Tòa bảo tháp từng phát quang và tự quay
Có nhiều nét tương đồng với bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa tại chùa Động Ngọ, tháp cửu phẩm nơi chùa Giám (làng An Trang, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng là cổ vật mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Chùa Giám được xây dựng cách đây hơn 700 năm, là nơi đại danh y Tuệ Tĩnh đã từng sống và tu thiền, bốc thuốc cứu người. Bởi vậy, ngôi chùa này ngoài thờ Phật thì còn thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Có cấu trúc đồ sộ hơn tháp cửu phẩm ở chùa Động Ngọ, tòa cửu phẩm nơi đây cao khoảng 8m, hình lục giác đều, mỗi cạnh dài khoảng 1,2m, trụ quay là một cây gỗ lớn. Chân tháp là cối quay bằng vòng bi được thay mới vào khoảng năm 1956. Từ cột trụ chính dóng ra những đòn ngang có tay đỡ ván. Trên các tòa sen và mặt ván ốp thân được chạm khắc vân xoắn, sóng nước... rất tinh xảo.
Cửu phẩm Liên Hoa chùa Giám |
Mỗi tầng có 18 pho tượng Phật, trong đó tượng Phật A di đà ngồi thiền ở giữa còn hai tượng Phật Quan âm đứng hai bên. Tầng trên cùng là một pho tượng Phật A Di Đà lớn chạm trần nhà và được giữ cố định, mang ý nghĩa cho sự tĩnh lặng.
6 góc giữa các tầng đều được làm cột đỡ hình cây trúc. Mỗi tầng của bảo tháp chạm 5 lớp cánh hoa sen, khoảng cách giữa các tầng chừng 20cm. Do đó, khi đứng dưới ngước lên nhìn tháp cửu phẩm quay có cảm giác như tầng tầng lớp lớp hoa sen nở ra liên tục. Theo số liệu ghi chép của làng, tháp cửu phẩm này nặng hơn 4 tấn, phải có ít nhất hai người mới quay được. 144 bức tượng Phật nguyên bản làm bằng gỗ do những người thợ tài hoa nhất vùng chạm trổ tinh xảo tới từng chi tiết, nhưng đã bị lấy cắp gần hết vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Tổ đình Nghiêm Quang tự |
Hiện tại, 144 pho tượng trên tháp cửu phẩm hiện nay làm bằng gốm do các phật tử ở TP Hải Phòng cung tiến. 5 pho tượng nguyên bản nhà chùa phải cất đi, chỉ đem ra trưng bày vào những tuần tiết quan trọng. Tại nhà phẩm nơi đặt tháp Liên hoa có kiến trúc theo kiểu chồng diêm 3 tầng mái, tầng 2 và 3 của tòa nhà thu nhỏ dần.
Chóp trên mái nhà trước đây được đắp hình hoa sen, nhưng được sửa thành hình tượng hoa sen đỡ quả hồ lô. Riêng tầng 2 của nhà phẩm có cửa sổ ở 4 mặt, khi mở ra ánh sáng chan hòa khiến cho tháp Cửu phẩm Liên Hoa ở giữa tòa nhà sáng rực. Người dân nơi đây vẫn thường truyền tai nhau về câu chuyện nhuốm màu huyền bí về tháp Cửu phẩm Liên Hoa này sẽ phát ra những tia hào quang rực rỡ khi quay.
Biểu tượng toàn bích
Theo Thạc sĩ (TS) Trang Thanh Hiền, trong từ điển Phật học Hán Việt, Cửu Phẩm trong kinh sách Phật giáo có nhiều loại khác nhau. Cửu Phẩm Liên Hoa có nghĩa là 9 tầng hoa sen hay còn được gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, Cửu Phẩm Tịnh Sát, hoặc Cửu phẩm An Dưỡng. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những phẩm bậc tu hành của Phật giáo Tịnh Độ Tông. Do đó, nó còn có một tên khác nữa là Cửu Phẩm Tịnh Độ, có nghĩa là chỉ 9 phẩm khác nhau của cõi Tịnh Độ.
Am thờ đại danh y Tuệ Tĩnh |
Điều này thuộc về Tây Phương Cực lạc mà Phật A Di Đà là giáo chủ. Đường tu đạt đến chính quả của Tịnh Độ gồm 9 phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen và được phân thành các phẩm thượng, trung, hạ. Mỗi đài sen ở các phẩm này chứng cho mỗi kiếp đời khác nhau ứng với những công quả vãng sinh khác nhau. Những đài sen càng cao bông sen nở ra thì phẩm trật của nó càng cao, càng thanh khiết, càng gần với tâm cốt lõi của Phật tính.
Cửu phẩm Liên Hoa chính là một biểu tượng toàn bích của thế giới Phật giáo, là sự liên kết của rất nhiều giá trị biểu tượng khác nhau như: biểu tượng tinh khiết vi diệu của hoa sen; sự toàn bích của con số 9; sự vận động và tái vận động liên tục của thể thức trục quay, bánh xe pháp luân hay sự tương đồng với biểu đồ Mandala. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất của hình tượng này chính là sự khuyến dụ con người tự mình phải luôn luôn tự vận động vượt lên chính mình, làm điều thiện bỏ điều ác - mục đích của mọi tôn giáo.
Không gian thiền tự trầm mặc, uy nghiêm |
Ngoài các yếu tố học thuật, đối với đời sống dân dã, các tháp này có công năng chủ yếu là dùng để vãng sinh Tịnh Độ cho dân gian thoát khỏi bể khổ trầm luân với những phương thức thực hành đơn giản. Trong tâm tưởng nhân dân, tháp quay Cửu Phẩm có hình thức như một cái cối xay, chỉ có điều khác biệt là nó không trực tiếp tạo ra cơm gạo. Nhưng nó giúp con người khi tụng kinh có thể nhân lời tụng niệm đó lên đến 3.542.400 lần, tức là giúp con người tìm thấy sự giải thoát trong tinh thần nhanh hơn.
Sự xuất hiện của Cửu phẩm Liên Hoa ở các thế kỷ này cũng góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc tổng thể của ngôi chùa, tạo nên những nhịp điệu sinh động của thế mái lô xô. Kiểu thức nhà chồng diêm 3 tầng, mỗi tầng 4 mái, và hình thức nội tiếp của tòa phẩm được thiết kế thông 3 tầng đã tạo nên một dạng thức kiến trúc đặc biệt trong kiến trúc cổ Việt Nam. Nó có thể đã chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật kiến trúc Trung Quốc, nhưng hình thức 9 tầng hoa sen lại rất độc đáo, mà các tháp Phi thiên tạng, chuyển luân tạng ở Trung Quốc không có.
(Đón đọc: Cửu phẩm Liên Hoa- đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Việt Nam)