Tham gia TTDS trong TGPL không thể thiếu kỹ năng tư vấn

 Là người bảo vệ hoặc người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự (TTDS), các Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), Luật sư (LS) cộng tác viên cần trang bị những kiến thức cơ bản về thủ tục tố tụng và những kỹ năng cần thiết để có thể hoàn thành vai trò trợ giúp cho đương sự là người được trợ giúp pháp lý (TGPL).

Là người bảo vệ hoặc người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự (TTDS), các Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), Luật sư (LS) cộng tác viên cần trang bị những kiến thức cơ bản về thủ tục tố tụng và những kỹ năng cần thiết để có thể hoàn thành vai trò trợ giúp cho đương sự là người được trợ giúp pháp lý (TGPL).

Khi người được TGPL có yêu cầu tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, TGVPL cần phải xác định yêu cầu của người được TGPL để tư vấn cho họ có nên khởi kiện hay không, nếu khởi kiện thì thủ tục như thế nào. Như vậy, trong giai đoạn tiền tố tụng và chuẩn bị tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL phải gặp gỡ, trao đổi với người được TGPL về nội dung vụ tranh chấp.

Điều này đòi hỏi TGVPL phải như một nhà tâm lý, biết trò chuyện với người được TGPL không chỉ bằng kiến thức pháp luật mà còn bằng khả năng nắm bắt và giải quyết một cách phù hợp tâm lý và mong muốn của người được TGPL. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người được TGPL (là nguyên đơn) chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu khởi kiện.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Vì vậy, người thực hiện TGPL cần hướng dẫn các đương sự nắm bắt được chứng cứ nào là quan trọng đối với việc xem xét và giải quyết vụ án, từ đó giúp đương sự tập hợp các chứng cứ và quyết định thời điểm thích hợp cung cấp các chứng cứ cho Tòa án. Ngoài ra, phải hướng dẫn đương sự giao nộp chứng cứ cho Tòa án hoặc làm thủ tục yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là một công việc hết sức cần thiết để TGVPL, LS cộng tác viên nắm bắt được bản chất của vụ việc tranh chấp, hình thành các phương án, luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Bản luận cứ bảo vệ là văn bản có ý nghĩa tố tụng rất lớn. Nó vừa phản án quan điểm của người thực hiện TGPL, tâm tư nguyện vọng của người được TGPL, vừa là cơ hội để TGVPL, LS phân tích, nhận định và giải thích pháp luật.

Trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự, người thực hiện TGPL tham gia hòa giải cùng với đương sự, tư vấn cho người được TGPL nhằm lựa chọn phương án hòa giải tối ưu. Các nội dung trong quá trình hòa giải phải được ghi chép đầy đủ để sử dụng trong giai đoạn xét xử nếu hòa giải không thành.

Tham gia phiên tòa sơ thẩm, trong giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự, TGVPL, LS đều phải nắm vững các quy định liên quan của BLTTDS để tư vấn đúng cho đương sự. Trường hợp bản án sơ thẩm được xét xử khách quan thì người thực hiện TGPL tư vấn, hướng dẫn cho người được TGPL về quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án…

Bà Nguyễn Minh Hằng (Học viện Tư pháp) lưu ý, cần phân biệt rõ đặc trưng của thủ tục giải quyết việc và thủ tục giải quyết án dân sự. Đối với giải quyết việc dân sự thì kỹ năng tham gia đơn giản hơn nhiều, chỉ bao gồm việc giúp người được TGPL chuẩn bị hồ sơ yêu cầu và tham gia trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu; tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự; giúp người được TGPL kháng cáo và tham gia thủ tục phúc thẩm việc dân sự.

Công Thành

Đọc thêm