Sách “Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký”, trong “Văn bia đề tên tấn sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bửu thứ 3 (1442)”, tên tuổi Lương Như Hộc nằm thứ ba trong hàng Đệ nhất giáp, ứng với vị trí Thám hoa, ghi rõ: “Lương Như Hộc, người xã Hồng Lục, huyện Trường Tân”.
Thám hoa đầu tiên nhà Lê sơ
Ấy là nói về lúc họ Lương được “võng giá nghênh ngang” thời trị vì của vua Lê Thái Tông. Và theo ghi chép trong sách “Tam khôi bị lục”, thì họ Lương chính là “Khai quốc Thám hoa” thời Lê sơ. Trước đó, năm Lương Như Hộc 18 tuổi, đỗ hương cống thi Hương.
Đường làm quan của Thám hoa Lương Như Hộc, trải qua thời các vua Thái Tông, Nhân Tông, Nghi Dân rồi Thánh Tông. Ghi về các danh nhân đất Hải Dương, sách “Hải Dương phong vật khúc” có đôi câu về quan họ Lương:
Họ Lương đủng đỉnh đai cân,
Hai phen sứ dịch phụng lân ra tài.
Sau khi nên danh đường khoa cử, Lương Như Hộc bước chân vào chốn miếu đường, làm quan nhà Lê. Nhiều việc làm của ông, được sử ghi lại, trong đó, có dăm ba dấu ấn đáng chú ý.
Với khả năng chữ nghĩa đã được khẳng định qua mấy lần “lều chõng”, quan họ Lương hai lần được tín nhiệm tham gia đoàn sứ bộ Đại Việt đi sứ phương Bắc. Ấy là vào ngày 16/11 năm Quý Hợi (1443), đoàn sứ bộ của Hà Phủ, Nguyễn Như Đổ và Lương Như Hộc sang minh đáp từ đã sang tế vua Thái Tông mất trước đó. Lúc này, họ Lương là Ngự tiền học sinh cục trưởng.
Cuối năm Kỷ Mão (1459) thời Lê Nghi Dân, một lần nữa ông có mặt trong sứ bộ sang Minh, được Toàn thư chép: “Ngày 20, lại sai bọn Trần Phong, Lương Như Hộc, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong”.
Thời vua Nhân Tông, năm Kỷ Tỵ (1449), bấy giờ Lương Như Hộc đang làm An phủ sứ lộ Quốc Oai, trong đợt xếp đặt quan chức tháng 11 năm này, ông cùng với An phủ sứ lộ Quy Hóa Nguyễn Như Đổ được bổ làm Hàn lâm trực học sĩ. Mẹ con vua Lê Nhân Tông bị hại, nối qua thời Nghi Dân, ông được sung vào sứ bộ sang Minh. Công nghiệp của quan họ Lương được nói tới nhiều, ấy là ở thời vua Lê Thánh Tông.
Mộc bản xưa |
Thời vua Thánh Tông trị vì, Lương Như Hộc làm Lễ bộ Tả thị lang, rồi Trung thư sảnh Bí thư giám học sĩ, tham gia sửa sách lề lối làm việc trong việc triều chính. Tỉ như năm Bính Tuất (1466), sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
“Bọn Trung thư lệnh bí thư giám học sinh Lương Như Hộc vâng mệnh nghị thảo rằng: “Những bản viết của các nha môn, nếu gặp khi chánh quan khuyết hoặc đi việc quan vắng, thì quan tá nhị thay giữ ấn tín của nha môn ấy ký tên ở dưới chỗ đề năm, tháng”. Việc
Sách “Tam khôi bị lục” ghi đoạn cuối đường hoạn lộ của ông là “Niên hiệu Quang Thuận, thăng Tả Thị Lang bộ Lễ, rồi Trung thư lệnh kiêm Bí thư Giám học sĩ, về hưu. Thọ 82 tuổi”. Bên cạnh đời làm quan của họ Lương, dấu ấn lớn nhất, hẳn là công lao với nghề in nước Việt.
Dày công học nghề khắc in gỗ
Cái chí muốn tìm hiểu nghề in của Lương Như Hộc, nguồn cơn được sách “Giai thoại làng Nho” kể, ấy là có lần ở đất Thăng Long, nhân việc tìm mua bộ sách cho bạn, mà sách hồi ấy toàn của Trung Hoa đem sang, giá bán rất đắt, học trò ai có tiền mua, sau lại cho bạn mượn chép, bởi dân ta chưa in được sách. Tìm qua các hiệu của người Hoa thì hết sách; đến hiệu có sách, thì giá cao ngất ngưởng.
