Vì một Việt Nam xanh

(PLVN) - “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” vào mùa Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đầu tiên. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước lại hưởng ứng Tết trồng cây làm theo lời Bác. Trồng cây xanh là một giải pháp hữu hiệu xây dựng môi trường sống xanh, tạo hình ảnh ấn tượng riêng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Sôi nổi hưởng ứng Chương trình 1 tỷ cây xanh

Tiếp nối Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, trong hoạt động đầu tiên nhân dịp đầu xuân mới, ngày 17/2/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cùng các lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội tiến hành trồng cây tại trung tâm Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, 

Tiếp đó, ngày 21/2 tại nút giao vành đai 3 - quốc lộ 5B (nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

Từ đó, phấn đấu để Hà Nội trở thành thành phố 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, đẹp; phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300 nghìn cây các loại, đến năm 2030 mỗi một người dân Hà Nội trồng một cây xanh.

Đón xuân Tân Sửu năm nay, cả nước hưởng ứng Chương trình 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Trong đó, Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến được kỳ vọng sẽ là địa phương về đích đầu tiên của chương trình này, tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng.

Tại Lễ phát động Tết trồng cây ở phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình, dự án, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; trong thâm canh rừng trồng, chế biến gỗ.

Năm 2021, thành phố Hưng Yên quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch tỉnh giao trồng 21.500 cây các loại, trong đó cây ăn quả là 15.000 cây, cây lấy gỗ là 6.500 cây. Tại buổi lễ phát động “Tết trồng cây 2021”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 trên 46,5%. Theo đó, toàn tỉnh sẽ dự kiến trồng mới 8 triệu cây xanh phân tán và 1.600ha rừng tập trung theo chương trình trồng 1 tỷ cây xanh...

Điểm nhấn thu hút du khách

Còn tại Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” góp phần xây dựng “Huế - thành phố bốn mùa hoa”. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, mai vàng là loại hoa nổi tiếng của Việt Nam.

Đối với địa phương này, mai vàng có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế.

Trước đó, hai vườn mai vàng thí điểm trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Thừa Thiên - Huế phát động các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn (có điều kiện) trồng mai vàng trước ngõ, trong sân vườn.

Các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp sẽ là những đơn vị tiên phong làm trước, mỗi đơn vị trồng ít nhất 2 cây với mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái của vùng đất Cố đô. Bên cạnh đó, UBND TP Huế nghiên cứu tổ chức lễ hội mai vàng hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán nhằm tạo sân chơi, giới thiệu, quảng bá thương hiệu “Hoàng mai Huế”.

Tại Vườn hoa TP Đà Lạt, 125 cây hoa anh đào Nhật Bản (Sakura) đã được trồng ở khu đồi quốc tế.  Đây là hoạt động của TP Đà Lạt dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và chào mừng kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Trước khi UBND TP Đà Lạt tổ chức trồng chính thức, hoa anh đào Nhật Bản đã được trồng thành công ở Đà Lạt vào năm 2017 tại Hoa Sơn điền trang với 1.000 cây. Nhiều cây đã trổ hoa và cho thấy sự tương thích khí hậu của giống hoa đào này. 

Hơn 1.000 cây long não cũng được Công ty CP công viên, cây xanh Hải Phòng trồng trên đường Phạm Văn Đồng. Rất nhiều người dân TP Cảng rất tự hào vì sau thời gian nữa sẽ được nhìn thấy loài cây này lớn dần lên và đặc biệt sẽ tỏa nhiều bóng mát xuống con đường ngập sắc màu hoa phượng khi hè đến.

Hiện địa bàn TP Hải Phòng đang nhân rộng mô hình trồng cây xanh, trong đó dải công viên Tam Bạc - trung tâm thành phố cũng được trồng nhiều cây Long Não. Người dân hy vọng Hải Phòng sẽ là thành phố với nhiều tuyến đường được trồng nhiều cây xanh, trở thành thành phố du lịch văn minh, hiện đại.

Trở lại với Thủ đô Hà Nội, màu sắc của phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, hay tại khu vực Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành  điểm check-in của nhiều người. Vào mùa thay lá, cây phong chuyển màu đồng loạt từ vàng sang đỏ rực rỡ và bắt mắt, khiến ai cũng muốn đến để lạc vào khung cảnh lãng mạn.

Ở Việt Nam, loại phong vốn tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình… nhưng giờ đây, không cần phải mất công đi xa lên vùng núi hay sang xứ người, ngay ở giữa Thủ đô cũng đã một con đường ngập tràn phong lá đỏ.

Có thể thấy, những con đường rợp sắc hoa, cành lá xanh mướt không chỉ tạo nên trường xanh sạch mà còn góp phần tạo ấn tượng, cảnh quan tuyệt đẹp mang thương hiệu riêng từng tỉnh, thành hút hồn người dân, du khách trong và ngoài nước. Như lời một bài hát: Hàng cây xao xuyến mỗi bước đi…. 

Đọc thêm