Thân xác ra đi, sự sống để lại

(PLO) - Phong trào vận động hiến mô, tạng đã ra đời gần 20 năm, số người đăng ký hiến cũng không phải là ít. Tuy nhiên số tạng, mô được lấy từ những người đăng ký hiến vẫn rất nhỏ nhoi. Vì sao?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trao Kỷ niệm chương và thẻ bảo hiểm y tế cho những người có nghĩa cử hiến tặng mô
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trao Kỷ niệm chương và thẻ bảo hiểm y tế cho những người có nghĩa cử hiến tặng mô
Chi phí cao là một cản trở
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. 
Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 30/9, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: ghép thận 1.116 ca, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, ghép thận - tụy 1 ca…. 
Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Riêng chỉ tính tại một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... 
Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp. Khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạng của nước ta hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.
Với lịch sử hơn 20 năm phát triển, hoạt động ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, đạt trình độ tương đương với thế giới. Tuy nhiên, về chính sách, tổ chức, quản lý và truyền thông thì chưa theo kịp yêu cầu. Một khó khăn nữa là chi phí cho việc cấy ghép mô tạng và chăm sóc sau ghép là rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân nước ta. 
Để tăng số lượng người được điều trị bằng phương pháp ghép tạng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh việc phát triển công nghệ, kỹ thuật, giảm chi phí điều trị, cần phải có sự điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế, thúc đẩy các hoạt động trợ giúp nhân đạo thông qua các hội, đoàn thể của xã hội dân sự bằng việc đẩy mạnh truyền thông và xã hội hóa.
Trước ý nghĩa vô cùng cao đẹp của việc hiến mô, tạng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, bà đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013. “Đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất” – Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký hiến tạng từ năm 2013
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng ký hiến tạng từ năm 2013 
Làm thế nào để đăng ký hiến?
Cùng với sự hiểu biết chưa thấu đáo về ý nghĩa của việc hiến, ghép mô, tạng, rất nhiều người dân có nhu cầu hiến mô, tạng băn khoăn không biết điều kiện, thủ tục đăng ký hiến như thế nào, đăng ký hiến ở đâu? 
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, bất cứ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não); những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não (theo Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác). 
Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh. Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện của mình. 
Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não). 
Người hiến cũng có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người thân (sau khi chết) tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến như: BV Hữu nghị Việt Đức, BV Quân y 103, BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV 198 - Bộ Công an, BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Phú Thọ, BV Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 2…
Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc -BV Mắt Trung ương; Trung tâm mô, phôi - Đại học (ĐH) Y Hà Nội; Ngân hàng Mô - BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar. 
Trường hợp muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH Y để đăng ký như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Nguyên, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, Học viện Quân y (Bộ môn Giải phẫu), ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu), ĐH Y Tây Nguyên, ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu), ĐH Y Dược TP.HCM (Bộ môn Giải phẫu), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn Giải phẫu).

Đọc thêm