“Có bán ở quê mình đâu mà lo?”
Mới đây, tại Phiên họp thứ 11, QH khóa XIII, lần đầu tiên các đại biểu đề nghị đưa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trở thành tiêu chí để phấn đấu thực hiện trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam.
Đại biểu QH còn lo lắng như vậy, nói gì đến sự hoang mang của người dân khi nhìn đâu, nghe đâu cũng thấy nói đến thực phẩm bẩn. Từ chuyện đồ ăn sẵn tẩm ướp chất phụ gia, phẩm màu độc hại đến chuyện rau củ phun thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; gia súc, gia cầm cho ăn chất tạo nạc, chất vàng ô, tiêm thuốc an thần và bơm căng nước trước khi giết mổ…
Vì lợi nhuận, người ta có thể làm tất cả, không cần biết người tiêu dùng bị ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm chỉ biết tin vào người bán.
“Bây giờ ra chợ, dù chọn được con cá, miếng thịt tươi ngon thật đấy, nhưng bằng mắt thường thì không thể phân biệt được nó có thực sự an toàn hay không, chỉ có thể tin vào người cung cấp mà thôi. Nói thật là cũng may rủi” - chị Bảo Hoa, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải nói.
Gần đây, một trang facebook cá nhân chia sẻ thông tin hàng chục thúng ruốc (moi) biển vừa đánh bắt lên bờ đã bị trộn ngay một thứ hóa chất lỏng có màu đỏ hồng. Trước thắc mắc của chủ nhân facebook, những người dân miền biển trả lời ráo hoảnh: “Thứ này là mang ra thành phố bán chứ có bán ở quê mình đâu mà lo”.
Thế đấy, dù biết là độc hại, là không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng vì người nhà mình và dân làng mình không ăn nên họ đã vô tư tẩm độc những sản vật từ biển vốn được nhiều người ưa dùng.
Chồng chéo của pháp luật
Phân tích nguyên nhân tại sao hành lang pháp luật điều chỉnh về ATTP hiện nay khá đầy đủ, nhưng vi phạm vẫn ngày càng gia tăng, các ý kiến đã chỉ ra rằng, đó là việc tổ chức thực thi pháp luật còn nhiều yếu kém; bên cạnh đó là sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau của chính các cơ quan thực thi pháp luật.
Chẳng hạn, để sản xuất hộp sữa tươi có tới 3 Bộ quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế). Chính vì có quá nhiều bộ quản lý nên chẳng may ngộ độc sản phẩm sữa có xảy ra thì không bộ nào có hồ sơ gốc quản lý sản phẩm.
Hay như Thông tư số 28 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các loại hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có chất Sabutamol thì Bộ Y tế lại cho nhập khẩu chất này để chữa bệnh cho người, do vậy, việc quản lý và truy xuất nguồn gốc gặp không ít khó khăn.
Đồng quan điểm cho rằng quy định chồng chéo của pháp luật là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng bị ăn độc, ăn bẩn hàng ngày, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đưa ra dẫn chứng: mỗi sản phẩm thực phẩm bán ra thị trường bình quân có đến 4-5 loại phụ gia, thậm chí có sản phẩm đến hơn chục phụ gia.
Nhưng pháp luật chưa có quy định một sản phẩm có thể bỏ được bao nhiêu loại phụ gia và tổng hàm lượng các loại phụ gia cho phép là bao nhiêu, do đó nhà sản xuất thường “gia cố” thêm các loại phụ gia cùng nhóm mà cơ quan chức năng chẳng thể xử phạt.
Một khó khăn nữa trong công tác tuyên chiến với thực phẩm bẩn là kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm kém chất lượng, họ cũng không biết phải làm gì và “kêu” ai để được bảo vệ quyền lợi. Đó là chưa kể đến trường hợp, sau khi tìm đúng địa chỉ của cơ quan chức năng, họ lại bỏ cuộc giữa chừng do thủ tục quá phức tạp và nhiêu khê.
Nông dân Việt Nam phải là người sản xuất thực phẩm an toàn
Nhằm chấn chỉnh tình trạng mất vệ sinh ATTP, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020.
Chương trình nhằm vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành vững chắc nếp sống văn hóa: nông dân Việt Nam phải là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín của quốc gia.
Mục tiêu của chương trình là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...