Thăng hoa cảm xúc cùng nhóm nhạc của những thanh niên tật nguyền

(PLO) - Gồm 12 thanh thiếu niên là những người mang thân hình khiếm khuyết, AHF là nhóm nhạc duy nhất của người khuyết tật ở Bình Định chuyên sâu về nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Và nhiều thứ đặc biệt hơn thế, khi mà với nghị lực và tình yêu âm nhạc, họ - những mảnh đời kém may mắn biết vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Kết nối nhờ âm nhạc

Tôi, và có lẽ nhiều người khác nữa, biết đến nhóm nhạc AHF khi họ biểu diễn giao lưu với Khù Khờ tour của nữ ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý vào tháng 3/2016, khi đoàn ghé chân ở Bình Định. Nhóm nhạc hình thành và đóng “đại bản doanh” tại Chi hội người khuyết tật Nguyễn Nga (NNC), trên đường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.

Nhóm nhạc AHF cùng Lê Cát Trọng Lý trong buổi giao lưu vào tháng 3/2016
Nhóm nhạc AHF cùng Lê Cát Trọng Lý trong buổi giao lưu vào tháng 3/2016

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, người sáng lập NNC kể, AHF được hình thành cách đây 4 năm gồm các thành viên là những người khuyết tật, chuyên sâu nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Ngót nghét tháng ngày, nhìn bên ngoài, tiền sảnh NNC vắng lặng, nhưng đằng sau cánh cửa ấy, AHF lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sống, và hơn thế nữa, bằng tình yêu âm nhạc, họ đang nỗ lực mang đến cho cuộc sống đời thường những cảm xúc thăng hoa…

Ở trước phòng tập, một hình ảnh để lại trong tôi nhiều ấn tượng, có một cậu bé đang ngồi gõ dùi trên… chiếc rớ vải. Tôi chú ý, cứ hễ nhịp trống trong phòng học vang lên là chiếc dùi nhỏ trong tay em lại khẽ gõ. Minh, nhân viên trong NNC kéo vạt áo tôi, nói khẽ: “Em ấy tên Hội, mắt em ấy không thấy đường. Em đang “làm quen” với “trống” đấy. Dự định sẽ là thành viên tương lai của nhóm AHF”.

Cậu bé Hội say mê học đánh trống
Cậu bé Hội say mê học đánh trống

Lặng lẽ để không phá vỡ cái không gian âm nhạc ấy, tôi chọn cho mình một góc để chăm chú lắng nghe những giai điệu mà các anh chị em trong nhóm đang tập luyện. Họ, những người trong nhóm nhạc, người đôi chân teo tóp, người đôi mắt lòa, người bị cận bẩm sinh mười bốn, mười lăm độ… nhưng tất thảy điều đó không cản trở họ đến với đam mê âm nhạc.

Từ khắp các vùng quê trong tỉnh Bình Định, họ tụ hội về dưới chung một mái nhà. Mỗi người đều có một số phận đặc biệt. Như trường hợp em Đào Cao Mạnh, quê ở Vân Canh. Sau một trận bị thủy đậu lúc 6 tuổi, mắt em mất khả năng nhìn, việc học dang dở. Từ một đứa trẻ hồn nhiên, yêu đời, Mạnh bỗng chốc rơi vào bế tắc với bao nỗi mặc cảm.

Đã phải mất một thời gian dài để Mạnh chấp nhận với cuộc sống không nhìn thấy ánh sáng. Trước khi đến với AHF, em học chữ Brai (chữ nổi) và thêm nghề massage. Không chỉ giỏi chơi đàn nhị, Mạnh còn có thể chơi trống, organ, ghita. Sống với AHF, Mạnh tìm được niềm hạnh phúc. Đủ để từ bao giờ, em quên đi nỗi bất hạnh tật nguyền.  

Một trường hợp khác, em Tạ Ngọc Trúc, 21 tuổi, quê ở Nhơn Lộc, bị cận mười lăm độ, nếu tháo đôi kính cận ra thì những gì em nhìn thấy chỉ là khoảng không đục lờ nhờ. Ngoài chơi đàn nguyệt thành thạo, Trúc còn chơi trống cổ. Trúc hay giúp các anh chị bị khuyết tật chân di chuyển, cũng hay được giao phụ trách đi chợ, phụ bếp cho bữa cơm gia đình NNC.

Rồi các thành viên khác như Võ Minh Hậu, Huỳnh Quốc Hùng... đều bị khiếm thị hoặc bệnh lý về mắt. Chỉ có hai thành viên Nguyễn Thị Gái và Cao Thị Ngọc Phượng bị khuyết tật vận động, phải di chuyển nhờ vào xe lăn. Chị Gái và Phượng kết hợp với Lệ và Tuyền thành “tứ tấu đàn tranh”, đồng thời cũng là những ca sĩ có chất giọng thanh ngân, ngọt lịm.

Nhóm nhạc, người lớn nhất đã 40 tuổi (chị Gái, cũng là nhóm trưởng), nhỏ nhất mười ba tuổi (bé Mỹ Lệ), họ là những “hạt gạo trên sàng” qua quá trình chọn lọc bài bản từ các nhạc sĩ chuyên nghiệp trong hành trình dài suốt 4 năm qua. Bằng sợi dây liên kết là niềm yêu thích âm nhạc, họ xích lại gần nhau hơn, trở thành một ê kíp phối hợp nhịp nhàng trong từng bài biểu diễn.

