Tết vui ở A Ngo

(PLVN) - Trong làn mưa mù của núi rừng Trường Sơn Đông, con đường gần 150 cây số từ thành phố Đông Hà đến xã A Ngo (huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị) đầy trơn trượt, có cảm tưởng như chỉ cần một chút sơ sẩy là xe sẽ lao xuống dòng sông Dakrông đang cuồn cuộn chảy bên dưới. Nhưng rồi mọi khó khăn và nỗi sợ hãi cũng đã qua đi. A Ngo trong tôi là những nụ cười Pako, Vân Kiều rạng rỡ...
Không chia sẻ gì nhiều nhưng bà Hồ Thị Lịch (người đứng giữa) vui lắm vì có nhà mới
Không chia sẻ gì nhiều nhưng bà Hồ Thị Lịch (người đứng giữa) vui lắm vì có nhà mới

Xuân này đã thực là “Xuân vui”

Trên dãy Trường Sơn vào thời tiết mưa mù, trời sáng rất chậm. 5h sáng nền trời vẫn tối đen đến mức con gà trống không cất nổi tiếng gáy báo bình minh. Ấy vậy mà chị Hồ Thị Bát người phụ nữ dân tộc Pako sống ở thôn A Đeng xã A Ngo đã trở dậy từ lúc 4h sáng. Chị dậy sớm vì cả đêm náo nức không ngủ được, chị dậy sớm để cùng với các chị em tấp nập chuẩn bị bánh trái cho ngày vui của chính gia đình chị.

Sinh năm 1979, đã có rất nhiều mùa xuân đi qua cuộc đời chị Hồ Thị Bát, nhưng ngày vui thì không nhiều. Như mọi cô gái Pako khác, chị sớm lấy chồng và lần lượt sinh ba đứa con. Chồng bị bệnh đau lưng kinh niên nên không làm được việc nặng, chỉ chủ yếu đi rẫy và ai thuê gì thì làm nấy. Phần mình, chị Hồ Thị Bát cũng chỉ biết phụ chồng làm rẫy và xoay xở chăm ba đứa con.

“Cả đời mình chưa bao giờ đi xa quá cái rẫy cách nhà hơn 4 cây số đâu. Vì không có thời gian và không có tiền. Cái nhà cũ của mình bé lắm, chẳng đủ chỗ cho lũ trẻ nay đã lớn và hai vợ chồng nằm ngủ, vào ngày mưa thì nhà dột, ngày nắng thì rất nóng” – chị kể. 

Mùa xuân năm nay đã thực sự là mùa xuân vui với chị Hồ Thị Bát khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam  phát động từ đầu năm 2018 đã đến với bản làng quê hương chị.

Gia đình chị đã được nhận 60 triệu đồng hỗ trợ (trong đó 50 triệu đồng từ đơn vị nhận đỡ đầu xã biên cương là Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, 10 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Quảng Trị) cùng ngày công, góp sức của bà con nhân dân, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay.

Ngôi nhà khởi công từ tháng 10/2018 với diện tích sử dụng 50m2, lợp mái tôn cao ráo, khang trang và đã được trao cho gia đình chị Hồ Thị Bát trong khuôn khổ chương trình “Xuân đoàn kết - Tết biên cương” tại tỉnh Quảng Trị do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị tổ chức vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019.

“Mình quá mừng vui, quá hạnh phúc, cứ như đang mơ vậy. Giờ có nhà tốt ở rồi, lũ trẻ có chỗ ngủ đủ ấm rồi, hai vợ chồng mình yên tâm làm ăn để nuôi các con ăn học rồi!” – tiếng Kinh còn bập bẹ nhưng chị Hồ Thị Bát xúc động nói đi nói lại. 

Cũng trong đợt trao nhà mái ấm tình thương này, niềm vui của gia đình chị Hồ Thị Bát đã được nhân lên khi cùng với chị Bát còn 6 gia đình nữa cũng được nhận nhà (7 mái ấm tình thương từ Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương được trao cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai xã A Ngo và xã A Bung, tổng trị giá 420 triệu đồng).

Vốn là người ít nói nên bà Hồ Thị Lịch 50 tuổi người phụ nữ dân tộc Pako sống ở thôn A Đeng xã A Ngo không chia sẻ gì nhiều. Nhưng chỉ nhìn niềm vui ánh lên trên gương mặt đã sớm nhăn nheo vì vất vả của bà là biết bà đang vui lắm.

Ở thôn A Đeng này ai cũng biết nhà bà Hồ Thị Lịch rất nghèo, căn nhà đang ở như túp lều dột nát, nhưng bà lại có tấm lòng thơm thảo vô bờ bến. Khi biết xã cần đất để xây trường học, vợ chồng bà đã quyết định hiến 1000m2 đất vườn đang cho thu hoạch hoa màu và cây trái rất tốt để có trường cho các cháu học.  

Trong khuôn khổ chương trình “Xuân đoàn kết - Tết biên cương”, lễ khởi công xây dựng mái ấm biên cương do BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và Hội LHPN lại được tiếp nối. Gia đình cô giáo Hồ Thị Lớp (SN 1990, người dân tộc Pako, thôn A Ngo, xã A Ngo) là gia đình được thụ hưởng ngôi nhà có công trình phụ khép kín đầu tiên tại địa bàn vùng biên giới La Lay.

