Biểu tượng văn hóa ẩm thực một thời của người Hà Nội
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là một trong những ông lớn của ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam. Tiền thân của Habeco ngày nay là Nhà máy Bia Hommel được thành lập từ năm 1890. Sau nhiều thăng trầm biến đổi cùng lịch sử đất nước, năm 1957, Nhà máy Bia Hommel được Chính phủ tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Bia Hà Nội.
Chỉ hơn một năm sau, ngày 15/8/1958, mẻ bia đầu tiên mang tên Trúc Bạch ra đời bằng những nỗ lực không ngừng của thế hệ cán bộ công nhân viên đời đầu và ngày này được xem là ngày truyền thống của Bia Hà Nội. Ông Võ Tiến Kỷ và ông Lê Văn Ba, những giám đốc thời kỳ đầu của Bia Hà Nội quyết định lấy tên Trúc Bạch với ý nghĩa chỉ địa danh hồ Trúc Bạch - một địa danh thơ mộng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến và gần trụ sở Nhà máy Bia Hà Nội.
Ngay từ những ngày mới xuất hiện, bia Trúc Bạch không sử dụng chiến lược giá rẻ mà gây ấn tượng khi "niêm yết" giá nhỉnh hơn so với bia hơi truyền thống. Mặc dù giá không rẻ nhưng do có hương vị độc đáo, quyến rũ và được hệ thống phân phối ưu ái, Trúc Bạch nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, trở thành thứ đồ uống “thời thượng”. Cùng với kem Tràng Tiền, bia Trúc Bạch thành một phần trong văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người Hà Nội trong suốt một thời kỳ dài.
Bia Trúc Bạch là niềm tự hào của người Hà Nội (Ảnh: VNE) |
Với thế hệ 7X đời cuối và 8X đời đầu của Hà Nội, bia Trúc Bạch len sâu tâm hồn họ một cách rất tự nhiên. Ngày đó, thế hệ này mới chỉ học cấp 1, cấp 2, độ tuổi hiếm khi được thưởng thức bia nhưng cho đến nay, khi được hỏi về loại bia này, rất nhiều người đều đưa ra đáp án chung: “Có phải loại bia tràn ngập Hà Nội những năm 1990 phải không?”.
Tuy nhiên, cũng trong những năm 1990, nền kinh tế nước nhà có nhiều biến chuyển, Bia Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh. Đứng trước muôn vàn thách thức đó, bia Trúc Bạch âm thầm rời khỏi thị trường.
Có nhiều nguyên nhân khiến bia Trúc Bạch bỗng dưng vắng bóng. Lý do lớn nhất là bia Trúc Bạch là dòng bia kém tính cạnh tranh hơn cả khi giá cao, vượt quá khả năng chi tiêu của người dân. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước có hạn không cho phép nhập các nguyên liệu sản xuất bia đắt đỏ như malt, hoa Houblon...
Đặc biệt, thập niên 1990 là giai đoạn ngành bia cạnh tranh vô cùng gay gắt, nhiều công ty bia trong nước lâm vào tình trạng khó khăn. Hơn nữa, vào thời điểm ấy, bia Vạn Lực giá rẻ của Trung Quốc theo chân các tiểu thương "tràn" sang nước ta, lập tức được phần đông người dân Việt đón nhận…
Chưa hết gian nan sau ngày hồi sinh
Sau khi bia Trúc Bạch mất tích, không chỉ tín đồ bia hơi cảm thấy vô cùng tiếc nuối, những người yêu thương hiệu Việt cũng cảm thấy nuối tiếc. Cho tới lúc tưởng chừng cái tên Trúc Bạch chỉ còn là quá khứ thì thương hiệu bia này bỗng trở lại đầy ấn tượng.
Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống - ngày chai bia Trúc Bạch đầu tiên ra đời, Ban lãnh đạo Habeco quyết định phục hồi sản phẩm vang danh một thời: “Bia Trúc Bạch”. Sau hàng chục năm “mất tích”, bia Trúc Bạch quay lại thị trường đúng vào thời điểm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời chào mừng dòng bia Hà Nội tròn 120 năm tuổi. Cơ sở để Habeco kỳ vọng vào sự trở lại của bia Trúc Bạch là do sản phẩm vẫn đang được nhiều người dân Hà Nội nhắc nhớ.
