“Ba ngày đầu tiên tôi không có cái gì trong bụng. Sau đó mỗi ngày chủ nhà chỉ cho tôi ăn 2 ổ bánh mì. Để cầm cự qua ngày, tôi đành phải nhặt cơm thừa của họ. Chưa hết, tôi còn bị chủ nhà sỉ nhục, chửi bới vì những lý do không đâu. Không thể chịu đựng mãi cảnh sống như vậy, tôi đành cầu cứu người thân ở nhà đi vay tiền, đến công ty nộp để có vé máy bay về nước”, lời chị Thanh.
“Cơm thừa, canh cặn”
Chị Thanh cho hay vì hoàn cảnh gia đình vất vả nên đầu năm 2016 quyết định đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu nhờ người giới thiệu, chị đăng ký sang làm việc tại Đài Loan. Sau hơn 4 tháng chờ đợi nhưng không có kết quả, chị được một người trong làng giới thiệu đi làm tại Saudi Arabia (một quốc gia ở vùng Trung Đông). “Thấy họ giới thiệu sang nước này làm việc không phải mất tiền nên tôi đồng ý”, chị nói.
Theo hướng dẫn của người môi giới, chị Thanh đến Văn phòng đại diện Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An (địa chỉ đường Nguyễn Thị Định, TP Vinh) để làm thủ tục. Ngày 7/12/2016, chị ký hợp đồng lao động số 932/NV-AR với Công ty trên về việc đi xuất khẩu lao động. Sau 20 ngày, kể từ thời điểm ký hợp đồng, chị Thanh xuất cảnh sang Saudi Arabia giúp việc gia đình.
Chị Thanh cho rằng trước khi sang nước ngoài, được phía công ty dạy tiếng chừng vài tuần, nhờ đó có thể bập bẹ được một số câu giao tiếp cơ bản. Phía công ty cũng thông báo với các lao động không phải mang theo quần áo, tư trang vì “sang bên kia đã có chủ nhà cung cấp đầy đủ”.
“Tuy nghe họ nói vậy, nhưng tôi vẫn đem 3 bộ quần áo đề phòng trường hợp bất trắc. Tôi cũng đưa một ít tiền đổi sang USD phòng thân”, lời chị Thanh.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, chị Thanh lên máy bay để đến đất nước xa lạ. “Sau 3 chặng với 16 tiếng ngồi trên máy bay, tôi đã đến nơi mình làm việc. Dù rất bỡ ngỡ, lo lắng nhưng vì đã xác định trước nên tôi chỉ biết tự trấn an bản thân, cầu mong mọi chuyện suôn sẻ”, người phụ nữ nhớ lại.
Vừa đặt chân đến xứ người, chị Thanh được tập trung tại nơi của công ty môi giới Việt Nam. Tại đây có khá nhiều phụ nữ Việt đang đợi nhận công việc. Sau thời gian ngắn chờ đợi, chị Thanh được đưa đến giúp việc cho một gia đình có 6 thành viên.
Theo lời kể của người phụ nữ này, cuộc sống của gia chủ tương đối khá giả nhưng chị không ngờ mình lại bị đối xử thậm tệ như vậy. “3 ngày đầu, họ không cho tôi ăn gì cả. Thậm chí tôi cũng không được tắm. Lúc đó, do mới sang tiếng chưa thông thạo nên tôi không dám lên tiếng hỏi, chỉ biết uống nước cầm chừng”, chị Thanh nhớ lại.
Những ngày tiếp theo, chị được chủ nhà đưa cho 2 ổ bánh mì để ăn. Dù không tài nào nuốt được nhưng chị phải cố gắng ăn để có sức làm việc. Trung bình mỗi tuần chị được chủ nhà cho ăn một bữa cơm, nhưng với số lượng ít. Chị cho rằng phải nhặt những miếng cơm mà con của chủ nhà ăn thừa, bỏ đi, để sử dụng.
“Đói quá nên tôi phải làm như vậy. Cứ mỗi lần thấy đám trẻ con ăn thừa cơm, thức ăn, tôi thu gom lại bỏ vào trong túi bóng. Sau khi gói ghém cẩn thận, tôi giấu trong tủ lạnh để ăn dần. Lúc đầu bà chủ biết lôi ra vứt, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì, họ cho tôi “gửi” nắm cơm thừa. Nhờ đó, tôi có sức để sống, chứ mỗi ngày cứ nhai hai ổ bánh mì khô nuốt không trôi”, chị Thanh tường trình lại cuộc sống khổ cực.
Ăn uống kham khổ trong khi khối lượng công việc lớn khiến chị Thanh rất mệt mỏi, chán nản. “Tôi không ngờ đi giúp việc lại vất vả như vậy. Lúc đó rất nhớ chồng con, quê hương nhưng tôi không thể liên lạc về được vì điện thoại đã bị chủ nhà thu lúc đến nhận việc”, chị kể.
