Lượng tài nguyên lớn trong lòng hồ Núi Cốc
Do Hồ Núi Cốc có một trữ lượng cát sỏi vô cùng lớn nên 5 năm trước cư dân ở gần hồ đổ xô mua tàu hút cát để lén lút khai thác. Nhiều hộ dân thuộc các xã Tân Thái, Lục Ba, Bình Thuận... phất lên nhanh chóng nhờ việc khai thác cát sỏi trái phép. Lúc cao điểm, khu vực lòng Hồ Núi Cốc có tổng cộng trên 160 tàu hút cát các loại... Vào thời gian đó, để ngăn cản hoạt động khai thác cát sỏi trái phép làm ô nhiễm lòng Hồ, bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ cảnh quan khu du lịch nên tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm những tàu hút cát đang hoạt động trong lòng Hồ Núi Cốc.
Sau chỉ đạo của tỉnh, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép ở Hồ Núi Cốc đã tạm “lắng” xuống. Những tưởng mỏ cát vàng dưới đáy hồ đã được bảo vệ, tài nguyên thiên nhiên sẽ không bị thất thoát vào tay “cát tặc”. Vậy nhưng, không ai có thể ngờ vài năm sau, tỉnh Thái Nguyên lại giao thẳng mỏ cát sỏi Hồ Núi Cốc cho một doanh nghiệp tư nhân non trẻ, lạ hoắc mang tên Cty Cổ Phần Đầu tư BĐS và Khoáng sản Đại Việt – một doanh nghiệp mới thành lập năm 2010 có trụ sở đăng kí tại 01 phòng của khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì.
Đâu là sự thật?!
Lý do UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra để giao mỏ cát cho Cty Đại Việt là để đơn vị này thực hiện việc “nạo vét lòng Hồ núi cốc” nhằm khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nước của hồ chứa phục vụ sản xuất và du lịch. Cũng theo các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên thì kinh phí để thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ có thể lên tới hơn 100 tỉ đồng, đây là một số tiền rất lớn, ngân sách của tỉnh không kham nổi nên tỉnh sẽ cho phép doanh nghiệp vừa tiến hành nạo vét vừa khai thác tận thu khoáng sản dưới lòng hồ bán lấy tiền bù đắp vào chi phí.
Thoạt đầu, khi nghe thuyết minh về dự án do tỉnh Thái Nguyên lập, nhân dân trong tỉnh cũng thấy có vẻ hợp lý vì việc nạo vét lòng hồ, bảo vệ công trình thủy lợi là xuất phát từ nhu cầu thực tế mà tỉnh thì không có tiền để triển khai. Tuy nhiên, khi nhìn vào mức lợi nhuận phác họa sơ sơ mà doanh nghiệp có thể đạt được thì người ta không khỏi giật mình bởi theo dự toán mà tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thì tổng mức đầu tư cho Dự án nạo vét lòng hồ là hàng trăm tỉ đồng trong khi nguồn lợi thu được từ việc bán cát sỏi lên tới xấp xỉ 900 tỉ đồng. Như vậy sau khi thực hiện dự án Cty Đại Việt sẽ có lợi nhuận gần 800 tỉ đồng.
Có thể nói, nhận được dự án này Cty Đại Việt đã nhận được quá nhiều sự ưu ái của tỉnh Thái Nguyên trong khi đó, cũng theo dự toán thì số tiền Cty Đại Việt sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Thái Nguyên lại chưa đến 19 tỉ đồng?
Đến lúc này, người dân tỉnh Thái Nguyên mới đặt lại câu hỏi tại sao tỉnh Thái Nguyên lại không coi 11 triệu m3 cát sỏi dưới lòng hồ là mỏ tài nguyên trữ lượng lớn để xây dựng Dự án khai thác khoáng sản lòng hồ kết hợp mục tiêu nạo vét khơi thông luồng lạch và tổ chức đấu thầu rộng rãi?. Cần khẳng định chủ trương nạo vét lòng hồ Hồ Núi Cốc là đúng và hết sức cần thiết tuy nhiên cách thức triển khai ở đây có nhiều khuất tất.
Dư luận cho rằng, việc tỉnh Thái Nguyên giao thẳng Dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc cho cty Đại Việt về bản chất chính là giao quyền khai thác hợp pháp “mỏ” cát, sỏi với trữ lượng khổng lồ này cho một doanh nghiệp tư nhân còn cái lý do “nạo vét lòng Hồ Núi Cốc” chẳng qua chỉ là một khái niệm nhằm đánh tráo, che đậy bản chất của sự việc. Thậm chí còn có thông tin, lẫn trong lớp cát, sỏi bồi lắng dưới lòng Hồ Núi Cốc còn có một trữ lượng vàng đáng kể...
Tìm hiểu thêm về Dự án, phóng viên đã trao đổi ông Nguyễn Thanh Tuấn – PGĐ Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên và được biết Dự án này tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, vai trò của Sở TN&MT trong dự án chỉ là kiểm tra giám sát những tác động đến môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Việc doanh nghiệp khai thác được bao nhiêu cát, sỏi hay các loại khoáng sản khác Sở TN&MT không được quản lý và thuế tài nguyên doanh nghiệp sẽ phải nộp bao nhiêu Sở cũng không nắm rõ.
Thật kì lạ, tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia việc khai thác, sử dụng cần phải tuân theo quy định của Luật khoáng sản. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phải quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản sao cho có hiệu quả. Nhưng trong trường hợp này dưới danh nghĩa thực hiện dự án “nạo vét lòng hồ” tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho cty Đại Việt một giấy phép tiến hành khai thác khoáng sản mà không phải chấp hành những quy định của Luật, không phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.