Tháng tư đẹp và độc đáo qua lăng kính các nhà thơ nữ

(PLVN) - Tháng tư - thời khắc đẹp và rất đặc biệt trong năm đã đi vào hội hoạ, âm nhạc, văn học rất nhiều. Và tháng tư đặc biệt hơn qua cảm xúc của các nhà thơ nữ.
(Hình minh họa).

Tháng tư được coi là tháng đầu tiên của mùa hè. Tuy vậy, vào tháng này, thời tiết đôi nơi vẫn còn đó những cơn gió lạnh, cơn mưa phùn của xuân sót lại. Tháng tư, dường như các loài hoa có nét xinh tươi tròn đầy hơn. Tháng tư vì vậy cũng đi vào hội hoạ, âm nhạc, văn học rất nhiều. Và tháng tư đặc biệt hơn qua cảm xúc của các nhà thơ nữ.

Tháng tư xao xuyến

Tháng tư có ngày nói dối (1/4), hay còn gọi là ngày cá tháng tư. Nhiều nước trên thế giới coi ngày nói dối như một ngày lễ, ngày mà người ta được nói dối nhau với mục đích mua vui, không gây tác hại cho ai. Vì vậy, từ lâu, có người từng nghĩ rằng, tháng tư là tháng của niềm vui, nỗi buồn ít hơn các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ của người lạc quan.

Còn đối với những người có tâm hồn nhạy cảm, nhất là những nhà thơ nữ, thì tháng tư có vẻ như mang lại cho họ tâm trạng buồn hơn. Có thể một phần do mùa xuân tươi đẹp qua đi. Mùa xuân được coi là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu, nhưng đùng đùng, tháng tư đến, thì tuổi trẻ và tình yêu chợt tan biến mất. Có phải vì vậy, mà những câu thơ về tháng tư tự nhiên xao xuyến, mang lại cảm giác khôn nguôi cho người đọc.

Lữ Mai, một trong những nhà thơ nữ viết về tháng tư xao xuyến đó, đã cho tháng tư thêm sự chờ đợi, sự chơi vơi, là lỗi hẹn. Và tháng tư, chị cho đó là nguỵ biện. Và nguỵ biện cũng chính là tên bài thơ buồn buồn của chị về tháng tư này.

Nhà thơ Lữ Mai.

“Bất chợt yêu một ngày tháng tư/ người con gái gánh hoa rải mùa theo bước gió/ những chuyến xe/ kéo vệt dài buồn xanh bóng lá/ tháng tư gần mà như rất xa.

chiếc ô màu hồng cùng em dạo phố/ một ngày không nắng/ một ngày không mưa/ mọi cuộc hẹn bỗng trở nên vô nghĩa trên vỉa hè/ từng dấu chân bước trùng nỗi nhớ/ hoa loa kèn thôi ngụy biện tháng tư

có người ngồi đợi ven hồ/ có người bước đi trên phố/ chỉ chiếc ô biết ai lỗi hẹn/ xanh cao chiều/ em ngụy biện bằng em!”.

Bài Nguỵ biện cho thấy nữ nhà thơ trải nỗi buồn dài cùng gánh hoa, những chuyến xe. Nỗi buồn đó chơi vơi, dàn trải đến nỗi, tháng tư đã đến, nhưng mà sao thi nhân không cảm được. Khi sự buồn quá dẫn đến sự mơ hồ, thì trước mắt có là gì cũng hoá mây trôi.

Lữ Mai đã để nhân vật em cầm chiếc ô màu hồng đi cô đơn trong ngày không nắng không mưa. Em đi vào tháng tư như đi vào bất kỳ tháng nào khác trong năm. Vẫn là vỉa hè đó, vẫn là những dấu chân trùng nỗi nhớ, vẫn là hoa loa kèn. Vẫn là có người đợi em.

Bài thơ tạo cảm giác mơ hồ, và bất chợt cho thấy sự khác lạ, trách cứ khi ở câu cuối: “em nguỵ biện bằng em”. Như là chấp nhận nỗi buồn, chấp nhận tháng tư cũ kỹ đến rồi đi. Lữ Mai hiện là một trong những nhà thơ nổi bật cho thế hệ nhà thơ ngoài 30 tuổi hiện nay. Thơ chị có lối đi riêng, nữ tính, câu chữ tinh gọn, và thường mang nỗi buồn, hơn là niềm vui.

Tháng tư còn xuất hiện trong thơ Lữ Mai ở bài thơ Hoa trong thành phố. Tháng tư ở bài thơ này vẫn mạch nỗi buồn chơi vơi, với “Buổi trưa bằng lăng bỗng cũ/ như họa tiết lỗi thời”. Ở Lữ Mai, chị không thấy sự khác lạ nào của tháng tư, tháng tư quá đỗi quen thuộc với chị rồi. Dường như, tháng tư với chị như là tháng của sự trách cứ, và chị, nhân tháng tư đến, để suy nghĩ về điều gì đó xa xưa rất đẹp mà chưa bao giờ lặp lại.