Chủ bán cho hay: “Lúc này thuyền bên Tàu sang chậm nên khan sách”. Sách đắt, Lương Như Hộc không chịu mua, lấy làm không vừa lòng. Từ dạo ấy, họ Lương đã nuôi cái mộng phải học được nghề in để người nước ngoài không chi phối việc bán sách nữa.
Rồi ước mong ấy cũng đến. Nhân tham gia đoàn sứ bộ Đại Việt sang nhà Minh, họ Lương rắp tâm phải thực hiện cho được. Dạo ấy, Trung Hoa vẫn còn lối in khắc bản gỗ. Mà người Hoa, hễ có nghề gì hay lạ, thì thường giữ riêng trong gia đình cha truyền con nối chứ hiếm khi lộ ra ngoài.
Nghề in xưa của Trung Hoa |
Lại nữa, sứ bộ nước nào đến, cũng được một cơ quan giám sát cẩn mật là Lý phiên viện, nơi ở là công quán thì tách biệt với dân chúng, không dễ gì mà “tung tăng” ra ngoài phố thị. Vậy thì học làm sao?
Biết thật khó để qua được tai mắt của lính canh Trung Hoa giám sát sứ bộ, họ Lương dần dà mua chuộc được chúng, rồi thường ra ngoài thành du ngoạn, tiện bước vào Khâm Thiên giám cùng các ngôi chùa có thợ khắc làm việc, xem cách thức khắc bản ra sao.
Rồi ông làm quen với bọn thợ giỏi, dò la học hỏi dần dần rồi nắm được những điểm cần thiết của việc in ấn ấy. Trong “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” cho rằng, có thể ông đã học được nghề in trong lần đi sứ năm Quý Hợi (1443), nhưng nhiều chỗ còn thô vụng, nên lần đi sứ thứ hai năm Kỷ Mão (1459), Lương Như Hộc đã dụng tâm tìm hiểu kỹ càng hơn.
Sách “Việt Nam danh nhân từ điển” thì cho hay về việc học nghề của quan họ Lương. Ấy là “giả làm thương khách, ông đến Bắc Kinh mở hiệu buôn bán ngay cạnh một nhà in rồi khoét vách để xem xét công việc của nhà in. Khi đã biết rõ tất cả bí quyết của nghề in, ông bỏ hiệu buôn, lén trở về nước”.
Truyền nghề mở mang sinh kế cho dân
Sách “Đại Nam dư địa chí ước biên”, có câu: “Liễu Chàng, Hồng Lục, quan Thám hoa thành thầy dạy khắc ván in”, chính là nói về Lương Như Hộc. Sau khi học được nghề khắc mộc bản ấy, về nước, Lương Như Hộc liền truyền nghề cho người làng mình.
Theo “Giai thoại làng Nho” thì “sau người làng Liễu Chàng gần bên cũng sang học. Hai làng này mở đầu nghề in của nước ta”. Thế nên, trong “Hải Dương phong vật khúc”, khi viết về hai làng này, có câu:
Phường Hồng Lục, Liễu Tràng khắc chữ,
Bản bộ kinh, bộ sử rành rành.
Để nghề in được bén rễ và có cơ phát triển, ông nhiều phen chung sống với thợ, ngày ngày ngồi chỉ bảo cho họ từng li từng tí, nào là loại gỗ gì thịt mềm mỏng, dễ khắc, không bị cong vênh, mối mọt. Nào là dùng thứ dầu gì thoa giấy để lộ nét rõ ràng mà khắc. Nào dao này bào gỗ, dao kia gọt nét… Nhờ đó, nghề khắc bản in mộc bản dần dà trở nên đắc dụng ở quê ông.
Mộc bản xưa |
Cũng bởi được truyền nghề quý, kiếm sống được và truyền đời này qua đời khác, mà như “Hải Dương địa dư” cho hay, “đến nay, dân hai xã đó còn thờ ông làm Tiên sư”, tức là dân Liễu Chàng, Hồng Lục. Nhờ được truyền nghề ấy, dân Liễu Chàng, Hồng Lục nhiều thợ sành nghề lắm.
Trong sách “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” còn cho biết “vào khoản 1942, 1943 và 1944 ở Hà Nội, các sách xuất bản có in kèm chữ Hán muốn cho nét chữ được sắc sảo, hầu hết các nhà xuất bản đều nhờ thợ khắc ở hai làng kể trên, thường gọi tắt là thợ khắc ở Hải Dương”.
Ngoài nghiệp chính trị, theo ghi chép trong “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển”, danh thần họ Lương là tác giả của tập thơ chữ Nôm “Hồng châu ngôn ngữ thi tập” và bài thơ “Tiêu tương bát cảnh”. Riêng về nghề in, thật không quá khi nói rằng, Lương Như Hộc chính là ông tổ nghề khắc bản in của nước ta vậy…