Có lẽ là người luôn sống trong hoài niệm nên dù đã có gia đình riêng, con cái cũng đã qua tuổi bón ăn từng bữa nhưng cứ đến đầu tháng Chạp, lòng tôi không khỏi bồi hồi và tôi bắt đầu đếm lùi từng bữa. Vợ chồng tôi đều lập nghiệp ở xa quê, tết là dịp duy nhất để vợ chồng tôi được về quê thăm thân, để các con tôi được gần gũi ông bà và thỏa sức cho cha mẹ chúng ôn lại những kỷ niệm thời xưa cũ.
Tôi nhớ đến nhói lòng những ngày tết êm đềm đã trôi xa. Đó là những chiều 28 tết, tôi cùng chị gái rửa lá dong và vo gạo nếp chuẩn bị cho bố gói bánh chưng. Cứ rửa xong chừng vài chục lá, tôi lại ôm thành quả của mình ép vào cây cột gỗ ngoài hiên rồi lấy dây lạt buộc xung quanh đợi cho ráo nước. Đến tối, khi nồi bánh chưng được bắc lên bếp là lúc cả gia đình tôi quây quần quanh bếp lửa hồng. Cha thường hay kể chuyện tiếu lâm cho mẹ con tôi nghe để quên thời gian đang chầm chậm trôi về sáng. Đến lúc chiếc bánh chưng đầu tiên được vớt ra cùng tiếng cười hoan hỉ “Bánh chín rồi” cũng là lúc mặt trời đã lên đỉnh ngọn tre.
Về quê ăn Tết, tôi được đi giữa không gian thanh bình, yên ả. Cảnh vật xung quanh là những bụi chuối, gốc tre và những hàng cúc tần hai bên đường làng nở hoa trắng muốt. Tôi của mấy chục năm về trước cũng như những em bé đang nhảy chân sáo trên đường, một tay túm chặt chùm bóng bay đủ sắc màu, tay kia là những chiếc kẹo bọc giấy hoa hồng mà người lớn vừa mừng tuổi…
Vui nhất với tôi có lẽ là khoảng thời gian cùng cả nhà đi chúc tết họ hàng và làng xóm. Tiếng cười nói ríu ran suốt cả buổi, ra đường gặp bất kỳ ai từ làng trên đến xóm dưới đều thấy gương mặt người nào cũng thân quen quá đỗi. Có những bạn bè, anh em lâu ngày không về quê, gặp nhau trên đường, dù chỉ chốc lát, ai nấy đều mừng vui khôn tả. Những nụ cười thật tươi, những cái nắm tay, ôm nhau nhau thật chặt như chẳng muốn rời cứ theo tôi suốt những ngày tết và còn đọng mãi đến bây giờ.
Lớn lên, tôi đi học xa nhà rồi lập gia đình. Hành trang tôi mang theo về nhà chồng là những bí quyết làm bánh và chế biến các món ăn trong dịp tết mà mẹ tôi truyền lại. Cha mẹ chồng rất thương tôi, chỉ bảo tôi từng ly từng tí trong chuyện trang hoàng nhà cửa và chào hỏi những người thân trong gia tộc sao cho đúng phép tắc.
Cũng như gia đình tôi, nhà chồng tôi rất coi trọng những lễ nghi trong dịp tết. Trong bữa cơm Tất niên, dù ai bận công việc gì hay đang ở đâu cũng phải gác lại chuyện riêng để về tụ họp, sum vầy. Và năm nào cũng vậy, vào tối giao thừa, sau khi đồng hồ điểm mười hai tiếng chuông, cha thắp thêm hương lên bàn thờ gia tiên rồi bật Sâm-panh, chúng tôi ngồi quây quần bên cha mẹ để được nghe lời chúc đầu năm mới và được nhận những bao lì xì đỏ thắm.
Lời chúc đầu năm bao giờ cha mẹ cũng mong chúng tôi luôn giữ được cái Đức, cái Tâm của nghiệp làm báo. “Tâm có sáng thì đức mới bền. Cha mẹ mong các con ngày một trưởng thành và làm được nhiều điều có ích”. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng không bao giờ chúng tôi quên được những lời chúc mà cũng là những lời căn dặn đầy tình thương yêu của cha mẹ.
Giờ thì cha mẹ chồng tôi không còn nữa, sau khi ăn tết cùng cha con tôi, vào một sớm tinh mơ của ngày mồng bốn, mẹ thanh thản xuôi tay. Niềm đau chưa nguôi thì cùng năm đó, cũng vào một ngày gần tết, cha tôi lại đột ngột ra đi, chẳng kịp để lại lời nhắn nhủ. Người ta mất mẹ còn cha, đằng này anh em tôi mất một lúc cả cha lẫn mẹ, chẳng đớn đau nào có thể sánh được, thấy “xót xa như rụng bàn tay”.
Giao thừa năm đó, chúng con đứng trước bàn thờ cha mẹ mà nước mắt như mưa. Chưa năm nào chúng con đón một giao thừa mà trong lòng thấy trống trải và hụt hẫng như vậy. Chúng con không còn được cha bật Sâm-panh chúc tết như mọi khi, không được mẹ ân cần dặn dò những điều hay lẽ phải. Những kỷ niệm đẹp và thiêng liêng ấy, giờ chỉ còn lại trong ký ức.
Nhưng cũng đã 5 năm rồi, kể từ ngày mẹ cha “rủ nhau di tới thiên đàng”, không năm nào chúng con không về quê đón tết. Cha mẹ không còn nhưng chúng con vẫn còn tổ tông, còn họ hàng, làng xóm. Vẫn còn đây những gốc khế, cây bưởi cha trồng và những bụi mẫu đơn ngày ngày mẹ vẫn từng vun xới. Con vẫn nghe đâu đây, trong rì rào tiếng lá nơi vườn nhà là giọng nói trầm ấm của cha. Và đất dưới chân con như đang trở mình khe khẽ, đất thì thầm với con rằng mẹ chưa lúc nào thôi nghĩ về chúng con.
Chỉ về quê đón tết, chúng con mới cảm nhận hết hơi ấm của tình mẫu tử, mới thấy được trọn vẹn những giá trị thiêng liêng về nguồn cội mà ngoài quê hương ra chẳng nơi nào có được. Cám ơn mẹ cha đã cho chúng con ký ức đẹp về những cái tết đầm ấm, thân thương. Chúng con đội ơn đấng sinh thành đã dạy cho chúng con những bài học đầu tiên về đạo làm Người. Tết này, chúng con sẽ lại về quê./.