Tháp Phổ Minh – uy nghi hào khí Đông A

(PLVN) - Nằm phía tây bắc thành phố Nam Định, chùa Phổ Minh với ngọn tháp Phổ Minh cổ kính uy nghi, trầm mặc giữa màu xanh ngút ngàn của đồi cây cổ thụ và những cánh đồng lúa bát ngát. Đây là một trong những dấu tích còn lại của một thời Hào khí Đông A lừng lẫy của nhà Trần…
Tháp Phổ Minh – uy nghi hào khí Đông A

Chùa Phổ Minh gắn với hào khí nhà Trần nhưng thực tế đây là một ngôi cổ tự có từ thời nhà Lý, tọa lạc ở làng Tức Mạc, xã Lộc Vượng, phủ Thiên Trường (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Đến thời nhà Trần chùa được trùng tu xây dựng to đẹp hơn. Chùa nằm trong khu vực Hành Cung Thiên Trường của phủ Thiên Trường xưa - nơi các Thái Thượng Hoàng nhà Trần thường lui về sau khi đã nhường ngôi. 

Cụm kiến trúc chính của chùa Phổ Minh bao gồm 9 gian tiền đường gắn với thiêu hương 3 gian, thượng điện 3 gian. Qua khoảng sân hẹp lát gạch cổ là dãy ngang 11 gian kết hợp với hành lang mỗi bên 11 gian tạo thành quần thể “nội Công ngoại Quốc” uy nghi.

Tháp Phổ Minh - dấu tích hào khí Đông A lừng lẫy thời Trần
 Tháp Phổ Minh - dấu tích hào khí Đông A lừng lẫy thời Trần 

Chùa Phổ Minh mở đầu kiến trúc Phật giáo thời Trần. Các công trình kiến trúc và chạm khắc đến giờ vẫn còn giữ được những dấu ấn của thời Trần, thời Mạc như: bộ cánh cửa bằng gỗ lim (mỗi tấm cao 1,92m, rộng 0,79m) ở nhà bái đường; tháp Phổ Minh xây bằng gạch nhưng vững như bàn thạch; đôi sấu ở tam quan; rồng ở thành bậc tiền đường; tháp và tượng Bà chúa Mạc v.v... 

Chùa Phổ Minh còn có tên gọi khác là chùa Tháp. Sở dĩ gọi tên chùa Tháp bởi trong chùa có tháp Phổ Minh – một công trình kiến trúc lâu đời còn giữ được tương đối toàn vẹn. Tháp Phổ Minh được xây dựng từ thế kỉ 13, theo tính toán của các nhà khoa học, tháp nặng tới 700 tấn, tồn tại hơn 7 thế kỷ qua chiến tranh, thiên tai nhưng vẫn vững vàng, kiên cường như khí phách của dân tộc.

Con đường đẹp và thanh bình dẫn vào chùa
Con đường đẹp và thanh bình dẫn vào chùa 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Anh Tông, năm 1308, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong - Yên Tử (Quảng Ninh). Sau đó ít lâu, con trai ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên. 

Tháp Phổ Minh có hình vuông, gồm 14 tầng, cao gần 20 mét, mặt quay hướng Nam, mặt bằng được bố cục vuông, cạnh đáy của đế dài 5,21m, cửa các tầng ở 4 phía được trổ theo lối cuốn tò vò. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi chiều dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng – Long thập tam niên” (1305) và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Sau đó, một thương nhân đã công đức tu bổ lại các mặt tháp. Dạng kiến trúc của tháp là dạng trung gian giữa loại tháp hoa sen (phần trên) và tháp tu-di-tọa (phần đế).

Tháp nằm ngay trước cửa Tam Bảo chùa Phổ Minh, giữa đồi cây xanh ngút ngàn. Dưới chân tháp hiện nay vẫn còn có những dấu mốc bằng đá. Truyền rằng xưa kia sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng rất lớn được xếp vào An Nam Tứ đại khí (gồm tháp Báo Thiên, tượng phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền). Những dấu mốc bằng đá này chính là dấu còn sót của những chân đỡ của chiếc vạc Phổ Minh nổi tiếng. Đáng tiếc, vạc Phổ Minh đã không còn đến ngày nay; vào thời kỳ quân Minh xâm lược, chúng đã phá cả tứ đại khí của nước ta với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta.

Chùa Phổ Minh cũng từng là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia. Nói về Trần Nhân Tông, đây không chỉ là một vị vua hiền có công trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2 và 3 mà còn là vị tổ đã sáng lập ra một dòng Thiền của riêng Việt Nam, đó là thiền phái Trúc Lâm. Phái Trúc Lâm truyền được 3 đời tổ. Trần Nhân Tông truyền cho ngài Pháp Loa, Pháp Loa truyền cho Huyền Quang. Sau đó, nhà Trần suy yếu và bị mất thiên hạ vào tay họ Hồ.

Trong chùa Phổ Minh hiện có thờ Trúc Lâm Tam Tổ ở hậu điện. Chính giữa là tượng Trần Nhân Tông viên tịch theo kiểu nằm giống như hình Thích Ca nhập diệt ta thường thấy trong các chùa. Bên phải là tổ Pháp Loa, bên trái là tượng Huyền Quang. Bức tượng Trần Nhân Tông nhập diệt được đánh giá là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng.

Chùa Phổ Minh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt.

Cùng với khu di tích Đền Trần (Nam Định), di tích chùa Phổ Minh đã và đang góp phần lưu truyền và làm sống dậy truyền thống hào khí Đông A, mãi mãi là niềm tự hào của con dân nước Việt và người dân Thành Nam nói riêng.

Đọc thêm