Mẹ là linh hồn của đất nước
Người lên ý tưởng phác thảo và đã dành gần 10 năm dồn hết tâm sức xây dựng, hoàn tất công trình là họa sĩ Đinh Gia Thắng. Họa sĩ cho biết, từ lâu đã nung nấu ý tưởng phải làm một cái gì đó để ngợi ca những Bà mẹ Việt Nam.
Đặc biệt, khi biết tượng đài sẽ được đặt tại núi Cấm, trong lòng người họa sĩ đã có nhiều năm gắn bó với đất Quảng trào dâng niềm cảm hứng và anh đã phác thảo ngay trong đầu hình tượng bán thân về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Bà mẹ VNAH) gắn với các vách núi đá và dòng nước chảy như suối nguồn vô tận.
Hình ảnh tượng đài Bà mẹ VNAH mang hình dáng của người mẹ đang giang tay ôm các con vào lòng đã làm nhiều người xúc động.
Nhìn hình tượng này người ta nghĩ đến ngay hình ảnh “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận. Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng và sẽ hóa thân vào đất, vào hồn thiêng sông núi Việt Nam. Mẹ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – như họa sĩ Đinh Gia Thắng từng chia sẻ.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó, năm 2004, để ghi danh công lao to lớn của các Bà mẹ VNAH, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã đề xuất ý tưởng vận động xây dựng tượng đài Bà mẹ VNAH lấy nguyên mẫu bà Nguyễn Thị Thứ. Cũng từ năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu tổ chức vận động quyên góp ủng hộ xây dựng tượng đài.
Về phần họa sĩ Đinh Gia Thắng khi biết UBND tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác, kêu gọi đóng góp xây dựng tượng đài Bà mẹ VNAH, mong muốn làm một cái gì đó để ngợi ca những bà mẹ Việt Nam cho đất nước nói chung và đất Quảng nói riêng càng thôi thúc ông mãnh liệt hơn.
Theo đề xuất của các bên, tượng đài Bà mẹ VNAH lấy nguyên mẫu từ Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, người có 9 con trai, 1 con rể, 1 cháu ngoại là liệt sĩ. Ngày khánh thành tượng đài Bà mẹ VNAH cao 18,37m, chiều rộng 84,7m với chất liệu bằng đá hoa cương.
Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Ở chính giữa là chân dung bán thân người mẹ. Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Bà mẹ VNAH. Đây là nơi ghi danh gần 50.000 Bà mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các mẹ đối với đất nước.
Tri ân sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, các Bà mẹ VNAH, tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đưa công trình “Tượng đài Bà mẹ VNAH” vào danh sách các công trình văn hoá cấp quốc gia.
Mẹ Thứ và những câu chuyện kể
Có một điều không nhiều người biết rằng họa sĩ Đinh Gia Thắng không phải là người nghệ sĩ duy nhất không thể kìm nén được xúc cảm trào dâng của mình về các Bà mẹ VNAH trên đất Quảng.
Những ai đã từng đến với Bảo tàng Bà mẹ VNAH ở Tam Kỳ, Quảng Nam hẳn không bao giờ quên một bức ảnh đầy ám ảnh. Mẹ Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam ngồi một mình lặng lẽ bên bát hương thờ 9 người con trai. Nhưng trong nỗi đau tưởng nhưng vô bờ bến ấy, khuôn mặt kiên định của Mẹ vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng.
Chia sẻ về cảm xúc khi chụp bức ảnh này, Đại tá – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cho biết, trong đời cầm máy chụp, ông đã chụp rất nhiều bức ảnh về Bà mẹ VNAH nhưng ấn tượng nhất là Bà mẹ Thứ. Đó là người mẹ phải hứng chịu nỗi đau không từ nào có thể diễn tả. Nhà mẹ Thứ có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 con trai, 1 con rể và 1 người cháu ngoại.
Năm 2001, ông chụp bức đầu tiên, cảnh Mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước.
|
Bức ảnh Mẹ Thứ của tác giả Trần Hồng. |
"Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy Mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế", ông Trần Hồng kể. Cùng chung câu chuyện về Mẹ Thứ, nhà nhiếp ảnh Trần Hồng chia sẻ, ông đã lần thứ 2 có được bức ảnh về bà khi Mẹ Thứ tròn 100 tuổi. Đó là bức ảnh "Giấc mơ của bà mẹ".
Ông kể đó là giây phút may mắn mà ông ghi lại khi đến thăm đúng lúc mẹ đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm bên di ảnh người con trai. "Mẹ vẫn sống để chờ đợi con, những cuộc trở về của những người con trong mơ. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình", ông bồi hồi xúc động. Khoảnh khắc quý giá ấy đã làm nên một tác phẩm để đời cho ông về chân dung mẹ.