“Nhà của mình quây bằng cót ép, mái phủ vải nylon nên cứ vào ngày mưa ba mẹ con lại dúm dó ngồi góc nhà tránh nước dột, bếp ướt nên không nấu ăn gì được. Ở đây mùa mưa dài lắm nên mang tiếng là có nhà nhưng gia đình mình toàn đi ở nhờ. Giờ được giúp đỡ để xây nhà mình vui lắm. Mong tới đây bản làng mình có cả nước sạch để dùng, không phải dùng nước sông, suối nữa” – cô giáo Hồ Thị Lớp chia sẻ với phóng viên về niềm vui của mình. 

Đồng hành để mang đến những ngày vui

Đầu năm 2018, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chính thức phát động. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã có một năm 2018 thành công với 110 xã nhận được sự hỗ trợ xuất phát từ chính nhu cầu của phụ nữ biên giới như mô hình sản xuất, mái ấm tình thương, công trình phúc lợi, tập huấn nâng cao kiến thức…

Chị Hồ Thị Lớp (thứ 6 từ phải sang) cùng đại diện Hội LHPNVN và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng ngôi nhà mới.
 Chị Hồ Thị Lớp (thứ 6 từ phải sang) cùng đại diện Hội LHPNVN và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng ngôi nhà mới.

Vận động nguồn lực qua nhắn tin ủng hộ chương trình: bằng nhiều hình thức đã vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và cộng đồng nhắn tin qua đầu số 1409. Kết quả đã có 71.225 tin nhắn với tổng số tiền là 1.424.500.000 đồng. Đến cuối tháng 10/2018, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn đến nay được trên 37 tỷ đồng...

“Hỗ trợ xuất phát từ chính nhu cầu của phụ nữ biên giới” đã là một trong những mục tiêu chính của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và qua thực tế tại hai xã A Ngo có thể thấy được điều đó. “A Ngo là xã biên cương khó khăn của tỉnh Quảng Trị, đa số là đồng bào dân tộc Pa Kô, tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 47%), đời sống của bà con nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn nhiều khó khăn, vất vả.

Hoạt động thiết thực trao tặng Mái ấm tình thương của Hội LHPN và BĐBP đã giúp đỡ chị em và gia đình có được mái nhà vững chãi, vượt qua khó khăn, mừng vui đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới ấm tình người, ấm tình quân dân. Qua đó giúp chị em yên tâm chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống, cùng chính quyền địa phương bám đất, bám làng, giữ gìn biên cương của Tổ quốc” - bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo chia sẻ.

 “Tôi đã lần đầu tiên học được cách gói bánh chưng ngày Tết có nhân với thịt, đỗ, gia vị” - đó là chia sẻ của chị Hồ Thị Huệ ở thôn Pi Rao, xã A Ngo. Chị Huệ cho biết, “năm nay, đồng bào Pa Kô nơi đây đón Tết vui hơn các năm trước. Đồng bào còn nghèo, nhiều Tết trước đó chỉ ăn bánh a quát (tên một loại bánh của người Pako - PV) không có nhân, khi cúng xong, lúc ăn thì chấm với nước mắm hoặc muối ớt.

Tuy nhiên, năm nay, được cùng cán bộ Hội Phụ nữ và các chiến sĩ bộ đội biên phòng chuẩn bị Tết sớm cho bà con, tôi đã lần đầu tiên học được cách gói bánh chưng ngày Tết có nhân với thịt, đỗ, gia vị… Đây là loại bánh hiếm nên Tết năm nay, khi bà con nghèo nơi đây biết mình sẽ được tặng bánh chưng Tết thì vui lắm. Mong ngày càng có nhiều chương trình Tết biên cương”.

Để chuẩn bị cho bà con A Ngo có cái Tết vui, bên cạnh công sức của Hội Phụ nữ còn phải kể đến những cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Theo Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng tham mưu hành chính của Đồn, các anh đã bắt tay vào chuẩn bị từ hơn 2 tháng trước và huy động tối đa nhân lực với khoảng 300 ngày công để cùng tham gia với mong muốn bà con có một cái Tết đầm ấm vui tươi và cùng với bộ đội biên phòng góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia...

Con đường vượt qua núi rừng Trường Sơn đến với A Ngo vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng hơn lúc nào hết, con đường đó đã và sẽ thực sự trở thành con đường chuyên chở những niềm vui, khi ngay tại Tết này và thời gian tới đây 610 suất quà được trao tặng cho đại diện các hộ gia đình nghèo tại bản La Lay, huyện Samuoi nước CHDCND Lào giáp biên với huyện Đakrông; cho các học sinh nghèo, các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn của các xã A Ngo, A Bung, Pa Nang; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng 50 nhà tiêu hợp vệ sinh; Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng 2 mô hình sinh kế, 4 máy tính; Hội LHPN TP HCM hỗ trợ 2 xã A Bung và A Ngo số tiền 890 triệu đồng trong giai đoạn 2018 - 2020…

Có đi mới biết, đời sống của nhân dân, của phụ nữ vùng biên giới vẫn còn  rất nhiều khó khăn. Bủa vây xung quanh họ là nhiều vấn đề vẫn đang tồn tại như đói nghèo, mù chữ, trình độ nhận thức hạn chế, buôn bán phụ nữ, trẻ em; tảo hôn…

Muốn giải quyết những vấn đề này, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, thì cần lắm sự chung sức, chung lòng của cả cộng đồng. Để từ đó, những người phụ nữ như chị Hồ Thị Bát, Hồ Thị Lớp... ở A Ngo, A Bung có thể vươn lên, vững vàng, dẻo dai như chính cái tên của buôn làng họ (A Ngo tiếng Pako là tre, A Bung là trúc - PV) sống cuộc đời an vui và giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.

Đọc thêm