Vị thần đại diện cho sức mạnh quân đội của người Ai Cập
Sobek (còn được gọi là Sebek, Sochet, Sobk, và Sobki) là một vị thần mình người đầu cá sấu trong tôn giáo Ai Cập cổ đại. Ông còn có tên gọi khác như “Răng nhọn”. Cái tên Sobek trong tiếng Hy Lạp là “Suchos” và tiếng Latin là “Suchus” nghĩa là “cá sấu”.
Vì vậy, hình tượng đại diện cho ngài cũng là loài cá sấu sông Nile hoặc cá sấu Tây Phi. Sobek là con trai của nữ thần Neith và là anh em với ác thần Apep, tất cả được sinh ra từ vùng nước nguyên sơ ở thời kỳ hỗn mang. Một số tài liệu ghi ông là con trai của ác thần Seth.
Thần Sobek được mô tả có đầu cá sấu gắn với cơ thể của một người đàn ông. Theo truyền thuyết, ông còn liên kết sức mạnh với các vị thần Atum, Ra và Horus. Chính vì sự hung hãn, tàn bạo của loài cá sấu mà Sobek được xem là vị thần bảo trợ cho quân đội và các Pharaoh. Không giống như người anh em của mình, tuy mang dáng vẻ của một con vật hung dữ nhưng thần Sobek vẫn có nhiều tính tốt. Sobek đã giúp Isis nuôi nấng Horus khi bà đi tìm xác của chồng là Osiris. Sobek còn cùng với Isis hồi sinh cho Osiris vốn bị giết hại bởi người em Seth của ông.
Theo lệnh của thần Ra, ông đã cứu sống 4 người con trai của thần Horus khỏi vùng nước nguyên sơ của thần Nun. Từ đó, Sobek trở thành vị thần bảo trợ của họ. Ông là chúa tể của đầm lầy và sinh vật đáng sợ nhất của sông Nile, ngọn nguồn của mọi sự phì nhiêu trong nông nghiệp, ông cũng được xem là vị thần sinh sản. Sobek có khả năng hóa giải kiếp nạn và bảo vệ cư dân Ai Cập khỏi những điều nguy hiểm từ dòng sông thiêng liêng này.
Họa hình thần cá sấu Sobek |
Điều này dường như trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài đầu cá sấu thân người dữ dằn của ông. Không những vậy, Sobek còn là vị thần bảo hộ cho quyền lực, sức mạnh quân sự, lòng dũng cảm. Quân đội Ai Cập luôn tin rằng sức mạnh của họ được thần Sobek ban tặng. Bên cạnh đó, các phu nhân của ngài còn là nữ thần thu hoạch Renenutet hoặc nữ thần sinh nở Meskhenet, cũng là những vị thần sung túc.
Theo thần thoại Ai Cập cổ đại, tất cả các vị thần nam hay nữ đều không thích ăn thịt. Nếu có ăn thì cũng rất chừng mực, không tẩm muối và luôn được nướng chín, với nhiều thứ hạt, phụ liệu kèm theo. Một số thần rất khó chịu với một số loại thịt. Như thần Ra chẳng hạn ông không bao giờ ăn thịt rùa, vì thần Ra tin rằng rùa là quyền năng của cái xấu, và do đó rùa là kẻ thù của mình. Và nhiều vị thần cho rằng ăn thịt là độc ác và tàn bạo. Ngoại trừ thần Sobek, ông là mang hình hài một con cá sấu và cá sấu thì rất thích thịt đặc biệt là thịt sống.
Tương truyền, khi thần Seth vứt các mảnh xác của thần Osiris khắp nơi, trên cạn và dưới nước. Sobek, vốn là vị thần của đầm lầy, đương nhiên đã bắt gặp một mảnh, ông đã vô tình ăn đi phần xác cuối cùng của Osiris. Nhưng các vị thần không thích việc làm của Sobek như vậy, họ đã trừng phạt bằng cách làm cho cái lưỡi của thần Sobek nhỏ đi. Đó là lý do tại sao cá sấu ngày nay có cái lưỡi vô cùng nhỏ, gần như là vô dụng.
