Thanh Miện (Hải Dương): Hàng loạt thửa đất thầu khoán bị “phù phép” thành nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chỉ trong một thời gian, hơn 60 hợp đồng thầu khoán đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản đã được xây dựng nhà ở trên đó. Đây là thực trạng diễn ra tại thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương).
Thửa đất 293a và 293b đã được cấp sổ đỏ, được "hợp thức hóa" từ đất thầu khoán năm 1994.

Thửa đất 293a và 293b đã được cấp sổ đỏ, được "hợp thức hóa" từ đất thầu khoán năm 1994.

Bản hợp đồng “lạ lùng”

Năm 1994, ở xã Lê Bình (nay là UBND thị trấn Thanh Miện) xuất hiện 1 hợp đồng “lạ” là biên bản đấu thầu ao, hồ, đầm, gò, đồng do đại diện bên A là UBND xã và hơn 60 hộ dân trên địa bàn toàn xã.

Về hình thức là đấu thầu ao hồ để sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hơn 60 hộ dân cho rằng được ngầm hiểu là chính quyền địa phương đã bán trực tiếp những ô, thửa, đất ao hồ cho mình. Người dân được “nhận giao khoán có thời gian dài hạn” và thu tiền một lần.

Gần 30 năm nay, diện tích đất tại hơn 60 hợp đồng giao khoán nói trên không thấy ruộng canh tác, ao hồ thầu khoán đâu; mà chỉ thấy mọc lên những ngôi nhà tầng bê tông cốt thép.

Được biết, hàng loạt ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp dọc theo đường 392C khu An Lạc và Vô Hối thị trấn Thanh Miện chỉ mới được xây dựng mấy năm gần đây. Không chỉ người dân, gia đình ông Hoàng Văn Thông (Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện) cũng đã xây nhà trên diện tích 230m2 và nằm trong danh sách hơn 60 hộ dân mua đất thầu khoán từ 1994. Được biết, ngày 17/03/2022, ông Thông đứng trực tiếp chỉ đạo đào móng làm nhà.

Vào thời điểm năm 1994, có tới 62 hợp đồng thầu khoán đất nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản, canh tác mà UBND thị trấn Thanh Miện giao thầu và thu tiền một lần. Ở thời điểm đó, số tiền từ 1-2 triệu đồng là số tiền lớn, nhiều hộ dân đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để nộp đủ số tiền này. Chưa rõ số tiền theo hình thức giao thầu này được sử dụng vào việc gì và có nộp ngân sách Nhà nước không. Chỉ biết rằng do tính chất thầu khoán, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, nên tới thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân dù xây dựng nhà ở kiên cố cũng không đủ điều kiện pháp lý để được cấp sổ đỏ.

Khó là vậy, nhưng bằng cách nào đó, một số hộ dân vẫn được UBND thị trấn Thanh Miện, UBND huyện Thanh Miện cấp sổ đỏ. Đó là trường hợp thửa đất 293a (giờ thành thửa 58) và 293b đã được cấp sổ đỏ.

Thửa đất 293a, tờ bản đồ số 7, khu An Lạc, trước đó là đất giao thầu, hiện đứng tên ông Đặng Đình Thật và bà Nguyễn Thị Chi; được UBND huyện Thanh Miện cấp sổ đỏ ngày 1/4/2010. Sổ này do ông Nguyễn Viết Bản, Phó Chủ tịch huyện Thanh Miện ký (thời điểm 2010) ký. Ông Bản cũng ký sổ với thửa đất 239b, tờ bản đồ số 07, ngày 12/9/2012.

Tới ngày 20/9/2021, ông Bùi Hữu Tiếp (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện) đã ký sổ đỏ cho ông Phạm Công Thiện (ngụ xã Quang Vinh, huyện Gia Lộc). Được biết, ông Thiện đã mua lại của người dân trước đó là thửa đất 293a và hiện làm sổ mới là thửa đất số 58.

Một người địa phương thắc mắc: “Việc cấp sổ đỏ như trên, phải chăng UBND huyện Thanh Miện đồng ý việc cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp thầu khoán? Hay một số cán bộ cố tình tiếp tay cho những sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai của cấp dưới?”.

Gia đình ông Hoàng Văn Thông, Bí thư thị trấn Thanh Miện cũng đang xây một căn nhà tại khu vực này.

Gia đình ông Hoàng Văn Thông, Bí thư thị trấn Thanh Miện cũng đang xây một căn nhà tại khu vực này.

Ai đang “tiếp tay” cho sai phạm?

Ông Đỗ Quý Can, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện, cho biết: “Trong quá khứ, UBND xã Lê Bình (nay là UBND thị trấn Thanh Miện) ký vào mục đích chuyển thành đất ở, nhưng các hộ dân không chuyển đổi mà vẫn tự ý làm nhà. Sau đấy, cũng đã có báo cáo UBND để xử lý tồn tại, báo cáo bằng miệng qua nhiều hội nghị”.

Khi được hỏi vì sao đất thầu khoán nuôi trồng thủy, hải sản lại xây dựng nhà ở kiên cố, ông Can chia sẻ: “Cái đấy là quá khứ trước kia, tồn tại lâu lắm rồi, bây giờ thì không làm được nhưng trước kia vẫn làm được nhà. Ngôi nhà mới xây đổ mái nằm trong diện thầu khoán. Mình chấp nhận nó là quá khứ như 62 hộ kia, các hộ trước làm được nên bây giờ bọn tôi không cản người ta xây. Đất của tất cả cả các hộ trên đều chưa có sổ đỏ”.

Một điều bất thường, ông Can lại ký và đóng dấu cho một số dân có nhu cầu làm sổ đỏ với các đất trên. Tại Đơn đề nghị chuyển đổi quyền sử dụng đất của ông Trần Văn Soi (SN 1968, ngụ Vô Hối, thị trấn Thanh Miện) viết rất rõ là thửa đất số 300, tờ bản đồ sô 07 có nguồn gốc đất “mua” đấu thầu dài hạn từ 1994. Gia đình ông Soi có nguyện vọng chuyện đổi mục đích đất “mua” đấu thầu dài hạn này thành đất ở và đã được ông Đỗ Đức Khuê (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Miện) và ông Đỗ Quý Can đóng đấu xác nhận và ký ngày 6/6/2018.

Một người dân địa phương bức xúc: “Trách nhiệm quản lý giám sát của cán bộ địa phương ở đâu trong việc quản lý đất đai dẫn đến những sai phạm đã rõ ràng nhưng vẫn không bị xử lý triệt để? Ngoài những đơn đề nghị của hộ gia đình ông Soi, lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Miện còn xác nhận đóng dấu cho những trường hợp nào nữa?”.

Căn nhà tầng kiên cố của gia đình ông Hoàng Văn Thông, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Miện được cho là xây cho con trai đã dỡ cốt pha tầng 2. Rất nhiều thợ xây đang gấp rút đổ cột bê tông và xây tường, vật liệu xây dựng ngổn ngang rất hối hả gấp rút. Căn nhà này không biết đã được cấp sổ đỏ hay chưa nhưng hiện tại chính thửa đất này cũng nằm trong diện đất “mua” đất thầu dài hạn năm 1994.

“Phải chăng, đến Bí thư thị trấn còn xây nhà trên đất nông nghiệp trái phép, vậy nên cả dãy phố có tới hơn 60 hộ dân cứ đua nhau xây dựng tràn lan”, người dân đặt câu hỏi.

Đọc thêm