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt là người đã có cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe máy để vẽ chân dung những Bà mẹ VNAH trên khắp cả nước. Kể về những ký ức cảm động về những ngày bà sống và vẽ trên đất Quảng, bà cho biết: “Ngạn ngữ có câu “Chiến tranh không mang gương mặt của người đàn ông với áo bào nhuộm màu thuốc súng.
Chiến tranh mang gương mặt của người đàn bà mòn mỏi vì chờ đợi”. Hơn một tháng sống trên đất Quảng Nam – mảnh đất có số Bà mẹ VNAH nhiều nhất cả nước với 7.475 mẹ, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên…” – nữ họa sĩ Đặng Ái Việt nói.
Hơn một tháng trời, 40 bức chân dung Bà mẹ VNAH đất Quảng đã được vẽ trong niềm xúc động trào dâng từng ngày, từng giờ ở từng vùng đất Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ… Hôm đó, ngày 28/4/2010, khi nữ họa sĩ gặp Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Mẹ đang ốm nặng và được người con trai là anh Lê Tự Thận đưa ra Đà Nẵng chăm sóc.
Có 11 người thân hy sinh, mấy lần nhận tin báo tử là mấy lần mẹ chết đi sống lại. Cứ thế, nấm mồ này cỏ chưa xanh đã lại phải đắp thêm một nấm mộ mới cho những người con ruột thịt. Tin dữ của người con út khi anh hy sinh ngay chân cầu Sài Gòn trong ngày giải phóng đã đánh gục Mẹ Thứ ốm liệt một thời gian dài.
“Gặp Mẹ, dù không dậy được nhưng thần thái Mẹ vẫn rất minh mẫn, Mẹ nghe hết câu chuyện và khẽ nắm tay tôi. Cái nắm tay đó, dáng hình, thần thái ấy của người Mẹ đã khiến cho tôi không nén được cảm xúc và quyết định vẽ Mẹ ngay trong tư thế đang nằm, vừa vẽ vừa khóc. Và để rồi, quyết định chớp nhoáng ấy đã biến bức tranh mẹ Thứ thành bức tranh độc đáo duy nhất và trở thành tư liệu vô cùng quý giá cuối cùng về Mẹ Thứ vì không lâu sau đó mẹ qua đời…” – nữ họa sĩ Đặng Ái Việt rưng rưng kể lại.
Đó là máu, mồ hôi và nước mắt một thời…
Đã đi gần hết những nẻo đường đất nước, mỗi miền đất, con người đều có sắc thái riêng, nhưng nét đọng lại trong lòng nữ họa sĩ Đặng Ái Việt về những Bà mẹ VNAH đất Quảng Nam đó là nét khắc khổ trên gương mặt các mẹ. Nét khắc khổ được hình thành từ những năm tháng ác liệt của chiến tranh khi nơi đây trong thời chiến trang là vành đai trắng với chính sách giết sạch, đốt sạch để diệt trừ Cộng sản. Không một mái nhà, không một làn khói, không một ngọn cây hay tiếng gà ban trưa, nhưng mảnh đất ấy vẫn sống, chiến đấu và hồi sinh mạnh mẽ.
Về đất Quảng Nam, nếu ai để ý một chút sẽ thấy dù chiến tranh đã đi qua 46 năm nhưng trên mỗi ngôi nhà ở các vùng thôn quê dù to, dù nhỏ, dù biệt thự hay mái tôn đều thấy tấm biển kẻ khẩu hiệu, mà trong đó câu khẩu hiệu quen thuộc nhất là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Có nhà làm tấm biển bằng đá granite đen, khắc chữ nhũ kim, có nhà chỉ giản dị dùng một tấm tôn vuông vức, kẻ lên đó câu khẩu hiệu bằng sơn đỏ đầy trân trọng. Hỏi chuyện, những người dân cho biết, không có ai bắt buộc hay nhắc nhở gì họ để mỗi khi xây nhà, dựng cổng thì phải làm khẩu hiệu. “Tất cả là tự nguyện, do tự đáy lòng chúng tôi mà ra cả” – một người dân ở huyện Đại Lộc đã trả lời như thế.
“Tất cả là tự nguyện, do tự đáy lòng chúng tôi mà ra cả” – câu mà người nông dân chân chất kia nói là thật lòng. Bởi với người dân nơi đây, khẩu hiệu không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu. Đó là máu, mồ hôi và nước mắt một thời để đổi lấy những điều thật sự quý giá: độc lập, tự do và hạnh phúc hiện diện trong mỗi ngôi nhà.