Thả cua khóc và kỳ duyên với Phật giáo của Thiền sư Tông Diễn

(PLO) - Thời Hậu Lê, Phật giáo gặp phải kiếp nạn khi vua ra lệnh cho tăng ni phải vào rừng núi ở. Thiền sư Tông Diễn đã xin gặp và cảm hóa nhà vua. Khi thấm nhuần đạo lý, để thể hiện sự sám hối, nhà vua đã cho tạc bức tượng Phật ngồi trên vua phủ phục đặt ở chùa Hoè Nhai.
Bức tượng Phật ngự trên lưng vua
Bức tượng Phật ngự trên lưng vua

Người con hiếu thảo

Thiền sư Tông Diễn (1640- 1711) không rõ tên tục, quê quán ở đâu. Chuyện kể rằng, cha mất sớm, mẹ buôn bán tảo tần nuôi ông khôn lớn. Năm 12 tuổi khi mẹ chuẩn bị đi chợ, bà dặn con giã cua nấu ăn. Nhưng khi định giã cua, đứa trẻ thấy chúng tuôn ra những hạt bọt dường như khóc nên xót thương, thả hết cua đi.

Buổi trưa, người mẹ về không thấy canh cua liền hỏi lý do, đứa trẻ nói rõ sự tình liền bị bà lấy roi đuổi đánh. Đứa trẻ chạy một mạch không dám ngó lại, từ đó hai mẹ con ly biệt. Rời khỏi nhà, đứa trẻ mệt quá ngất đi, được một trụ trì chùa cưu mang. Xuất gia tu hành một thời gian, Tông Diễn trở thành Hòa thượng trụ trì liền về quê cũ tìm mẹ. 

Gặp một bà lão bán trà ven đường kể về hoàn cảnh côi cút, đứa con bỏ đi, thân già không ai chăm sóc. Vị hòa thượng nói thỉnh bà về chùa nương bóng từ bi trong những khi già yếu. Bà đồng ý. 

Nhà sư cho cất một am tranh gần chùa, cho người đi rước bà lão về ở đây. Mỗi hôm, nhà sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe. Vị hòa thượng luôn nhắc nhở bà tu hành và mỗi sáng đều qua am thăm hỏi bà lão.

Thiền sư Tông Diễn (Ảnh minh họa)
Thiền sư Tông Diễn (Ảnh minh họa)

Được một thời gian, nhà sư tự nấu cháo săn sóc khi bà lão bệnh khiến các đệ tử đều thấy lạ. Biết bà không sống được bao lâu nhưng có duyên sự phải đi nên nhà sư dặn đệ tử nếu bà lão có mệnh hệ gì thì cứ làm các lễ nghi, nhưng đừng đậy nắp, đợi ngài về sẽ đậy sau.

Vài ngày sau, bà lão mất còn để trong áo quan, nhà sư về nhìn mặt lần cuối rồi đậy nắp quan lại. Nhà sư nói: “Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật”. Vị hòa thượng liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Lúc này mọi người mới biết bà lão là mẹ của nhà sư.

Vị thiền sư cảm hóa nhà vua

Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước đuổi hết tăng ni về rừng núi. Thiền sư Tông Diễn biết được tin này rất đau lòng, bèn quyết tâm rời chốn sơn dã về kinh thành, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp. 

Thiền sư đi đến kinh đô trời đã tối, nghe tiếng mõ liền đi vào thấy bàn thờ Phật hương đèn trang nghiêm. Hỏi chủ nhà mới biết ông là cai ngục, đào được tượng đồng nên đem về thờ. Thiền sư bàn với chủ nhà ra phố quyên tiền nhà hảo tâm mua gỗ cất ngôi chùa nhỏ thờ Phật.

Hôm sau, đang quyên tiền, nhà sư gặp quan Đề lĩnh bị bắt về dinh chất vấn. Khi hỏi, thiền sư trả lời: Kẻ Tăng quê mùa này ở trong núi sâu được một viên ngọc quí, mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông tâu lên vua cho tôi dâng ngọc sau đó sẽ trở về núi.

Nhà vua sai quan đem ngọc vào cho mình nhưng thiền sư muốn đích thân dâng lên ngài. Tuy nhiên, nhà vua từ chối lời thỉnh cầu này. Ba tháng không được vào triều đình, thiền sư Tông Diễn bèn viết một tờ biểu, nói rõ việc tu hành cách thức làm yên nhà lợi nước một cách rành mạch rõ ràng. 

Viết xong, vị hòa thượng để trong cái hộp đem dán kín cẩn mật, xin quan Đề lĩnh vào triều tâu lên nhà vua: “Xin nhà vua chọn lấy một ông quan văn trung trực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày, sẽ ra nhận ngọc quí dâng lên”. Khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu, vị quan văn đọc tờ biểu cho vua nghe. Ngài nghe thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, ý tứ thâm trầm liền ra lệnh cho quan Đề lĩnh dẫn vị tăng vào triều.

Khi nhà vua hỏi sách lược, thiền sư Tông Diễn đối lý rất dung thông. Ngài bèn phán “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân”. Vua liền mời nhà sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. 

Nhà vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quỳ mọp để tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hồng Phúc.

Sau khi đã hóa giải được ách nạn của tăng ni và cảm hóa được nhà vua, thiền sư xin về núi thăm thầy là thiền sư Thông Giác. Một thời gian, thiền sư trở lại kinh đô. Vua ban cho thiền sư chức Ngự tiền chi quân (ngồi ở trước Vua) và áo gấm. Thiền sư từ chối chức tước, chỉ nhận áo gấm cho vui lòng vua.

Thiền sư Tông Diễn tổ chức khắc bản in kinh Hoa Nghiêm để ở chùa Báo Thiên, khắc bản kinh Pháp Hoa in để ở chùa Khán Sơn. Sau thiền sư trụ trì ở chùa Hồng Phúc, thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe.

Ngày tháng trôi qua, thiền sư Tông Diễn thấy tuổi đã già sắp đến ngày viên tịch, bèn gọi đệ tử đến bảo: “Báo thân của ta đến đây đã hết.” Nói rồi, thiền sư ngồi trên giường thiền yên lặng thị tịch. Bấy giờ là ngày 16 tháng 7 năm Tân Sửu nhằm niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1711) triều Lê Dụ Tông, thiền sư thọ bảy mươi hai tuổi.

Đọc thêm