Thăng trầm dấu tích Nam Ô

(PLO) - Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), không chỉ là ngôi làng cũ có mật độ dân cư rất cao, bao đời gắn liền với biển, mà còn lưu dấu cả hệ thống di tích lịch sử, văn hóa như dinh Âm hồn, lăng Cá Ông, miếu Bà Liễu Hạnh.. Và mặc nhiên, cái tên làng đã chứa đựng một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú không dễ gì đánh đổi...
Rú cấm Nam Ô và ngôi miếu thờ bên trong.
Rú cấm Nam Ô và ngôi miếu thờ bên trong.

Nhiều dấu tích lịch sử lưu dấu!

Muốn đến về Nam Ô, nhiều người chỉ cần hướng theo doi đất nhoài ra phía biển nơi chân núi Hải Vân. Ngôi làng này được hình thành song song với quá trình mở đất phương Nam của cha ông. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng Nam Ô vẫn giữ nét đặc trưng của làng chài điển hình miền Trung còn lại tại Đà Nẵng. Những lối đi ngoằn ngoèo, dân cứ đông đúc; hàng chục giếng Chăm hình vuông, nước quanh năm trong vắt và nhiều viên gạch Chăm vương vãi khắp nơi. Đặc biệt, so với giọng nói người Quảng Nam, Đà Nẵng, Nam Ô vẫn giữ âm sắc xứ biển không thể lẫn vào đâu được từ bao đời nay của họ. 

Đi một vòng quanh Nam Ô sẽ dễ dàng nhận thấy, nhiều di tích đang chìm dần vào hoang phế; ngôi đình, miếu thờ xưa nằm lẫn dưới những tán cổ thụ của rú cấm. Cụ Năm Thành, một cao niên Nam Ô nói rằng, rú cấm là khu núi thiêng không ai được xâm phạm của làng Nam Ô, nhờ vậy mà ở đây vẫn giữ được những cánh rừng cổ thụ tự nhiên, điều vô cùng hiếm với những cánh rừng gần khu dân cư sau nhiều năm dài thiếu chất đốt.

Theo tư liệu lịch sử cũng như lời cụ Thành, Nam Ô là điểm dừng chân cuối cùng bằng đường bộ từ Nam ra Bắc trước khi vượt chướng ngại vật Hải Vân. Vì thế, dân cư tập trung đông đúc và cho đến nay còn lưu dấu cả hệ thống di tích lịch sử, văn hóa như dinh Âm hồn, lăng Cá Ông, miếu Bà Liễu Hạnh…

Trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô và Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình Vua Tự Đức sau đó đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Vua Thành Thái  khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Về sau, âm linh được mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng, được gọi dinh Âm hồn.

Cụ Thành giới thiệu, ngay sân bóng đá gần Đồn biên phòng Nam Ô vẫn còn dấu vết của một ngôi tháp Chăm cổ với những viên gạch vồ khổ lớn, đặc trưng của các công trình kiến trúc Champa. Điều này được thể hiện trong hồ sơ của Bảo tàng điêu khắc Champa có nhiều bức tượng mà các nhà nghiên cứu Pháp đã đem từ Nam Ô về.

Trong khi đó, tư liệu lịch sử ghi lại, năm 1471, khi Lê Thánh Tông đi bình Chiêm ngang đây đã bắt được tướng Chiêm là Bồng Nga Sa, viên lại giữ cửa sông Cu Đê, bên làng Nam Ô. Đến năm 1793, khi John Barrow vẽ bức tranh Một buổi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân một làng bắc vịnh Touran, bắc vịnh Đà Nẵng chỉ có một làng Nam Ô. Do đó, nhiều người ngầm hiểu người Chăm đã ở lại đây, đã uống nước giếng vuông của họ đến tận khi Gia Long lên ngôi. Có nghĩa Nam Ô thật sự là một làng Chăm!

Trong ngôi miếu thờ cá ông, một phong tục của người Chăm xưa ở làng Nam Ô vẫn lưu giữ hàng chục bộ xương cá ông đựng trong những chiếc chum lớn. Cụ Thành khẳng định, Nam Ô chính là một trong những nơi còn lưu giữ xương cá ông nhiều nhất.

... và những câu chuyện huyền tích!

Về Nam Ô, không chỉ riêng những bậc cao niên như cụ Thành, người dân từ già, trẻ đều nằm lòng và truyền tai nhau nhiều câu chuyện nhuốm màu huyễn hoặc. Như tích bà Chúa Liễu Hạnh, tương truyền là công chúa con trời, ba lần từ bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên đình, xin vua cha xuống trần gian sống cuộc đời của một người phụ nữ bình dị với khát vọng tự do, hạnh phúc. Bà đã nhập thế đi chu du khắp nơi, kịp thời cứu giúp nhân dân gặp phải tai ương, khổ nạn. Người đương thời tôn sùng như một Phật Bà sống giữa trần gian. Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tín ngưỡng đặc biệt của tục thờ “tứ bất tử” (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh của dân tộc.

Đặc biệt, ngôi mộ ngoài mé biển (nay ở gần đồn biên phòng Nam Ô) nói về vị tướng dưới quyền Trần Khắc Chung vào Nam cứu công chúa Huyền Trân năm 1307. 

Ông Thành kể, từ khi còn nhỏ, ông đã được người thân truyền lại, rằng Công chúa Huyền Trân được gả cho Chế Mân, Đại Việt được thêm châu Ô và châu Lý. Nhưng ngay năm sau, Chế Mân chết. Theo tục của người Chăm, chồng chết, vợ phải chết theo trên giàn hỏa. Vua Trần Anh Tông nghe vậy khóc thương con, Trần Khắc Chung mới xin đi cứu. Trần Khắc Chung nói với người Chiêm cho công chúa ra bờ biển để chiêu hồn chồng về rồi cùng lên giàn hỏa. 

Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân chạy ra đến Nam Ô, lúc này tháng 10, gió bấc thổi nên thuyền không thể ra khơi được, công chúa đã ở lại đất này cho đến mùa gió nam thổi. Khi cả đoàn lên thuyền, một vị tướng dưới quyền Trần Khắc Chung, đã ở lại và trở thành người đầu tiên lưu đất Chiêm Thành, chết trên đất Chiêm Thành. Sau vào thời Chế Bồng Nga, người Chiêm lấy lại đất này, phá bia mộ ông nên ông thành người vô danh.

Người Việt đến sau tôn ông làm tiền hiền của vùng đất và hằng năm cúng giỗ vào ngày 24/6 âm lịch. Suốt 700 năm qua, dân Nam Ô vẫn theo tục thờ cúng đó, không bỏ sót năm nào. Ngôi mộ vị tiền hiền làng Nam Ô được người dân Nam Ô chăm sóc rất chu đáo, trải qua nhiều trăm năm đã hư hại nhiều nên gần đây được xây mới, bia ghi rõ bằng chữ quốc ngữ “Tiền hiền chi mộ”. 

Cụ Thành trải lòng, đến nay, khó mà biết câu chuyện trên hư thực thế nào, nhưng bà con Nam Ô vẫn nằm lòng, rằng nơi đây đã lưu dấu cuộc “ngàn dặm ra đi” của một bóng hồng mờ ảo trong lịch sử trước khi trở về cố quốc. Vì thế, nơi rú cấm Nam Ô vẫn hiện hữu 2 phế tích liên quan miếu bà “Chúa Tiên Thần Nữ, vị nữ thần bảo hộ dân làng có từ thời các chúa Nguyễn và miếu vọng Công chúa Huyền Trân. 

Đọc thêm