Thanh niên chiếm “ngôi cao” về thất nghiệp

(PLO) - Tỷ lệ thất nghiệp của người thuộc độ tuổi lao động (LĐ) trong trong quý 1/2017 đã giảm nhẹ, còn 2,3%. Nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao (7,29%), cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm 2016. 
Chất lượng đào tạo quyết định chất lượng LĐ và “bức tranh” thất nghiệp của thị trường LĐ.

Thông tin này được đưa ra trong Bản tin cập nhật thị trường LĐ Việt Nam số 13 quý 1/2017 vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố hôm qua (9/6) tại Hà Nội.

Lao động trẻ, có chuyên môn vẫn “khát” việc làm

Tại Quốc hội, Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với LĐ trẻ, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên; thâm dụng LĐ trong các ngành dệt may, da giày và thất nghiệp ở độ tuổi 35 - 40 còn phổ biến. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu không tốt.

Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 4, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 32.058 người, tăng 22,6% so với 4 tháng đầu năm 2016, tạo việc làm trong nước là 443.000 người, xuất khẩu LĐ là 33.694 người. So với tháng 3, số quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 31.402 người, tăng 42%; tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng 16,3%; số người được hỗ trợ học nghề tăng 0,9%.

Tuy nhiên, Bản tin cập nhật thị trường LĐ Việt Nam số 13 quý 1/2017 cho biết, trong quý 1, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi LĐ thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý 4/2016 nhưng lại tăng 29.500 người so với cùng kỳ năm 2016. Số người LĐ thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 138.800 người, giảm 80.000 người so với quý 4/2016. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này cũng giảm từ 4,43% (quý 4/2016) xuống chỉ còn 2,79% trong quý 1.

Nhóm LĐ có trình độ cao đẳng cũng giảm 20.600 người thất nghiệp, còn 104.200 người trong quý 1, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này là 6% và vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ trung cấp là nhóm duy nhất có số người thất nghiệp tăng trong quý 1 với 83.200 người thất nghiệp (tăng 13.000 người), tỷ lệ thất nghiệp là 3,08%. Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong quý 1 ở mức 7,29%, tăng cao hơn quý trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái (6,63% trong quý 1/2016).

 Đây là một trong những tín hiệu tích cực của thị trường LĐ sau thời gian dài con số thất nghiệp của nhóm LĐ này luôn ở mức trên 200.000 người. Song theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường LĐ chưa có nhiều khởi sắc khi số người thất nghiệp trong độ tuổi LĐ có xu hướng giảm, nhưng nhóm LĐ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 27% số người thất nghiệp trong độ tuổi LĐ. 

Khu vực có năng suất LĐ thấp chiếm cơ cấu LĐ cao

Ngay từ đầu năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự báo tỷ lệ LĐ thất nghiệp sẽ ở mức khoảng 1,1 triệu người, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của người LĐ có trình độ, chuyên môn vẫn chưa “thoát” đà mức báo động tăng. Theo các chuyên gia LĐ, nguyên nhân chính là do chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, dẫn đến việc cung cấp nguồn nhân lực không phù hợp với thị trường LĐ. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là điều mà tất cả chúng ta, trong thời điểm này ai cũng có thể nhìn nhận thấy...

Kết quả khảo sát từ CEO MEDIA thuộc Tập đoàn CEO Việt Nam, với tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều như hiện nay, hiểu rõ được những khó khăn sẽ gặp phải sau khi ra trường, một phần nhận thức được những “lỗ hổng” trong kỹ năng, kiến thức thực tiễn của chính bản thân mình, cũng như việc loay hoay tìm con đường đi cho tương lai. Đã có hàng nghìn các bạn trẻ nắm bắt cho mình cơ hội học tập - nghề nghiệp, mạnh dạn tìm đến những chương trình đào tạo, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp với mong muốn thay đổi bản thân, có được công việc phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năng suất LĐ xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/LĐ (tương đương 3.853 USD/LĐ) tăng 5,3% so với năm 2015 (3.660 USD/LĐ) cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và chuyển dịch cơ cấu LĐ chậm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu LĐ trong khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ cao (41,9%) là khu vực có năng suất LĐ thấp. 

Do đó, trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế kiến nghị, Chính phủ tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giữ lợi thế cạnh tranh về LĐ trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu LĐ, giảm số LĐ khu vực phi chính thức, LĐ nông nghiệp. Rà soát, điều chỉnh các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều phù hợp với thực tế tại cơ sở… 

Cuối năm 2016, thống kê thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, nhất là ở nhóm thanh niên. Đặc biệt, số lượng LĐ có trình độ chuyên môn thất nghiệp đang tăng, người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Bản tin cập nhật thị trường LĐ Việt Nam quý 3/2016 đưa ra con số trong hơn 1,11 triệu người LĐ thất nghiệp, có tới 456.100 người có chuyên môn kỹ thuật. 

Đáng lưu ý, nhóm LĐ có trình độ đại học trở lên chiếm nhiều nhất, hơn 202.300 người. Trong khi đó, số lượng LĐ thất nghiệp ở các trình độ thấp hơn lại nhỏ hơn rất nhiều, cụ thể với LĐ có chứng chỉ nghề thất nghiệp là 40.100 người, trung cấp là 70.200 người và trình độ cao đẳng là 124.800 người. 

Đọc thêm