đi nhậu, ra quán cà phê tán gẫu với bạn bè. Bao gánh nặng oằn lên vai chị em. Thế nên, lời than thở: Tết đến làm chi thêm mệt người cánh phụ nữ là điều không hề xa lạ.
Đừng biến Tết vui thành Tết lo
Với chị em, Tết là trăm mối lo toan, thì với cánh mày râu, Tết cũng không hẳn sung sướng gì. Anh Trần Anh Tuấn, trưởng phòng kinh doanh một công ty sản xuất bánh kẹo chia sẻ, dịp Tết là thời điểm công việc căng thẳng nhất, nên hai tháng trước Tết, anh tăng ca liên tục, hôm nào cũng tối mịt mới về nhà, cuối tuần cũng phải đi làm. Bao nhiêu việc trong nhà giao hết cho vợ. “Áy náy, thương vợ nhưng biết làm sao được. Công việc bắt buộc đành vậy thôi”.
Có những thứ áp lực bắt buộc phải gánh, và cũng có những thứ áp lực nhiều gia đình tình nguyện nhận lấy, vì quan niệm “dịp Tết là dịp làm ăn”. Những cửa hàng nhỏ, những cơ sở kinh doanh, những nhà hàng quán ăn, không có dịp nào làm ăn phát đạt như ngày Tết. Bởi vậy, nhiều người kinh doanh quan niệm, mỗi năm mới có một dịp làm ăn, có thể hy sinh niềm vui ngày Tết, miễn kiếm nhiều tiền.
Vợ chồng anh Trung Thi, chị Mai Hạnh, chủ một cửa hàng kinh doanh phụ kiện làm đẹp ở quận Tân Bình cũng thế, mỗi cái Tết là dịp bù đầu và tiền vào như nước của hai vợ chồng. Buôn bán tất bật đến tận giao thừa mới đóng cửa, hai vợ chồng đâu có thời gian sắm sanh, trang hoàng đón Tết như nhiều người. Ngày Tết là thời điểm cả nhà nghỉ ngơi sau thời điểm mệt rã người trước Tết, cả nhà lăn ra ngủ, dậy thì đi ăn nhà hàng, hàng quán. Ba ngày Tết đều trôi qua như thế.
Tết ngày nay luôn đi kèm với lo phiền, chính vì những điều như trên. Dường như ngày càng thiếu vắng đi những hình ảnh của Tết xưa: Những gia đình, chồng vợ con cái cùng nhau quét dọn sơn sửa nhà cửa, mua sắm, chưng hoa. Tết nhẹ nhàng với những bữa ăn truyền thống với bánh chưng, dưa kiệu, thịt nấu đông, Tết ấm áp với những bao lì xì giấy đỏ, những gia đình vãn cảnh chùa, chúc Tết. Tất cả ngày một vắng dần đi để thay vào đó là những tất bật kiếm tiền trước Tết, những chuyến du lịch xa những bữa tiệc …
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, thời điểm đón Tết chính là thời điểm đẹp nhất của mỗi mùa Tết. Ai cũng mong muốn có một năm phát đạt, một năm hanh thông, ai cũng lo toan muốn tận dụng Tết để kiếm thật nhiều tiền bạc… mà quên mất câu “hòa khí sinh tài”.
Thực ra, chính niềm hân hoan đón Tết của mỗi gia đình chính là năng lượng tích cực nhất mở đường cho một năm mới hạnh phúc, ấm áp, no đủ. Làm gì thì làm, bận rộn đến đâu, cũng nên dành chút thời gian cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa, trang trí Tết. Tết có qua loa thế nào cũng cần phải có mâm cây trái, lễ vật trên bàn thờ gia tiên, cũng cần phải có bữa cơm chung ấm áp gia đình. Tết hiện đại thế nào, cũng vẫn phải giữ những lễ nghi, những lời chúc lành tốt đẹp.
Bởi Tết, với ý nghĩa ngàn năm nay, không phải dịp để kiếm tiền, cũng không phải thời điểm để mang vào người những lo toan. Tết được sinh ra để người ta biết dừng lại, biết nghỉ ngơi, để sum họp, để những người trong gia đình chăm sóc và yêu thương nhau hơn.