Mẹ - tiếng gọi thân thương từ trái tim người lính

(PLVN) - Mỗi người trong trái tim mình đều có hình bóng mẹ. Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cũng vậy. Trong ký ức, tình yêu mẹ dành cho ông luôn dào dạt. Năm nắng mười mưa nuôi con khôn lớn, khi ông đã trở thành sĩ quan quân đội, mẹ vẫn kéo ra chum nước để gội đầu như bé thơ. Nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 97, đôi tất chân bạc phếch của mẹ vẫn găm đầy hoa cỏ trà may của đất cằn, lam lũ...
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng mẹ.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng mẹ.

Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ

Chính hình ảnh người mẹ này đã khiến ông có những bức ảnh đầy thấu hiểu và rưng rưng cảm xúc về những người Mẹ Việt Nam trong chặng đường đời cầm máy ảnh của mình

Trầm ngâm nhớ lại cái ngày đối diện với mẹ Trần Thị Dậu sinh năm 1915 ở phường Phương Mai, Đống Đa, HN có chồng và người con trai duy nhất là liệt sĩ, nhìn vào mắt mẹ ông như thấy cả một bầu trời của nỗi đau. Ngón tay ông đã kịp bấm máy ghi lại chân dung mẹ trước khi cả ông và mẹ đều khóc. 

Đại tá Trần Hồng đã có bốn lần tìm đến nhà mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Cho dù mẹ sống trong ngôi nhà gỗ rất đẹp do quân đội tặngnhưng ngôi nhà đầy nét cô đơn, hiu quạnh đến chát lòng với mẹ và con mèo mun lúc nào cũng quấn bên chân như chia sẻ, cảm thông.

Bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.
Bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.

“Mẹ có 7 người con trai đều là liệt sĩ. Bảy lần mẹ tiễn những người con của mẹ ra chiến trường, thì cả 7 người con ấy không một người trở về với mẹ. Hai lần đầu tôi đến, nhìn thấy tôi mặc quân phục giống các con mình mẹ khóc, tôi khóc, không thể nào nâng máy ảnh lên được. Lần thứ ba, tôi không dám mặc quân phục nữa và dừng lại thật lâu trước ngõ ngó vào căn nhà của mẹ. Tôi nhẹ nhàng nâng máy ghi lại hình ảnh bữa cơm chiều của mẹ. Ngồi bên mâm cơm đôi mắt mẹ vẫn thẫn thờ, đợi mong, vô vọng. Bức ảnh ra đời trước khi tôi vào ôm chầm lấy mẹ và bật khóc” – Đại tá Trần Hồng hồi tưởng. 

Tháng 9/2020, khi cơn bão số 5 đang đổ về miền Trung với những đợt mưa to như trút nước, Đại tá Trần Hồng vẫn quyết định tìm đến nhà mẹ Phan Thị Chiu 98 tuổi có hai con là liệt sĩ. Mẹ ngồi như pho tượng trong nhà, nhưng khi ông sà vào lòng mẹ thì hai cánh tay gầy guộc của mẹ vòng ôm ông cùng giọt ấm của nước mắt mẹ rơi trên tóc. Theo lời ông kể, phải hồi lâu sau ông mới lần tìm máy ảnh, nâng lên hạ xuống mấy lần mới bấm được bức ảnh ghi lại hình dáng mẹ. 

Những ai đã từng đến với Bảo tàng Mẹ Việt nam anh hùng ở Tam Kỳ, Quảng Nam hẳn không bao giờ quên một bức ảnh đầy ám ảnh. Mẹ Nguyễn Thị Thứ, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam ngồi một mình lặng lẽ bên bát hương thờ chín người con trai. Nhưng trong nỗi đau tưởng nhưng vô bờ bến ấy, khuôn mặt kiên định của mẹ vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. Đã bao năm trôi qua, Đại tá Trần Hồng tác giả bức ảnh vẫn nhớ in lời mẹ: “Chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”…

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tại triển lãm Mẹ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tại triển lãm Mẹ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tự hào những người mẹ Việt Nam 

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, có rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng. Trong cuộc đời cầm máy của mình, Đại tá Trần Hồng đã có may mắn được gặp những người phụ nữ ấy và lưu lại hình ảnh của họ cho hậu thế. 