Người phụ nữ cho biết, ngoài làm tất cả công việc nhà, chị còn phải chăm đứa con nhỏ hơn 2 tuổi của gia chủ. Do tính khí bà chủ thất thường nên chị thường xuyên bị chửi bới vô cớ. Chị tâm sự: “Dù ấm ức, nhưng tôi phải cố nhịn vì biết rằng mình là người giúp việc của họ. Những lúc đó, tôi chỉ biết nghĩ đến gia đình để quên đi nỗi vất vả, tủi nhục”.
Chị Thanh trở lại với công việc thường nhật |
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Sau gần 3 tháng sống chịu đựng chị Thanh lấy lý do sức khỏe để xin chủ nhà nghỉ việc. Lúc đầu, gia đình này một mực không đồng ý. Nhưng trước đòi hỏi quyết liệt cộng với chuyện chị Thanh bị đau răng nhiều ngày không làm được gì, nên họ đồng ý trả chị lại công ty môi giới.
Lúc này chị Thanh cứ đinh ninh trong bụng rằng mình sắp được về Việt Nam, ai ngờ chị tiếp tục bị chuyển đi gia đình khác. Nhớ lại đêm tối bị nhóm người lạ đưa đi trên xe ô tô, chị kể:
“Trên xe lúc đó ngoài tôi còn có 3 người phụ nữ Việt Nam. Tất cả các chị đều chung hoàn cảnh như tôi, bị chủ nhà chửi bới. Chiếc xe đang đi trên đường bỗng dừng lại, rồi họ gọi tôi xuống. Một người đàn ông bản địa lôi chiếc va li của tôi xuống và đưa lên chiếc xe khác. Tôi phản kháng, xin được về nước thì anh ta ra hiệu sẽ cắt cổ. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành nghe lời họ sang xe ô tô khác ngồi”.
Sau đó, chị Thanh tiếp tục đưa đến gia đình khác để chăm sóc đứa trẻ 7 tuổi, bị liệt hai chân. Không đồng ý làm việc nên chị Thanh luôn tỏ thái độ ương bướng. Dù vậy, chủ nhà vẫn chưa chịu để người phụ nữ này ra đi. Sau gần 1 tuần hai bên giằng co nhau, chị Thanh được trả về trung tâm môi giới Việt Nam. Tại đây, chị biết thêm rất nhiều hoàn cảnh sang giúp việc nhưng bị bỏ đói, hành hạ, thậm chí bị gia chủ “sàm sỡ”. Do chống đối, không chịu “làm vợ” chủ nhà nên những người phụ nữ ấy bị chuyển đi nơi khác.
Nhờ điện thoại của các chị em cùng cảnh ngộ, chị Thanh đã liên lạc với chồng ở quê nhà. Anh Nguyễn Văn Ngôn, chồng chị Thanh cho biết: “Có lần, vợ tôi gọi về chỉ nói ngắn gọn rằng đến Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An đóng tiền để vợ tôi được về nước. Xót quá, tôi phải chạy vạy khắp nơi vay 33 triệu đồng đóng cho công ty”.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, trung tuần tháng 3/2017, chị Thanh được về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình. Đón chị tại sân bay Nội Bài là chồng, con trai và con dâu. Các con không ngờ rằng chỉ sau 4 tháng làm việc ở xứ người, mẹ mình lại gầy đến như vậy. Dù khoản tiền kiếm được ít hơn số tiền gia đình phải đóng cho công ty để đưa chị về, nhưng chị Thanh vẫn vô cùng hạnh phúc.
Người phụ nữ này cho biết thêm, trước khi về nước, đại diện công ty môi giới ở Saudi Arabia yêu cầu chị phải xác nhận là không bị đánh đập, bạc đãi mới đồng ý cho về. Không còn cách nào khác, chị đã làm theo tất cả yêu cầu của công ty môi giới. Chị Thanh tâm sự: “Tôi sẽ không xuất ngoại nữa mà ở nhà làm đồng ruộng với chồng con. Sướng khổ gì cũng được, miễn sao gia đình có nhau”.
Trao đổi với báo chí về trường hợp của chị Thanh, bà Phạm Thị Phương Thanh, Phó trưởng đại diện Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt xác nhận, đúng là công ty có ký hợp đồng đưa chị Thanh đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia và việc chị ấy đòi về nước là có cơ sở.
Tuy nhiên, không có chuyện chị Thanh bị đánh đập, bạc đãi ở xứ người mà lý do về chỉ là nhớ gia đình. Còn chuyện chồng chị đóng 33 triệu đồng là khoản hoàn phí cho công ty, bao gồm các chi phí như đào tạo, khám sức khỏe, làm visa, vé máy bay.