Vụ cướp manh động
Sau 10 ngày mòn mỏi chờ đợi, chiều 16/4 gia đình bà Lê Thị Sen (SN 1949, ngụ thôn 5, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) mới đưa được thi thể con gái từ nước Angola về.
Đón thi thể chị Nguyễn Thị Đào (SN 1979) ngày hôm đó là bố mẹ già, hai đứa con thơ cùng bà con chòm xóm. Ai cũng thắt lòng trước cái chết đau đớn của chị Đào tại xứ người. “Vì muốn lo cho con cái, nó đành gạt nước mắt mưu sinh xứ người. Làm việc chưa được bao lâu thì bị người ta sát hại dã man. Đến khi đã mất cũng không thể chôn cất ngay được mà phải đợi hơn 10 ngày vì gia đình không đủ tiền để đưa thi thể con gái về nước”, bà Sen nói.
Sáng sớm ngày 7/4, gia đình bà Sen nhận được cuộc thoại từ nước ngoài gọi về. Ngỡ con gái gọi điện về hỏi thăm sức khỏe như những lần khác, bà háo hức nghe máy. Không ngờ một người họ hàng đang lao động ở Angola thông báo chị Đào đã bị giết.
“Tin ấy như sét đánh ngang tai, tôi nghe mấy lần nhưng không dám tin đó là sự thật. Đến khi người hàng xóm chạy sang, tôi đưa điện thoại nhờ nghe giúp, họ khẳng định một lần nữa thì tôi mới tin. Hai chân tôi quỵ xuống vì quá sốc”, bà Sen nói.
Đến khi lấy lại bình tĩnh, người mẹ ấy mới đủ can đảm để gặng hỏi sự việc đã xảy ra. Những đồng hương của con gái bà đang sinh sống, làm việc bên đó kể lại, hôm xảy ra sự việc, chị Đào trông cửa hiệu cắt tóc một mình. Bất ngờ một tên cướp cầm dao xông vào đòi tiền và tài sản. Trong lúc xô xát tên cướp đã đâm nhiều nhát vào người chị Đào khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Khi mọi người trở về thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, chị Đào nằm bất động với con dao găm vào người, căn phòng bị lục tung. Những người đồng hương vội đưa chị Đào đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn. Nạn nhân đã tử vong trước đó.
Vợ chồng bà Sen vội đi vay mượn tiền bạc, còn dự định cầm cố ngôi nhà cũ của gia đình để gom tiền đưa thi thể con về nước. Song khoản tiền gần 15.000 USD (hơn 300 triệu VNĐ) với gia đình này là vượt quá sức. Điều may mắn là trong lúc khốn khổ, hoạn nạn, gia đình nạn nhân đã nhận được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở Angola.
Đại sứ quán Việt Nam tại đây cũng nhanh chóng hỗ trợ làm thủ tục đưa thi thể chị Đào về nước hoàn thành trong thời gian sớm nhất. “Nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức, có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ đưa được thi thể con gái trở về”, bà Sen kể.
Mặc dù vậy, quá trình đưa thi thể chị Đào về Việt Nam cũng vô cùng gian nan. Đến khoảng 14h30 ngày 16/4, nạn nhân mới được đưa về quê nhà tại thôn 5. Không ai bảo ai, hàng xóm mỗi người một tay dựng rạp, cắm cờ, lo tang lễ cho gia đình tang quyến.
Cuộc đời tận khổ
Kể về gia đình mình, bà Sen cho hay có tất cả 7 người con. Do gia cảnh khó khăn nên các con không có cơ hội học hành đàng hoàng. Duy chỉ có chị Đào là con thứ 6 vẫn được bố mẹ cho học hết lớp 12. “Sau khi tốt nghiệp THPT, Đào xin thi Đại học nhưng vợ chồng chúng tôi không kham nổi nên đành khuyên con dừng học. Ở nhà nó đi làm mướn cho người ta, công việc cực nhọc nhưng không một lời trách móc bố mẹ. Dù vậy, nó luôn có khát vọng thoát nghèo”, bà Sen kể.