Ngày 31/12/1976, chuyến tàu đầu tiên Hà Nội – Sài Gòn khởi hành. Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã có mặt trên chuyến tàu ấy. Hình ảnh của bà đã được Đại tá Trần Hồng ghi lại. “Tôi chụp bức ảnh này mà tai mình vẫn nghe rất rõ âm điệu giọng Bến Tre của chị Ba đọc thơ của nhà văn, Đại tá Nam Hà: “Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý/ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!”.

Trong gia tài ảnh của mình, Đại tá Trần còn có bức ảnh chụp rất nhiều người phụ nữ Việt Nam ngày đêm âm thầm đóng góp sức mình vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là mẹ Đỗ Thị Thoa 98 tuổi (tại thời điểm chụp ảnh) chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi con còn chập chững tập đi. Mẹ đã tần tảo nuôi con khôn lớn, người con trai sinh năm 1949 là Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Đó là giây phút đời thường của hai vợ chồng nữ AHLLVT Nguyễn Thị Chiên (nữ anh hùng trẻ tuổi nhất với chiến công tay không bắt giặc) với niềm vui chăm sóc đang chó cảnh để tăng thêm thu nhập gia đình. 

Đó là bà Phan Hồng Mai vợ nhà văn Sơn Tùng không chỉ tận tụy chăm sóc chồng từng thìa cháo mà còn là thư ký giúp ông ghi chép lại những sáng tác để cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt tác phẩm Búp sen xanh đã tái bản 30 lần. Vượt qua những khó khăn, không ngừng lao động và sáng tạo với sự giúp sức của vợ, nhà văn Sơn Tùng đã được trao danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới vào tháng 7/2011. 

Đại tá Trần Hồng và bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ.
Đại tá Trần Hồng và bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ.

Đó là nụ cười tươi rói của AHLLVT Kan Lịch – người nữ anh hùng dân tộc Pa kô. Bà là một trong những người phụ nữ dân tộc Pa kô đầu tiên tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là người bắn rơi máy bay Mỹ trên chiến trường miền tây Thừa Thiên – Huế và 7 lần được gặp Bác Hồ. 

Đó là mái tóc phơ bạc nhưng không át nổi vẻ mặt kiên nghị của AHLĐ Phạm Thị Vách sinh năm 1940 ở xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên, là kiện tướng thủy lợi nổi danh trên công trường thủy điện Bắc Hưng Hải giai đoạn 1958-1962…

Còn nhớ, Đại tá Trần Hồng đã từng chụp mẹ Đinh Thị Vân ở số 8, Cửa Đông, Hà Nội nhưng khi ông đến nhà đưa tấm ảnh chụp mẹ thì mẹ đã qua đời trước đó một ngày.Mẹ sinh ra lặng lẽ, lặng lẽ cống hiến cho đời và lặng lẽ ra đi… Thế nên, trong một lần cùng bạn nghề, Đại tá Trần Hồng đã từng tâm sự, tất cả các bà Mẹ Việt Nam anh hùng đều đau nỗi đau xé lòng vì mất con, nhưng ở họ đều có chung một nét đẹp là kiệm lời khi nói về mình, về sự hy sinh của cá nhân mình, gia đình cho đất nước. 

… Đất quê Đức Thọ, Hà Tĩnh nghèo khó đã sinh ra Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. Tắm mình trong tình thương yêu của người mẹ nghèo tảo tần đãkhiến ông hay nghĩ về những người mẹ tận lòng với nước với dân, hiến dâng cả những người con thân yêu nhất cho Tổ quốc. Giúp ông có sức mạnh hối hả cả một đời ghi lại những tác phẩm về mẹ Việt Nam để chạy đua cùng thời gian phũ phàng…

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng sinh năm 1949 ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1968, ông nhập ngũ trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 bộ động Trường Sơn. Năm 1973 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nhiếp ảnh của trường Đại học Báo chí ông về công tác tại báo Quân đội nhân dân. Hơn 40 năm trong nghề ngoài đề tài người lính, ông dành tài năng, đam mê cho chủ đề người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Bởi với ông người mẹ nào dù trong chiến tranh hay thời bình đều đáng được tôn vinh.

Những tác phẩm nhiếp ảnh của Đại tá Trần Hồng đã khắc họa vẻ đẹp dung dị mà cao cả của những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Từng bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của mỗi con người, mỗi số phận bằng sự rung cảm và tình cảm chân thật từ trái tim tác giả. Vì thế các bức ảnh đều đời thường, mộc mạc và giản dị nhưng chính cuộc đời của các mẹ, của những người phụ nữ qua ống kính Trần Hồng.

Đọc thêm