Những thứ lặp lại lại là những thứ chị không muốn, đó là màu bằng lăng, nó cũng như hoạ tiết lỗi thời. Một cách ví von, so sánh nên thơ, và đượm buồn. Ở bài này, tháng tư vẫn tiếp tục được chị cho thấy hình bóng cô gái với “váy hoa lên ngôi”, “guốc cao thấp thỏm”.

Lữ Mai đã thể hiện được không gian tháng tư của mình, tháng tư bây giờ, tháng tư vừa đáng nhớ, vừa đáng quên. “Chiếc xe đạp chở nỗi buồn của những cánh đồng/ rao bán dọc phố/ tóc ngắn nơ cài bỏ đi biền biệt/ trên cao môi đỏ hững hờ”.

Đúng là những hình ảnh tháng tư ăm ắp nỗi buồn, nỗi buồn của cánh đồng, nỗi buồn cần phải rao bán. Lữ Mai cho thấy mình là người nỗ lực làm mới chính mình trong thi ca, nhất là cho thấy sự nỗ lực của mình khi muốn làm mới tháng tư.

Cứ đẹp xinh cho mây trời gió thổi

Ở một tác giả nữ khác viết về tháng tư, đó là Quỳnh Hoa. Ta thấy tháng tư trong thơ Quỳnh Hoa trở nên tinh tế, độc đáo, và muốn giữ chặt hơn. Tháng tư của Quỳnh Hoa là tháng của mưa, của sương. Nhưng mưa, sương đó lại không mang nỗi buồn như thơ Lữ Mai.

Trong bài Tháng tư về, Quỳnh Hoa đã cho thấy một cách nhìn khác về tháng tư. Ở khổ đầu, Quỳnh Hoa viết: “Tháng tư về/ Chằng chịt những cơn mưa/ Đêm sương xuống mau/ No tròn đuôi lá”. Quỳnh Hoa cho thấy, tháng tư là sự tròn đầy, biểu hiện qua hình ảnh đuôi lá no tròn. Tác giả hình dung, những giọt sương tháng tư khi đọng vào đuôi lá. Đuôi lá trở nên “béo” hơn. Đó là sự liên tưởng vui tươi, đủ đầy. Sự liên tưởng độc đáo.

Ở khổ thơ thứ hai, Quỳnh Hoa tiếp tục cho thấy tháng tư là sự tiếp nối của niềm vui, chứ không phải chịu đựng hay đón nhận như là một sự bắt buộc. Tháng tư cũng rất dịu dàng làm sao. “Yêu thương ơi/ Ngày mai là mùa hạ/ Hoa gạo cần đỏ rực/ Giả vờ hư”.

Nhà thơ Quỳnh Hoa.

Hình ảnh thiếu nữ trong bài thơ thể hiện qua hình ảnh hoa gạo cần đỏ rực. Và vì sao hoa gạo cần phải đỏ rực, vì như vậy để mà “giả vờ hư”. Có lẽ, tác giả muốn nói rằng, thiếu nữ nào cũng giả vờ đỏng đảnh, để được yêu thương, để được yêu chiều nhiều hơn.

Ở khổ thơ thứ ba: “Tháng tư về/ Hoa dậy thì/ Treo trước ngực”, và khổ thơ thứ tư: “Lá trĩu cành/ Bỗng dưng/ Tắt màu xanh”, cho thấy một tháng tư tươi mới, trẻ trung. Cái cũ kỹ của màu xanh lá nhường lại cho sắc tươi khác của hoa, có thể là đỏ, là vàng, là tím…

Và hai câu thơ cuối, được Quỳnh Hoa tách thành một khổ: “Cứ đẹp xinh/ Cho mây trời gió thổi”, cho thấy sự lạc quan, yêu đời của chị. Là con gái, là hoa, thì cứ tự nhiên xinh đẹp, mặc cho sự đời nhiều nỗi buồn, sự đẹp xinh đó cứ mặc cho mây trời gió thổi, có hề chi.

Tháng tư qua hai giọng thơ nữ trên cho thấy một lối tư duy khác của phụ nữ hiện nay, họ không phải buồn, không phải nghĩ mình chịu thiệt thòi khi sinh ra đã là phụ nữ, mà họ hãnh diện, đối mặt với mọi loại nỗi buồn, thách thức như trên đời. Họ không ví mình là bánh trôi nước như Hồ Xuân Hương. Họ là một nửa thế giới, họ có quyền làm điều mình thích, họ xinh đẹp, họ mang lại cho thế giới nhiều sắc màu.

Họ quan sát thế giới không phải để buồn như nỗi buồn của Bà Huyện Thanh Quan. Họ quan sát thế giới không phải để cô đơn như Đoàn Thị Điểm, mà họ thấy được sự tinh tế của muôn vật, của chính mình, giá trị của mình đối với đời sống, với vũ trụ. Vì vậy, tháng tư đối với họ, không chỉ là tháng tư của thiên nhiên, của không thời gian, mà là tháng tư của em. Em là trung tâm, là vẻ đẹp của cuộc đời nhiều nỗi âu lo.

Đọc thêm