Vị vua mở rộng bờ cõi
Trần Nhân Tông, tên húy Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Vì sinh ra có sắc vàng nên được vua cha đặt biệt hiệu là Phật Kim.
Năm 16 tuổi, ông được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Ngài được vua cha hết lòng dạy dỗ, soạn Di hậu lục để chuẩn bị cho việc nối nghiệp sau này.
Trần Nhân Tông tính tình hiền từ, thông minh, học Phật từ nhỏ. Khi được vua cha chọn làm người kế vị, Ngài từ chối đến 3 lần không được. Tuy sống trong cung vàng điện ngọc nhưng thái tử vẫn muốn xuất gia.
Sử sách từng ghi chép một đêm nọ Ngài vượt thành đi nhưng đến chùa Tháp núi Đông Cứu thì trời sáng. Vì quá mệt nên phải nghỉ lại, vua cha sai quần thần đi tìm khắp bốn phương nên Ngài bất đắc dĩ quay về.
Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo, trị vì thiên hạ Đại Việt. Ngài là vị vua lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Năm 1282, vua Trần chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đến năm 1285, với tinh thần bảo vệ dân tộc, tổ quốc của toàn dân, Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất.
Sau đó, quân Nguyên Mông vẫn chưa nguôi ý đồ bành trướng phương Nam, tiến chiếm Chiêm Thành, làm bàn đạp với ý đồ thôn tính Đại Việt. Năm 1288, vua Trần Nhân Tông một lần nữa lãnh đạo toàn dân, toàn quân chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ hai.
Năm 41 tuổi, nhà vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Một năm sau đó, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi, buộc đất nước Triệu Voi tiếp tục thần phục Đại Việt.
Năm 1301 sau chuyến thăm hữu nghị Chiêm Thành, Thái Thượng Hoàng hứa đính hôn Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Đến năm 1306, Ngài tổ chức hôn lễ cho công chúa và vua Chiêm. Chế Mân đã dâng hai quận Châu Ô, Châu Rí cho Đại Việt làm quà sính lễ. Đây chính là điều kiện giúp cho Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam là Thuận Hóa (Huế).
Trở thành ông tổ thiền phái Trúc Lâm
Sau khi chinh phạt Ai Lao, Trần Nhân Tông trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1299, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.
Năm 1301, Ngài xuống núi, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở Hội đại thí vô lượng cho nhân dân.
Ba năm sau, Trần Nhân Tông chống gậy trúc dạo đi khắp Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan. Ngài đến Bố Chánh – Quảng Bình lập am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, được Vua Trần Anh Tông thỉnh vào nội cung để truyền giới Bồ tát cho Bá quan văn võ, quần thần.
Trước khi Trần Nhân Tông xuất gia, đất nước có nhiều dòng phái Phật giáo nhưng không thống nhất. Vì thế Ngài đã cho phát hành hàng loạt sách vở như Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức, có nội dung thống nhất về thể thức hoạt động trong tôn giáo.
Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sư tổ Trúc Lâm. Pháp Loa là vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, Ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Dương, Vĩnh Nghiêm Lạng Giang, chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội…
Sau khi truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, Trần Nhân Tông tập trung biên soạn Kinh sách và Ngữ lục. Qua đó nhà tu hành xuất thân đế vương để lại nhiều tài liệu quý như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch Thất mỵ ngữ, Trung hưng thực lục, Truyền đăng lục….
Theo sử cũ, sư tổ thiền phái Trúc lâm viên tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308), thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành quốc tang trong hai tuần. Sau đó, vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ.
Sau khi thu nhặt xá lợi Ngài được chia làm hai phần: Một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng – Thái Bình; một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên – Yên Tử, Quảng Ninh, lấy hiệu Huệ Quang Kim Tháp, dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.