Theo lời giới thiệu của Habeco, bia Trúc Bạch là kiệt tác được sinh ra từ sự kết tinh của những điều tốt nhất, kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia 120 năm của Habeco và các nguyên liệu quý hiếm nhập khẩu trên thế giới. Các loại nguyên liệu đó là lúa mạch nhập khẩu từ Czech và Pháp; hoa bia Saaz, một trong bốn loại hoa bia thuộc dòng hoa quý tộc của thế giới, được trồng duy nhất tại thung lũng Zatec, Cộng hòa Czech… Bia Trúc Bạch rất êm dịu và đậm đà càng uống càng “vào”, mang đến cho người yêu bia một hương vị độc đáo không thể quên, có thể thỏa mãn được cả bốn giác quan - thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác.
Năm 2014, Bia Hà Nội tiếp tục thay áo cho dòng sản phẩm cao cấp này. So với nhãn hiệu bằng giấy cũ, nhãn mới của bia chai Trúc Bạch có màu ánh bạc nổi bật và logo quen thuộc của thương hiệu. Với thông điệp "Kiệt tác mới từ nhãn bạc ánh kim", sản phẩm không chỉ dành cho người sành bia mà còn hướng đến những ai muốn tìm một thức uống gắn liền với lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Gần đây nhất, ngày 9/8/2018, Bia Hà Nội một lần nữa thay áo cho thương hiệu bia Trúc Bạch. Sản phẩm được thiết kế dọc theo chiều cao khiến cho Trúc Bạch gần như khác biệt, nổi trội khi đứng cạnh các thương hiệu khác. Những lần thay áo đã tạo một điểm nhấn giúp Bia Trúc Bạch tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu bia đã có lịch sử hơn 100 năm này.
Hình ảnh mới của bia Trúc Bạch |
Song nếu chỉ có vậy, bia Trúc Bạch chưa chắc đã nhận được sự chú ý từ dư luận. Bên cạnh chất lượng hoàn hảo, một yếu tố quan trọng góp phần giúp bia Trúc Bạch thành công là chiến lược giá cao. Thay vì sử dụng chính sách giá thấp, Ban lãnh đạo Habeco quyết định giữ đẳng cấp cao mà bia Trúc Bạch đã làm được trong suốt thời kỳ đầu với mức giá cao hơn cả Heineken, một trong những loại bia cao cấp đang bán chạy trên thị trường. Không ít người cho rằng, Habeco liều lĩnh khi "đem trứng chọi đá".
Còn ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch Habeco đã giải thích cho chính sách giá cao mà Habeco áp dụng cho bia Trúc Bạch cũng như Habeco được định vị cao hơn Heineken: Người tiêu dùng uống bia Heineken là "uống thương hiệu", còn với bia Trúc Bạch, ngoài thị trường có giá cao hơn nhưng phù hợp khẩu vị của người Việt, đáp ứng nhu cầu của phân khúc cao cấp cả về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm.
Quả thật, sau nhiều lần thưởng thức sản phẩm, những ý kiến đả kích mức giá “không tưởng” dần biến mất và người tiêu dùng một lần nữa lại bị dòng bia đắt đỏ này chinh phục. Hy vọng không lâu nữa, bia Trúc Bạch sẽ làm được điều quan trọng hơn, đó là một lần nữa trở thành “hồn” của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Để làm được điều đó, Habeco phải nỗ lực nhiều hơn nữa khi những thống kê mới cho thấy thương hiệu ở vị trí số 3 này đang dần hụt hơi. Trong một vài năm trở lại đây, Habeco loay hoay tìm cách giữ vững thị phần trên sân nhà khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trước sự tấn công quyết liệt của Sabeco và Heineken.
Báo cáo của HĐQT Habeco tiết lộ số liệu tăng trưởng ấn tượng của hai đối thủ cùng ngành: hai sản phẩm Saigon Lager và Bia 333 của Sabeco đạt 32%, dòng bia Tiger của Heineken thậm chí đạt tới 71% trong bối cảnh thị trường chung trong khu vực sụt giảm 3% năm 2018. Như vậy, nói “giữ vững” có thể chỉ là cách nói giảm nói tránh, đúng hơn Habeco đang mất thị phần.
Có thể thấy cuộc chơi sẽ thuộc về tay các ông chủ xứng tầm. Nếu cứ theo đuổi cái "danh" vang bóng một thời mà không có nhiều cải tiến chất lượng, mẫu mã, len lỏi vào những phân khúc đặc biệt thì Trúc Bạch sẽ khó có chỗ đứng, nhất là ở phân khúc bia cao cấp.