Nhân vật chính trong vụ án này là ai, tình tiết sự vụ cụ thể ra sao, cho đến ngày nay vẫn còn là bí ẩn.
Hoàng hậu Thượng Dương là ai?
Chính sử không ghi chép về xuất thân của bà Hoàng hậu Thượng Dương, không rõ gia thế của bà thế nào, quê quán ra sao? Dã sử thì có những thuyết khác nhau, có người rằng bà hoàng này mang họ Dương (không rõ tên), có thuyết thì nói không thể khảo cứu được những thông tin về bà, ngay cả họ Dương cũng chưa chắc đã đúng vì khi còn sống bà ở trong cung Thượng Dương
Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức triều Nguyễn có thấy chép theo sách Đường thư cho biết rằng: Cung Thượng Dương xây cất giữa niên hiệu Thượng Nguyên đời Đường Túc Tông. Vua Đường Cao Tông ở cung ấy, để dự thính triều chính. Do đó, triều nhà Lý lấy chữ Thượng Dương đặt cho tên cung của bà Thái hậu ở.
Chính vì ở trong cung cấm có tên gọi như vậy nên người ta thường gọi bà là Hoàng hậu Thượng Dương, hoặc gọi tắt là Dương hoàng hậu.
Hoàng hậu Thượng Dương có con hay không?
Theo chính sử, vì không có con nối dõi trong khi tuổi đã cao nên Lý Thánh Tông đã đi cầu tự, sử chép: “Nhà vua 40 tuổi, chưa có con trai, thường đi các đền chùa để cầu tự; ngự giá đến đâu, người xem chật đường. Khi đến làng Thổ Lỗi, có người con gái hái dâu đứng tựa vào khóm cỏ lan, nhà vua lấy làm lạ, cho vời vào cung, lập làm Ỷ Lan phu nhân. Đến khi có mang, sinh hoàng tử Càn Đức, nhà vua mừng lắm.
Ngày hôm sau lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong Ỷ Lan phu nhân làm thần phi, lại gọi là nguyên phi, đổi làng Thổ Lỗi làm làng Siêu Loại, vì là sinh quán của nguyên phi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Như vậy, Lý Thánh Tông hiếm muộn chưa có con trai chứ không phải là không có người con nào như có sách sau này ghi chép nhầm. Theo dã sử và một số nguồn thư tịch dân gian, Hoàng hậu Thượng Dương sinh hạ được hai công chúa là Từ Thục, Từ Huy và một phi tần sinh ra công chúa Thiên Thành; còn những người khác đều không sinh được con nào (mãi sau này vua đi cầu tự nhiều nơi, rồi gặp Ỷ Lan lấy về làm vợ mới sinh được hai người con trai, con cả là Lý Càn Đức được nối ngôi, tức Lý Nhân Tông).
Về hai người con của Hoàng hậu Thượng Dương, do chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi chớm tuổi trưởng thành, hai công chúa Từ Thục, Từ Huy xin được xuất gia tu hành, Lý Thánh Tông đã cho xây dựng tại làng Đông Phù (nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngôi chùa Hưng Long tự (còn gọi là chùa Nhót) cho hai con gái.
Sống ở nơi thôn dã, thấy dân chúng còn nghèo khổ, hai bà xin vua và được ban hơn 3000 nghìn mẫu ruộng đem chia hết cho dân 9 làng thuộc đất Nam Phù (phía Nam huyện Thanh Trì ngày nay) rồi cho dựng điền trang, dạy dân khai khẩn ruộng đồng, đem giống mới về trồng cấy, dạy dân một số nghề thủ công.
Nhớ ơn hai bà, nhân dân các làng Đông Phù, Tự Khoát, Ninh Xá, Tự Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên … dựng thêm chùa, xây đền đều tạc tượng, lập bài vị thờ phụng. Đời sau sắc phong, suy tôn hai công chúa là Nhị vị vương bà, Đại Thánh bao phong đại Bồ Tát hồng liên tọa hạ, Thượng đẳng phúc thần, Lý Liễu đoan trang công chúa.
Số phận bất hạnh
Có lẽ Hoàng hậu Thượng Dương là người phụ nữ không có kinh nghiệm chính trị nên vào năm Kỷ Dậu (1069), khi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, vua đã giao cho Nguyên phi Ỷ Lan thay mình giữ quyền nội trị chứ không phải giao quyền nhiếp chính cho bà Thượng Dương.
Tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử Lý Càn Đức (con của Nguyên phi Ỷ Lan) lên nối ngôi (tức Lý Nhân Tông). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ 1.
Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”.
Tuy nhiên Thượng Dương ở ngôi vị Hoàng Thái hậu chưa được bao lâu thì vào tháng giêng năm Qúy Sửu (1073) xảy ra vụ thảm án, sử chép: “Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng:
"Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?" Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông”.
