Thận trọng khi cho con xem chương trình thiếu nhi trên mạng

(PLO) - Nhiều phụ huynh vẫn thường cho con mình xem các chương trình hoạt hình trên mạng di động mà không để ý rằng, trong các kênh này có chứa những thông tin không phù hợp, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Một cảnh trong clip kênh Elsa Spiderman.

Từ lỗi ngôn ngữ…

Một kênh thiếu nhi khá phổ biến và nhiều phụ huynh Việt cho các em xem, đó là KN Channel. Kênh này chuyên lấy nhân vật chính là các nhân vật búp bê được trẻ yêu thích trong thế giới đồ chơi như búp bê Barbie, búp bê Chibi… Và thông qua các búp bê xinh xắn quen thuộc để xây dựng nên những câu chuyện nhỏ dành cho trẻ: Búp bê nấu nướng, búp bê tổ chức tiệc sinh nhật, búp bê đi học, búp bê đi bơi… Lồng ghép trong những câu chuyện này vẫn có các thông điệp khá tốt, như hướng dẫn bé tự lập, khuyên nhủ bé biết lễ phép…

Tuy nhiên, trong các clip này vẫn tồn tại nhiều điều không phù hợp với các bé. Đối tượng xem KN channel là các bé từ 2- 6 tuổi, trong đó đa phần là các bé 2-4 tuổi. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung của các clip lại thiên về dành cho… người lớn, mặc dù là nhân vật búp bê đáng yêu. Ví dụ như, có một clip, búp bê Barbie tổ chức tiệc tùng ở bãi biển, đúng nghĩa là một bữa tiệc của người lớn với áo tắm, nhạc tưng bừng. Hoặc búp bê Barbie và búp bê Ken yêu nhau, đám cưới và sinh con, dùng những ngôn ngữ hết sức… 16+ để dành cho nhau. 

Bên cạnh đó, ngôn ngữ trong nhiều clip của kênh cũng không mang tính giáo dục trẻ. Chị Nguyễn Thị Thu, ở Sóng Thần, Bình Dương chia sẻ, chị thường cho bé Bảo Anh (4 tuổi) xem kênh này. Tự dưng một thời gian thấy con hay dùng những từ rất lạ như: “Thôi chết tui rồi, tui đi chết đây”; “Anh yêu em quá, em có yêu anh không”; “Tui lạy bạn luôn á”; “Đồ quái vật”… Chị giật mình, kiểm tra lại tất cả những môi trường con tiếp xúc, kể cả trên trường học. Sau đó, chị phát hiện ra con bị ảnh hưởng từ các clip búp bê nói trên.

Tương tự, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, ban đầu họ tin tưởng cho con tự bấm, tìm xem các clip trên các kênh thiếu nhi trên mạng vì thấy chương trình đẹp mắt, sinh động và an toàn cho trẻ, nhưng sau đó thấy con có những biểu hiện hành xử, ngôn ngữ có phần kì quặc mới để ý và phát hiện nhiều clip chương trình “dành cho thiếu nhi” nhưng phát ngôn rất tự do, bừa bãi, thiếu tính giáo dục với trẻ nhỏ.

Những cách nói chuyện như “bạn mặc đồ xấu quá, tránh xa tui ra đi” và “nhà mình giàu mà, mình phải đi xe hơi chứ”, nghe có vẻ vui vui, vô thưởng vô phạt nhưng đã vô tình gieo vào đầu trẻ những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn.

Ảnh cắt từ clip

… đến lệch lạc, độc hại

Thời điểm gần đây, các bậc phụ huynh đang phản ứng đối với kênh “giả danh” thiếu nhi Elsa Spideman với nhân vật chính trong các clip là Công chúa Elsa (nhân vật chính phim hoạt hình “Nữ hoàng băng giá”) và “Người nhện” do người đóng. Trong các tập của series clip thiếu nhi nước ngoài này, hình ảnh hai nhân vật hoạt hình Elsa và người nhện bị biến tấu một cách lố lăng, khó hiểu. Các nhân vật trong clip cưới nhau, hôn hít, mang thai, thậm chí không thiếu những cảnh quay… trên giường, Công chúa Elsa và người nhện ôm ấp nhau! 

Bên cạnh đó, các clip trong kênh này cũng rất nhiều cảnh thiếu vải, với các cảnh quay người nhện… rình các cô gái chân dài mặc bikini, Công chúa Elsa ăn mặc hở hang bên hồ bơi, hay cảnh một đám các nhân vật hoạt hình nam đang “quấy rối” một nhân vật hoạt hình nữ. Hở hang, vô nghĩa, thiếu tính giáo dục và thậm chí phi giáo dục là nhận xét của nhiều phụ huynh về kênh này.

Bên dưới clip, rất nhiều phụ huynh nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về kênh Elsa Spideman, có phụ huynh phản ứng gay gắt cho rằng kênh này đang đầu độc con họ. Tuy nhiên, vì đây là một kênh youtube khá ăn khách với lượt xem lớn, nên không ít nhóm làm clip các nước cũng “ăn theo” tạ ra những phiên bản Công chúa Esla và Người nhện Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam… cũng không kém phần lố lăng, nhảm nhí.

Ngoài ra, còn một số kênh khác trên youtube cũng chuyên lấy nhân vật thiếu nhi để làm clip, ví dụ như mèo Tom. Chú mèo Tom đáng yêu trong phim hoạt hình và trò chơi thiếu nhi đã bị lồng ghép âm thanh và chế clip để biến thành một chú mèo Tom nham nhở, chuyên hát những bài nhạc chế, thậm chí có những hành vi phản cảm…

Điều nguy hiểm là nhiều bậc phụ huynh cứ hễ thấy clip dán mác “Kênh thiếu nhi” và có nhân vật hoạt hình là chủ quan cho con xem mà không biết những nguy hại ẩn chứa bên trong. Viêc thiếu sát sao, kiểm soát nội dung từng clip cho con rất có thể sẽ dẫn đến những nhận thức lệch lạc từ các clip độc hại tiêm nhiễm làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ, dẫn đến hành xử, ngôn ngữ phát triển lệch chuẩn mà để uốn nắn lại không dễ dàng gì.

Loạt video xoay quanh Elsa và Spiderman do chính người Việt sản xuất trên Youtube đang bị lên án mạnh mẽ bởi nội dung thô tục, phản cảm, không phù hợp với trẻ em. Không riêng gì ở Việt Nam, những nội dung tương tự từng xuất hiện ở nước ngoài và bị các nhà hành luật ngăn chặn, xử phạt mạnh.
Tháng 7/2016, Snapchat bị kiện vì hiển thị nội dung khiêu dâm nhưng không dán nhãn cảnh báo. Người đâm đơn kiện là mẹ của cậu bé 14 tuổi ở California, Mỹ. Đại diện của Snapchat khi đó lên tiếng xin lỗi về vụ việc và cho rằng đó là sơ suất trong khâu biên tập nội dung. Dù vậy, startup công nghệ được định giá tỷ USD này vẫn không tránh khỏi hầu toà…
Liên quan đến vụ việc, chiều 18/1, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động cung cấp thông tin điện tử trên mạng.
Cụ thể, cơ quan chức năng đã xử phạt 30 triệu đồng đối với đối tượng Trà Ngọc Hải (sinh năm 1990, trú tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh), chủ sở hữu kênh Youtube: “Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life” khi đối tượng này chủ động cung cấp thông tin miêu tả hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các video clip phát tại kênh Youtube nói trên.

Đọc thêm