Tháng 4 về thăm Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra vào ngày 22 – 23 tháng 4 Âm lịch, là lễ hội cấp quốc gia lớn nhất Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Về núi Sam dự lễ hội Bà Chúa Xứ

Những năm gần đây, cùng với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc sống của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể, cả về nhu cầu vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, đặc biệt là nguyện vọng hướng về cội nguồn của nhiều người đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, kích thích nền kinh tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng tăng. Qua đó, nó cũng góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Trên tinh thần đó, Đảng và nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các lễ hội, khôi phục lại những lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian có giá trị về văn hóa, có chức năng giáo dục để góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của đất nước, các giá trị văn hóa của địa phương. Đồng thời, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước, góp phần gắn bó, đoàn kết cộng đồng cho các thế hệ người Việt Nam. Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những lễ hội đó.

Miếu Bà Chúa Xứ luôn đông khách thập phương

Miếu Bà Chúa Xứ luôn đông khách thập phương

Nằm trên địa bàn TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất tại khu vực phía Nam.

Cụ thể, khu vực này cách trung tâm TP Châu Đốc chỉ vài km về hướng tây và trung tâm TP Long Xuyên khoảng 62 km về hướng tây bắc. Nằm cách mặt nước biển 284 m, núi Sam có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi, sườn núi cho tới tận trên đỉnh gồm: Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền…

Ngoài tên gọi là núi Sam, ngọn núi này được nhiều người biết tới với những tên khác như Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn, cao 284 m có chu vi 5.200 m, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam.

Theo Văn Chương Việt của nhà văn Trịnh Bửu Hoài thì núi Sam không nằm trong dãy Thất Sơn, gồm: Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn) và Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Đá ở núi Sam chủ yếu là đá hoa cương nên từ năm 1890, người Pháp đã cho khai thác để làm đường. Sau năm 1975, để bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch, chính quyền tỉnh đã cấm việc khai thác đá.

Núi Sam còn là một điểm cao chiến lược. Ở đỉnh có thể quan sát, kiểm soát cả một vùng biên giới rộng lớn từ TP Châu Đốc đến tận tuyến Tịnh Biên, từ cánh đồng Bảy Núi qua huyện Châu Phú. Do vậy, trước 1975, trên đỉnh núi có một đồn lính, tên gọi là Pháo đài. Sau này, người ta đã cho xây dựng ở gần đó, một trạm tiếp sóng các đài thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, bên chân núi còn có tuyến quốc lộ 91 chạy qua dài 8 km, thuận lợi cho việc giao thông và phát triển kinh tế vùng.

Đứng từ trên đỉnh núi Sam, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế trong tầm mắt. Núi Sam gây ấn tượng với tầm nhìn rộng đến các vùng đồng bằng trong khu vực và đặc biệt là biên giới, giúp du khách thỏa sức ngắm phong cảnh trùng điệp, non nước hữu tình ở An Giang và lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp.

Cần làm gì ở Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam?

Vào mùa lễ hội, có rất nhiều du khách khắp nơi trong cả nước đã tìm về Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để hành hương, tham quan, lễ bái, cúng viếng cầu bình an khiến nơi đây trở thành một điểm du lịch tâm linh vô cùng linh thiêng, nổi tiếng.

Tượng Bà ở chánh điện

Tượng Bà ở chánh điện

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra vào ngày 22 – 23 tháng 4 Âm lịch, là lễ hội cấp quốc gia lớn nhất Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, có rất đông du khách thập phương đến với Miếu Bà Chúa Xứ xin phúc cầu may tạo nên một không gian lễ hội sôi nổi và náo nhiệt.

Làm gì khi tới Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, là câu hỏi tưởng chừng như dễ nhưng không phải ai cũng biết để tự làm. Có câu “chỉ cần có lòng, một nén hương cũng đủ”. Nhưng nếu chuẩn bị đầy đủ lễ cúng, ắt hẳn điều mong cầu sẽ dễ được linh nghiệm.

Thế nên, ngoài hương, đăng (đèn cầy), hoa, quả, muối gạo, nước, người cúng cần sắm thêm lễ vật gồm mâm xôi gà, đĩa trầu cau nếu có điều kiện. Và đừng quên để bao lì xì có ít tiền (tùy tâm) trên mâm lễ. Đây có thể gọi là xin lộc hay tiền vay mượn lộc Bà để làm ăn. Sau khi cúng xong thì xin lại và cho vào ví, không nên dùng cho đến sang năm.

Nhiều người đi lễ nhưng không “bái”. Cho nên, khi đã cúng Bà xong rồi đừng quên lạy 3 lạy với hai tay úp lên trên mang ý nghĩa xin, cầu. Nếu có duyên, được vào trong cầu nguyện to nhỏ với Bà, đừng nên nắm tay Bà như một số người hay bảo. Vì thứ nhất, tay chúng ta không được sạch, thứ hai, Bà là người cứu dân độ thế, đi khắp mọi nơi, có ý kiến cho rằng, nếu nắm tay Bà, Bà sẽ dẫn đi nên chúng ta sẽ gặp nhiều vất vả. Thay vào đó, hãy chui vào áo Bà để được che chở.

Nâng tầm công nghiệp du lịch

Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách du lịch và hành hương tâm linh về đây mỗi năm, chính quyền tỉnh An Giang liên tục nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ cho du khách. Công tác trùng tu tôn tạo các di tích cũng được đặt lên hàng đầu, đồng thời với hệ thống cáp treo hiện đại. Bên cạnh đó, việc ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp tục thu hút du khách đến với khu di tích nổi tiếng này.

Hoạt động tâm linh tại đây mang tính mùa vụ cao, đông vào dịp lễ, vía, đầu năm nhưng thưa thớt vào những thời điểm khác. Do đó, vào những lúc cao điểm, nơi đây không tránh khỏi tình trạng bát nháo, mất an ninh trật tự, chèo kéo du khách, mất cắp...

Tuy đã tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi thiếu văn hóa, trái pháp luật nhưng sự chủ động phối hợp giữa Ban tổ chức lễ hội và các lực lượng chức năng trên địa bàn chưa thật tốt, chưa triệt để hoặc có khi lâm vào tình thế quá tải.

Du lịch kết hợp tâm linh tín ngưỡng là nhu cầu của một bộ phận người dân

Du lịch kết hợp tâm linh tín ngưỡng là nhu cầu của một bộ phận người dân

Bên cạnh đó, ngoài du lịch tâm linh, đặc sản vùng miền của tỉnh An Giang như khô, cá, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ còn ít. Giao thông đường bộ chưa thật thuận lợi cho xe lưu thông đến điểm du lịch. Nạn ùn tắc, kẹt xe, tai nạn giao thông… thường xuyên diễn ra trong những ngày chánh lễ. Cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí chưa đủ chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách...

Mặc dù vậy, trong bối cảnh bề bộn của hoạt động lễ hội cổ truyền trên cả nước hiện nay, qua thực tế hoạt động Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam, có thể ghi nhận rằng, nơi đây đã từng bước xác lập được một cơ chế, giải pháp quản lý tương đối có hệ thống và đạt hiệu quả khá tích cực.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và trước yêu cầu hội nhập thế giới ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, An Giang còn phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên phấn đấu theo kịp thời đại, bằng tất cả những nguồn nội lực vốn có của mình. An Giang cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp du lịch thông qua khai thác, phát huy mọi tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và nhân văn trên địa bàn, đặc biệt trong đó có núi Sam - một di tích danh thắng hàng đầu của TP Châu Đốc và của cả Nam Bộ...

Đọc thêm