Sau đó không lâu, chị Đào đưa về một chàng trai ra mắt gia đình. Đó là thanh niên hơn chị 4 tuổi, mới đi XKLĐ về. Dù là người trong làng nhưng vì anh này đi làm ăn xa đã lâu nên vợ chồng bà Sen cũng không rõ tính tình. Mặc dù chưa hiểu tính cách của thanh niên này nhưng thấy con gái nhất quyết đòi cưới nên gia đình đành chiều ý tổ chức. Lấy nhau một thời gian, hai vợ chồng ra riêng và sinh một đứa con trai vào năm 2001.
Bà Sen tâm sự: “Cứ nghĩ có con rồi thì 2 đứa sẽ tu chí làm ăn, chăm lo gia đình, nhưng con rể cứ cậy đi nước ngoài về, trong tay sẵn tiền nên sinh ra ăn chơi hoang phí. Nó thường xuyên uống rượu rồi về đánh đập vợ. Nhiều lần tôi đến nhà thấy Đào mặt mày sưng lên, hỏi thăm thì nó nói bị chồng đánh. Thương con, tôi chỉ biết an ủi”.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi vào năm 2003, gia đình nghe tin con rể qua lại với cô gái trẻ khác. Thậm chí, khi bị chị Đào bắt tại trận, người chồng ấy vẫn không sửa đổi, dù vợ đang mang bầu đứa con thứ hai. Do không chịu nổi cảnh bạo hành, cùng sự lăng nhăng của chồng, sau khi sinh con một thời gian, chị Đào quyết định ly hôn, mang hai con về nhà mẹ đẻ tá túc.
Đến khi ra tòa, theo phán quyết, con đầu theo bố, con gái út còn nhỏ nên theo mẹ. “Trước phán quyết đó, chúng tôi nhất quyết không đồng ý. Vì con rể cũ suốt ngày rượu chè, lại có người khác thì làm sao chăm sóc cháu được. Gia đình tôi đã kháng cáo xin nuôi 2 cháu, vẫn không được chấp thuận. Sau đó Đào gửi con cho tôi để đi nước ngoài kiếm tiền”, bà Sen hồi ức.
Tính đến khi gặp nạn, chị Đào mới làm việc chừng 2 năm, số tiền gom góp được chưa nhiều. “Các cháu còn nhỏ, đã phải chịu cảnh gia đình ly tán, nay lại mất mẹ, tương lai các cháu của tôi sẽ như thế nào đây…”, bà Sen rưng rưng khi nhắc đến những đứa cháu.
“Cuộc sống ở quê vất vả, làm ruộng không đủ ăn nên con gái tôi mới đánh liều sang nước ngoài. Nó chỉ mong có công việc ổn định để kiếm tiền nuôi con, ấy thế mà tên cướp độc ác không những cướp tiền còn giết người. Tôi nghe nói đến thời điểm hiện tại hung thủ vẫn chưa bị bắt”.
Gần 70 tuổi, bà Sen ngày càng già yếu, chẳng biết còn sống được bao lâu. Nhưng đứng trước linh cữu con, người mẹ ấy vẫn quyết sẽ chăm sóc và nuôi các cháu nên người. “Con tôi sống cuộc đời đau khổ, đến khi chết đi, chồng cũ dù ở gần nhưng cũng không về thắp nén nhang. Giờ hoàn cảnh như vậy, vợ chồng tôi phải gắng gượng để chăm sóc các cháu nên người”, bà Sen nghẹn ngào.
Thông tin về trường hợp chị Nguyễn Thị Đào, ông Nguyễn Thái Tứ, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho hay chính quyền chỉ biết chị Đào đi làm ăn tại Angola rồi tử vong chứ chưa được thông báo nguyên nhân. Địa phương đã cử cán bộ xuống hỗ trợ gia đình tổ chức tang lễ.
Về phần gia đình bà Sen thuộc diện khó khăn, chồng nhiễm chất độc màu da cam, mới đây lại bị tai biến nặng, nay chủ yếu ngồi một chỗ, không làm được việc nặng. Gia cảnh khó khăn, thêm việc chăm sóc cháu nhỏ nên rất vất vả, gia đình này rất cần sự sẻ chia của cộng đồng.