“Tháng 3 giỗ mẹ” - tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

(PLVN) - Từ sâu thẳm trong tâm thức văn hóa dân gian, hàng trăm năm nay, khắp trong Nam, ngoài Bắc, Nhân dân ta luôn có sự ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin ở Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ - người mẹ của muôn dân. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều nơi tâm linh đã tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trang trọng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (ảnh: Báo Công luận)

Biểu tượng cho văn hóa và tín ngưỡng dân tộc

Mẫu Liễu Hạnh đã được xem là một nhân vật vô cùng quan trọng trong tính ngưỡng Việt Nam, đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu, tam phủ, tứ phủ của Việt Nam. Bà còn là một trong bốn vị Thánh bất tử (gồm Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Tinh, Trần Hưng Đạo), thường xuyên giúp đỡ người dân và được nhiều triều đại phong kiến nước ta sắc phong nhiều chức sắc để cảm tạ công ơn.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở mọi nơi khắp miền Bắc - Trung - Nam nhưng các nơi chính vẫn là những nơi Mẫu giáng trần hoặc hiển linh lưu dấu thánh tích như: Phủ Nấp - Phủ Quảng Cung Đệ Nhất ở Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định (là nơi Mẫu giáng trần lần đầu tiên). Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dầy (nơi Mẫu giáng trần lần thứ hai), rồi Đền Đồi Ngang - Phố Cát, Đền Sòng thuộc Thanh Hóa (nơi Mẫu giáng hiện lần thứ ba). Ngoài ra còn có Phủ Tây Hồ, Đền Rồng, Đền Dâu, Quán Cháo… đều là những nơi Mẫu để lại thánh tích.

Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, trước là đất một làng cổ của kinh thành Thăng Long nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc.

Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ chia sẻ, Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một nhân vật phi thường (là Tiên, là Thánh, là Phật) nhưng lại gần gũi với đời thường như bao người phụ nữ Việt Nam. Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan.

Tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (ảnh: P.V)

Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ hai của Công chúa Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.

Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã 3 lần giáng sinh phàm trần, hiển linh cứu dân giúp nước. Mẫu Liễu Hạnh được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - mẹ của thiên hạ” và cuối cùng quy y của Phật.

Lễ giỗ “Mẫu nghi thiên hạ” khắp trong Nam, ngoài Bắc

Từ đó đến nay, dù cho vạn vật Việt Nam thay đổi theo thời gian và những biến cố thời cuộc, Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn đâu đó giữa trần gian này và không ngừng hóa phép giúp đỡ người dân. Đó cũng là lý do vì sao, dù huyền sử nhưng cho đến giờ bà vẫn là một trong những vị thánh linh thiêng, được nhiều người sùng bái, kính cầu mỗi dịp lễ giỗ khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các đền, phủ trên khắp cả nước đều tổ chức lễ hội. Nhân dân làm lễ để tỏ lòng biết ơn với Thánh Mẫu và cầu mong sự may mắn, bình an đến với gia đình mình.

Cứ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, Phủ Tây Hồ tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu. Theo ông Trương Tín Hồi, tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người về những mong muốn thường nhật như cầu sức khoẻ, bình an, cầu công danh, tài lộc. Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tưởng niệm ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh là dịp nhắc nhở các tầng lớp nhân dân coi trọng, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước để hôm nay có cuộc sống hòa bình, độc lập, ấm no và hạnh phúc. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.

Lễ hội Phủ Dầy tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh kéo dài nhiều ngày và có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì Lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”. Từ ngày 1/3 âm lịch hàng năm, Lễ hội diễn ra với bao gồm các nghi lễ chính như: tế khai hội, lễ rước nước “mộc dục” (tắm) tượng Thánh, lễ chính hội (3/3 âm lịch), Lễ rước đuốc tối mùng 5; rước Mẫu thỉnh kinh từ phủ chính Tiên Hương lên Chùa Gôi; “Hoa trượng hội” (còn gọi là hội kéo chữ) diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 - 9/3 âm lịch. Tiêu biểu cho hệ thống các nghi lễ trong Lễ hội Phủ Dầy là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu và các nhân vật tín ngưỡng: Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín... ca ngợi những người có công lao với nước, với dân; ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước…

Lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại đền thờ ngay dưới chân đèo Ngang xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc. Trong đó, phần lễ bao gồm các lễ cúng, tế, rước sắc phong, các hoạt động hầu văn; phần hội chủ yếu diễn ra ở đình làng Vịnh Sơn gồm các hoạt động, như: Nấu bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian.

Nghi thức rước kiệu của Đức Thánh Mẫu tại đền Sòng Sơn. (ảnh: Đại Dương)

Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) thường diễn ra từ ngày 24 - 26/2 âm lịch hàng năm. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ rước Thánh Mẫu, cúng tế thu hút hàng ngàn người tham gia. Phần hội cũng khá phong phú với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái địa phương như: biểu diễn văn nghệ hầu quan thánh, hầu văn do các bản hội trong vùng thể hiện. Sau phần lễ và hội ở đài lễ, nghi thức lễ rước bóng Thánh Mẫu được cử hành. Đoàn rước xuất phát từ lễ đài, dọc theo con đường Thiên Lý lên Nhà Bia Ba Dội. Kiệu vàng Thánh Mẫu là trung tâm của đoàn rước, đi sau hầu kiệu là hàng ngàn bà con Nhân dân trong và ngoài địa bàn cùng các bản hội và du khách thập phương. Khi trời chính Ngọ cũng là lúc đoàn lên đến đỉnh Đèo Ba Dội, đoàn quay về dâng hương tại Đền Chín Giếng và xa giá hồi cung làm lễ vị hoàn tại Đền Sòng Sơn.

Nghi lễ hầu đồng trong Lễ hội giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nghi lễ quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng vốn là một hình thức kết hợp hát chầu văn và diễn xướng dân gian để đưa cậu đồng/cô đồng vào trạng thái thoát tục và giao tiếp với thần thánh. Thần linh giáng thế vào họ và giao tiếp với những cung văn hầu để truyền đạt những ý niệm riêng hay là dịp để ban phước, ban lộc cho người dự lễ. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.