Tục lệ ướp xác cá sấu
Cá sấu được coi là con vật quan trọng trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại. Chúng tượng trưng cho thần Sobek, vị thần đầu cá sấu cai quản sông Nile – huyết mạch của đất nước Ai Cập. Trong đền thờ thần Sobek, cá sấu được nuôi trong hồ nước, đeo đồ trang sức và được thờ cúng. Khi cá sấu chết, chúng được tẩm hương liệu, được thực hiện các nghi lễ đưa tang và ướp xác trong quan tài đá.
Đền thờ của vị thần này được xây dựng khắp Ai Cập và được người dân ướp xác cá sấu để thể hiện sự tôn kính, sùng bái thần Sobek. Theo các nhà khoa học, Ai Cập có 2 loại cá sấu phổ biến là: cá sấu sông Nile và cá sấu Tây Phi. Trong đó, cá sấu sông Nile có cơ thể dài hơn 6m, nặng hơn 450 kg và có thể ăn thịt một con trâu. Cá sấu Tây Phi có kích thước nhỏ hơn, có chiều dài cơ thể khoảng 3m và ít hung dữ hơn loại trước.
Để có cá sấu dùng để ướp xác dâng lên thần Sobek, người Ai Cập thời cổ đại thực hiện việc săn bắt vô cùng cẩn thận. Nghiên cứu xác ướp cá sấu cho thấy người Ai Cập đã giết con vật hung dữ này bằng cách đập vỡ hộp sọ chúng rồi nhanh chóng đem đi xử lý để ướp xác. Sau khi hoàn thành quá trình ướp xác, xác ướp cá sấu trở thành vật tế cho thần Sobek. Việc ướp xác cá sấu cũng rất phổ biến.
Theo học giả Michal Molcho, hàng nghìn xác ướp cá sấu, một số được trang trí rất cầu kỳ và đặc biệt, đã được tìm thấy trong một nghĩa địa cá sấu ở thị trấn Tebtunis, Ai Cập vào năm 1899 và 1900. Các nhà Ai Cập học đưa giả thuyết cá sấu được ướp cùng nhau theo truyền thống tôn giáo của người Ai Cập cổ đại liên quan đến sự cải lão hoàn đồng và cuộc sống sau khi chết. Một cách giải thích khả thi khác là khi người Ai Cập cổ đại dâng tế phẩm lên thần Sobek, họ không tìm thấy con cá sấu khổng lồ nào.
Do đó, họ quyết định tạo ra hình dạng mong muốn bằng cách sử dụng hai con cá sấu trưởng thành cùng những con cá sấu con, những mẩu gỗ, cây cỏ, dây thừng và cuộn vải lanh. Toàn bộ khu vực thành phố cổ Faiyum (tây nam Cairo) đều tôn thờ thần Sobek. Có một ngôi đền vào Triều đại thứ 12 ở Medinet Madi dành cho Sobek và Renenutet - vợ Sobek, nữ thần mùa màng và kho lúa.
Đền được xây dựng bởi Amenemhet III và Amenemhet IV. Những con cá sấu được nuôi trong một hồ thiêng, được cho ăn thịt sống và bánh ngọt và được đeo trang sức quý giá. Đền cổ Kom Ombo - Ngôi đền duy nhất thờ hai vị thần quan trọng của người Ai Cập là thần cá sấu Sobek và thần chim ưng Horus. Thần Sobek vị thần cai quản sông nước, tượng trưng cho sự phồn thịnh ở cửa Nam và thần chim ưng Horus ở cửa Bắc. Ngôi đền được xây dựng trong thời kỳ Ptolemaic.
Tại đây, Sobek được thờ với Hathor (vốn là vợ của Horus) và con trai Khonsu (vốn là con của Amun và Mut). Sobek còn có vợ là nữ thần Meskhenet và là cha của Khnum. Việc thờ cúng Sobek, thần sông Nile, quân đội, cá sấu và sinh sản, rất phổ biến từ thời Vương quốc cổ. Ông là vị thần bảo trợ của thành phố Crocodilopolis hay còn gọi là Shedet. Sobek thường được miêu tả là một vị thần hung dữ và thô bạo, giống như những con cá sấu sông Nile lớn nhất thời cổ đại.