Dưới mái nhà NNC, các thành viên xem nhau như người thân, san sẻ công việc, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt. Mỗi lần đến giờ tập nhạc, chị Phượng và chị Gái được những cậu em mạnh khoẻ giúp đỡ lên phòng tập. Chuyện sinh hoạt ăn uống của nhóm nhạc cũng hoàn toàn tự túc. Họ tự lập trình lịch trực, phân mỗi ngày từ 2 đến 3 người lo chuyện đi chợ, nấu ăn như người sáng mắt. 

AHF miệt mài khổ luyện
 AHF miệt mài khổ luyện

Nơi hội tụ những tấm lòng

Chị Nga tâm sự, sở dĩ nhóm nhạc có tên AHF bởi vì nó nằm trong chương trình đào tạo dài hạn mà công ty AHF (của Úc), là công ty đầu tiên tài trợ kinh phí hoạt động. Hai năm sau, ACI và VNAH (Tổ chức trợ giúp người khuyết tật của Mỹ) và ông Gene, một cá nhân người Mỹ tiếp tục tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho nhóm nhạc hoàn thành trọn vẹn khóa đào tạo.

Ngoài những mạnh thường quân ấy, còn rất nhiều những tấm lòng muốn vun vén cho AHF trưởng thành. Trong đó, chị Nga được xem là đầu tàu của mọi hành trình thắp sáng yêu thương khi là người sáng lập NNC, thành lập AHF, giúp đỡ những trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. “Tôi muốn giúp các em có một cái nghề đàng hoàng, tự tin sống bằng năng lực của mình, ngẩng cao đầu khi ra ngoài xã hội”, chị Nga tâm sự.

Thời gian đầu AHF hình thành, chị Nga nhờ các nhạc sĩ trong tỉnh dạy và thử giọng, kiểm tra khả năng cảm âm của các em. Các thầy các cô là những ca, nhạc sỹ giúp các em về chuyên môn, hoạt động. Một tấm gương người khuyết tật đã hỗ trợ phần mềm vi tính cho người khiếm thị, giúp tất cả thành viên NNC tiếp cận thông tin, kết nối cộng đồng, bổ trợ thêm việc học tập.

Trong căn phòng nhỏ, bản hòa tấu Vui mùa giăng lưới rộn rã vang lên. Có chỗ đệm nhạc bị vênh, tiếng đàn như đi lạc, thầy giáo lại ôn tồn giảng giải lại cho học viên. Thầy Đinh Văn Nhân vừa dạy nhạc cho AHF vừa chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với AHF bốn năm nay. Các em khiếm thị nên học nhạc rất khó khăn, mất sự nhìn tương ứng với mất 50% sự tiếp thu. Nhưng bù lại, các bạn nghe rất nhạy và rất chịu khó tập luyện”.

“Em phải mất cả tháng để làm bạn với cây đàn tranh… Khi hai đứa thân nhau rồi thì mới chơi nhạc được, ban đầu nó bướng lắm, không thèm nghe lời em”, cô bé Thanh Tuyền cười hiền. Câu nói dễ thương của Tuyền khiến cả phòng không nhịn được cười. Nói là vậy, nhưng việc học đàn đối với người khiếm thị rất gian nan, là hành trình của sự mò mẫm, ghi nhớ và… kiên trì.

Tất nhiên, trong quá trình dạy, các thầy và những thành viên có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn thêm cho em. Cứ như vậy, bằng sự tương tác giữa thầy và trò, giữa các thành viên với nhau và bằng sự nỗ lực của chính mình, từng người trong nhóm nhạc dần trưởng thành.

AHF biểu diễn trong chương trình Hành trình thắp sáng yêu thương lần 6 tại Đại học Quy Nhơn
AHF biểu diễn trong chương trình Hành trình thắp sáng yêu thương lần 6 tại Đại học Quy Nhơn

Chuyên sâu nhạc cổ truyền

Mục tiêu của nhóm nhạc AHF là tìm về các giai điệu cổ truyền của dân tộc. Họ đang nghiêm túc luyện tập để trở thành những nhạc công chơi nhạc cụ cổ truyền chuyên nghiệp. Trong quá trình hoạt động, AHF vừa đi giao lưu, biểu diễn theo yêu cầu ở nhiều nơi, vừa luyện tập nâng cao. Hàng trăm sô diễn đã giúp nhóm nhạc làm quen với không khí sân khấu, giúp họ tự tin biểu diễn trước khán giả.

Từ “sân khấu” giản dị ngay tại NNC, những hội trường của các cơ quan đoàn thể đến sân khấu có sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả, nhóm nhạc đều tự tin trình diễn thành công trước sự yêu mến, cảm phục của người xem. 

Một buổi chiều trở lại thăm NNC, tôi được nhóm nhạc dành tặng nguyên một lai-sô hoành tráng. Tôi còn may mắn được chị Phượng hát tặng lại bài Đêm trăng nhớ Bác, bài hát mang dáng dấp làn điệu bài chòi này đã giúp chị đạt được Huy chương vàng trong Cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật toàn tỉnh 5 năm trước. Căn phòng cứ thế ngân lên những ca từ trầm ấm trên nền nhạc cổ khiến khách không muốn rời chân.

Tháng 12 này sẽ kết thúc quá trình đào tạo 4 năm của nhóm nhạc cổ truyền. Tôi tin rằng, giữa dòng chảy âm nhạc hiện đại, AHF sẽ như một điểm nhấn đặc biệt “lội ngược dòng thời gian” mang lại những dư vị rất riêng trong lòng người yêu nhạc.

Đọc thêm