Bà hoàng mang nỗi hàm oan |
Qua đoạn ghi chép trên có thể thấy vụ việc xảy ra từ sự “ghen” của Linh Nhân hoàng thái hậu (mẹ Lý Nhân Tông, tức Nguyên phi Ỷ Lan). Các nghiên cứu lịch sử cho rằng đây là sự tranh chấp quyền lực giữa bà Thượng Dương với sự ủng hộ của Thái sư Lý Đạo Thành với một bên là bà Linh Nhân, được sự hậu thuẫn của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Sau đó phe của Linh Nhân chiếm ưu thế, Thượng Dương bị bức tử, Thái sư Lý Đạo Thành bị đẩy khỏi kinh đô Thăng Long đi nhận chức ở châu Nghệ An, lúc đó là vùng biên cương phía Nam. Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn viết có liên quan đến vụ việc này như sau: “Vua lúc ấy còn nhỏ, chỉ biết chiều lòng mẹ đích mà không biết là lỗi lớn. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng phải là do can ngăn việc ấy!”.
Sử thần thời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên chê trách việc làm của mẹ con vua Lý Nhân Tông, nhưng sau đó lại có dòng biện hộ cho bà Linh Nhân, bình rằng: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì là ghen thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Một sử thần khác là Lê Tung trong sách Việt giám thông khảo tổng luận viết như sau: “Nhân Tông quá nghe lời mẹ đẻ mà đem mẹ đích giết đi”.
Nỗi oan gần ngàn năm
Trong một số bản thần tích, ngọc phả về Ỷ Lan, tức bà hoàng Linh Nhân và truyền tụng dân gian ở quê hương của bà như thần tích xã Dương Xá, dã sử ở làng Sủi hay truyền thuyết ở đất Thổ Lỗi bên bờ sông Đuống (nay thuộc địa phận huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh; huyện Gia Lâm, TP Hà Nội…) thì bà Thượng Dương rất ghen ghét với Ỷ Lan, do Ỷ Lan được vua sủng ái.
Đến khi Ỷ Lan mang thai, Thượng Dương cũng độn bụng vờ mang thai; lúc Ỷ Lan hạ sinh hoàng tử, Thượng Dương tức tối bàn với các cung nữ thân cận tìm cách đánh tráo hoàng tử về làm con mình và thay vào đó là một con mèo sau đó vu oan Ỷ Lan sinh quái thai. Triều đình nghị tội, Ỷ Lan bị giam vào lãnh cung, chịu cảnh đầy đọa nhiều năm cho đến khi được giải oan…
Câu chuyện trên mang màu sắc của vụ án “ly miêu tráo chúa” trong dã sử triều Tống ở Trung Quốc, có lẽ được dựng lên để biện minh cho hành động của bà hoàng Linh Nhân. Xét theo chính sử sẽ thấy, khi Lý Nhân Tông lên ngôi kế vị, mẹ vua là bà Linh Nhân vẫn ở trong cung, đâu có bị đọa đầy hành hạ nhiều năm; chưa kể đến việc chính sử ghi rõ là bà cùng với bà Thượng Dương đều “buông rèm cùng nghe chính sự” – tức là đều cùng làm Nhiếp chính cho vua chứ không phải một mình bà Thượng Dương nắm quyền.
Mặt khác, khi ấy Lý Nhân Tông còn nhỏ, chưa thể quyết đoán được mọi việc mà phải dựa cả vào các đại thần trong triều và hai bà Thái hậu; việc Linh Nhân muốn gạt Thượng Dương ra khỏi ngôi vị hoàn toàn có thể thực hiện được. Vụ án bức tử Thượng Dương và các cung nữ có lẽ do chủ ý của Linh Nhân nhưng dưới danh nghĩa chiếu lệnh của Lý Nhân Tông.
Mặc dù có nhiều công tích, được sử sách ngợi ca nhưng bà hoàng Linh Nhân (thường biết đến với danh hiệu Thái hậu Ỷ Lan) vẫn để lại một vết đen trong cuộc đời do liên quan trực tiếp đến vụ án của bà hoàng Thượng Dương. Về sau bà đã hối hận, tích cực làm nhiều việc nhằm sám hối lỗi lầm như cầu siêu, xây dựng nhiều chùa tháp.
Và những công tích khác của bà đối với dân, với nước dường như đã khiến cho cách đánh giá của nhà chép sử phong kiến dường như nhẹ bớt. Tuy nhiên không phải ai cũng có cách đánh giá cố ý giảm nhẹ tội lỗi ấy, trong sách Đại Việt thông sử, nhà sử học Lê Qúy Đôn chê trách: “Đến như Ỷ Lan Nguyên phi được vua con phong là Thần, đã phạm tội ác giết hại vợ đích [của chồng]”.
Vì vụ án này mà vua Lý Nhân Tông cũng bị than phiền, sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng:
Năm mươi năm lẻ lâu bền,
Vũ công, văn đức rạng truyền sử xanh.
Thượng Dương, sao lỡ bạc tình?
Để bà Dương hậu một mình ngậm oan.
Như vậy có thể thấy, trong vụ án năm Qúy Sửu (1073), bà hoàng Thượng Dương hoàn toàn vô tội, nhưng đến nay kể đã gần 1000 năm, nỗi oan của bà có mấy người được rõ…/.