Thái Bình dễ mất mùa sau đợt mưa lũ lớn

(PLO) - Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Nhắc tới Thái Bình người ta nghĩ ngay tới quê hương của chị Hai năm tấn, với lúa là nguồn kinh tế chính. Thế nhưng, mưa lũ lớn trong nhiều ngày để lại nhiều thiệt hại cho người dân. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trận lốc xoáy quét qua ngày 10/10 đã làm tốc mái 9 nhà dân, làm bị thương 4 người, trong đó có 1 người bị thương nặng.Theo số ước tính có khoảng 30.000 ha lúa mùa đang đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, trên 10.000ha rau, màu bị ngập tràn trong nước và có nguy cơ bị mất trắng. Tại huyện Kiến Xương có khoảng 2.000 ha lúa mùa đã chín bị ngã đổ, ngập nước và lên mầm; huyện Hưng Hà có hơn 800 ha lúa mùa bị đổ và khoảng 2.000 ha cây vụ đông bị ngập úng; huyện Vũ Thư cũng có khoảng hơn 2.000 ha lúa bị ngập úng. 

Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy thì tổng thiệt hại trong mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện ước tính lên tới hơn 130 tỷ đồng, chủ yếu về lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản và các công trình đê điều, thủy lợi. Nhiều nơi ở Thái Bình do mưa lớn kéo dài, diện tích lúa ngập lâu ngày trong nước nên bông đã mọc mầm. Những địa phương đang cố gắng tìm cách thoát nước ở trong nội đồng để cứu hoa màu. 

Cô Chính ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, “coi như năm nay chúng tôi mất mùa. Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến rau màu cũng như lúa bị hỏng hết. Ngày 15/10 vừa qua chúng tôi bắt đầu đi gặt lúa. Tuy nhiên, do bị ngâm nước nhiều ngày, phần lớn thóc đã bị nên mầm. Gặt về nhà được 2 hôm nhưng lại mưa gió mùa. Thóc đang có nước sẵn lại không phơi ra được thì sớm muộn gì cùng lên mầm hết thôi”.

Mặc dù ở các địa phương các máy bơm đang hoạt động hết công suất nhưng luôn gặp rất nhiều khó khăn do mực nước trên hệ thống sông đang ở mức cao. UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo đóng các cống tưới, mở các cống tiêu để phòng trường hợp mưa lớn còn tiếp diễn. Tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị đầy đủ giống cây vụ Đông ưa lạnh và hướng dẫn các địa phương chăm sóc cây màu sau ảnh hưởng của ngập úng, chuẩn bị giống, vật tư để mở rộng diện tích cây màu vụ đông để bù đắp lại diện tích cây màu đã chết và lúa bị giảm năng suất sau ngập úng.

Đồng thời với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” Thái Bình đã có những chính sách để huy động các lực lượng quân đội, học sinh THPT cùng tham gia thu hoạch lúa hoa màu để giúp người dân. 

Đọc thêm