Ở Việt Nam, mặc dù người trẻ ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề khí hậu, nhưng hầu hết những dự án thanh niên còn mang tính nhỏ lẻ, chưa phát huy được hết tiềm năng to lớn của lực lượng trẻ tuổi này.
Người trẻ ngày càng có nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu
Theo một khảo sát gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, 64% người được hỏi từ Việt Nam cho rằng họ đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu, và 60% trong số họ đề xuất các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Có một điều đáng hoan nghênh là trong số đó có rất nhiều bạn trẻ hiện nay đã có nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu (BĐKH), cùng hành động để ứng phó, cũng như vận động bạn bè, người thân cùng góp sức bảo vệ ngôi nhà trái đất chung.
Ở Việt Nam, thanh niên chiếm 23% tổng dân số và là lực lượng đông đảo, mạnh mẽ, có thể tác động đến nhận thức các gia đình, nhà trường và cộng đồng nói chung về các phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.
Mới đây, sáng kiến Thanh niên hành động vì khí hậu (Youth4Climate) đã được phát động bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Bộ TN&MT và Trung ương Đoàn TNCS HCM.
Mục đích của sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của những người đại diện thanh niên hiện nay và mạng lưới thúc đẩy các hành động về khí hậu tại các diễn đàn quốc gia và quốc tế, thông qua các nỗ lực nhất quán và có sự phối hợp cũng như tăng cường hợp tác với Chính phủ, các cơ quan Liên Hợp quốc, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự trong các sáng kiến và chính sách về khí hậu trong tương lai ở Việt Nam.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm giảm phát thải, chung tay với thế giới ứng phó BĐKH với nhiều quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiếng nói của thanh niên chưa hoàn toàn đưa vào quá trình này.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tuổi trẻ là nguồn sáng tạo và đổi mới đáng kinh ngạc và có thể tạo ra những thay đổi đáng kể để đảo ngược tác động của khí hậu nếu họ được hỗ trợ và hướng dẫn bởi khoa học về BĐKH. Bằng cách trao quyền cho thanh niên – nguồn động lực rất lớn mà chúng ta đang có, Việt Nam có thể mở ra những tiềm năng mới để thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC cho Việt Nam trong tương lai”.
Gỡ khó cho các dự án thanh niên
Tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam, rất nhiều bạn trẻ hiện nay có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết cùng mong muốn góp sức phát triển xã hội. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, đó là sự chia sẻ của các bạn trẻ trong Báo cáo “Thanh niên hành động vì khí hậu ở Việt Nam”.
Bạn Trần Ngọc Bích (23 tuổi, đến từ Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi chọn vấn đề phòng chống cháy rừng bởi rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giúp hấp thu khí nhà kính giảm phát thải và tạo ra sinh kế cho con người.
Dự án đề ra 3 hoạt động cùng lúc hỗ trợ cho công tác phòng chống cháy rừng, đó là: Tập huấn cho người dân sống gần rừng phát hiện sớm các dấu hiệu cho thấy nguy cơ cháy rừng, báo động cho Ban Quản lý rừng và Kiểm lâm để tiến hành các giải pháp ngăn chặn; gắn chuông báo động ở các khu dân cư gần rừng để người dân chủ động phương án di tản và lắp đặt hệ thống dập lửa tự động ở những nơi nguy cơ cao, hạn chế phần nào ngọn lửa”.
Bạn cho rằng người trẻ rất tích cực, đam mê nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án và rất cần có sự hướng dẫn từ các tổ chức lớn hơn. Khó khăn lớn nhất của các dự án thanh niên thường là khó xin tài trợ tài chính về lâu dài.
Còn theo bạn Trần Ngọc Xuân Mai (19 tuổi, đến từ TP HCM), các dự án thanh niên ở Việt Nam hầu hết còn mang tính nhỏ lẻ. Ví dụ, một nhóm ở trường học, địa phương này có dự án chỉ triển khai tại địa bàn đó trong thời gian ngắn và ở nơi khác cũng có ý tưởng tương tự, nhưng hai nơi không có kết nối.
Nếu có thể gộp lại thành một dự án lớn triển khai trên nhiều địa bàn, hoạt động sẽ lớn mạnh, tác động rộng hơn và dễ thu hút tài chính hơn. Thanh niên Việt Nam rất năng động, nhiều ý tưởng nhưng nhiều hầu hết các bạn chưa tìm hiểu kỹ về chính sách ứng phó BĐKH của Việt Nam và rào cản lớn nhất là trong tiềm thức, các bạn chưa nghĩ đến việc đóng góp vào chính sách vì đây là câu chuyện xa vời.
Nhìn ra nước ngoài, lực lượng thanh niên ở nhiều nước trên thế giới không chỉ chủ động tìm hiểu về việc đóng góp vào chính sách ứng phó BĐKH tại quốc gia mình và quốc tế. Họ còn lập nên mạng lưới thanh niên, tập hợp các dự án, sáng kiến riêng về BĐKH như giảm khí thải, thích ứng nông nghiệp thuận tự nhiên, trồng cây gây rừng… và qua đó, đóng góp vào quá trình đưa ra chính sách.
Dù có những bạn nhiều kinh nghiệm và ít kinh nghiệm nhưng hầu hết các bạn trẻ tham gia các dự án hành động vì môi trường đều thể hiện sự quan tâm đóng góp vào công tác ứng phó BĐKH chung của quốc gia. Nhiều bạn trẻ đã bày tỏ mong muốn được sự quan tâm của những cá nhân đi trước, các tổ chức chuyên nghiệp, cơ quan chức năng để có thể phát huy vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường và hành động vì khí hậu toàn cầu.
Tạo động lực phát triển kinh tế các bon thấp
Những hành động, dự án thanh niên dù nhỏ nhưng nếu triển khai cùng lúc ở nhiều địa phương trên cả nước, liên kết với nhau, có thể sẽ tạo nên phong trào lớn, sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rộng.
Như ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu từng nhấn mạnh, để thực hiện được các mục tiêu, cần sự quyết tâm, nỗ lực, chung tay đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội mà trong đó, các đoàn viên, thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Mỗi hành động của các bạn đoàn viên thanh niên dù là nhỏ nhất đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực phát triển kinh tế các bon thấp.