Tháp Pô Klong Garai – Nơi thờ vị vua Rồng của người Chăm

(PLVN) - Tháp Pô Klong Garai là một địa danh nổi tiếng của Ninh Thuận. Tính về thời gian xây dựng, đến nay, tháp đã có tuổi đời hơn 700 năm. Tháp không quá cao lớn, đồ sộ, nhưng lại thu hút và lưu lại trong trí nhớ nhiều người bởi kiến trúc, kỹ thuật, màu sắc đặc biệt, cũng như huyền thoại mang trong nó. Đó là câu chuyện về vị vua Rồng còn lưu truyền đến hôm nay.


Tháp Pô Klong Garai – Nơi thờ vị vua Rồng của người Chăm

Kỹ thuật xây tháp còn nhiều bí ẩn

Chúng ta biết đến Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng gió, có bờ biển đẹp. Màu xanh của biển Ninh Thuận hòa cùng màu cát trắng trải dài khiến nhiều người thích thú. Có lẽ do cái nắng gắt ở đây mà chúng ta như thấy biển Ninh Thuận xanh hơn, cát Ninh Thuận trắng hơn so với các vùng miền khác trên đất nước ta.

Chúng ta còn biết đến Ninh Thuận với những đặc sản như nho, dê, cừu, tỏi... Và hơn hết, khi nhắc đến Ninh Thuận là người ta liền nhớ ngay đến những điệu múa Chăm huyền ảo, những tháp Chăm độc đáo khó rời mắt. Tôi có mặt ở tháp Pô Klong Garai vào một ngày mùa thu. Đứng ở cổng di tích nhìn hướng mắt lên, tưởng đâu mình đang lạc vào xứ sở kỳ diệu, bởi màu đỏ cổ kính, bởi kiểu dáng của cụm tháp.

Cái nắng gắt không cản được nhiều du khách như tôi, mà ngược lại, ánh nắng đó càng làm cho màu tháp trở nên đẹp hơn. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 thời vua Chế Mân để thờ vua Pô Klong Garai (1151-1205), nằm trên Đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc. Đứng trên đồi tháp này, du khách có thể quan sát được nhiều ngôi làng Chăm cũng như thấy được một phần thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Một phần tháp Pô Klong Garai
 Một phần tháp Pô Klong Garai 

Trong cuốn “Tháp Chăm: Sự thật và Huyền thoại” (Nxb VH TT, Hà Nội) của Ngô Văn Doanh, di tích tháp Pô Klong Garai bao gồm 3 ngôi tháp (tháp Chính, tháp Cổng, tháp Lửa) và một ngôi đền thờ nhỏ. Tất cả tháp đều xây bằng gạch có 3 tầng kiểu giật cấp. Tháp chính cao 20,5m, có 3 cửa giả và một cửa chính phía đông. Trong tháp chính thờ vị vua Pô Klong Garai bằng tượng đá, kiểu Mukalinga. Bên trong tháp chính còn có tượng bò Nandin bằng đá.

Trên cửa chính của tháp thờ thần Siva có 8 cánh tay, 2 tay chắp lên đầu cầu nguyện, 6 tay còn lại cầm các vật như dao găm, chĩa ba, bông sen, chén dầu dừa… Những vật cầm này  tượng trưng cho thiện và ác, biểu hiện lưỡng tính của Siva (thần Huỷ diệt và thần Sáng tạo). Tháp cổng cao 8,56m. Đằng sau tháp chính có một đền nhỏ thờ Hoàng Hậu Bia Nai Kon tương truyền là vợ của Pô Klong Garai. Ở phía Nam còn có tháp Lửa cao 9,31m, nơi hàng năm người Chăm cúng tế thần lửa. Ngoài ra, di tích này còn có nhiều bia ký ghi lại năm tháng xây dựng đền, chiến tranh và hòa bình ở vùng đất Ninh Thuận dưới thời vua Pô Klong Garai.

Về kỹ thuật xây tháp, theo ban quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận, đến nay, cũng như bao tháp Chăm khác, kỹ thuật xây tháp Chăm như thế nào vẫn còn nhiều bí ẩn, có nhiều giả thuyết khác nhau về chất kết dính gạch tháp Chăm: Phương pháp dùng dầu rái (chiết xuất từ cây dầu rái) làm chất kết dính? Dùng gạch mộc có pha phụ gia xây lên rồi nung tạo thành chất kết dính? Kỹ thuật mài chập hai viên gạch lại tạo chất kết dính với nhau? Mặc dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng con người chưa khám phá bí ẩn để trả lời về những câu hỏi liên quan đến tháp Chăm một cách chính xác.

Lối kiến trúc, kỹ thuật xây tháp Pô Klong Garai, chắc có lẽ đều gây tò mò, cũng như muốn khám phá trong mỗi chúng ta. Những người kiến trúc xưa, không biết bằng cách nào mà tạo nên được những ngôi tháp đẹp, lắt léo, tỉ mỉ về kiến trúc như vậy. Và chúng ta, chắc chắn phải trầm trồ về những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên một kiến trúc vượt thời gian cho hậu thế được chiêm bái, ngưỡng vọng.

Truyền thuyết về vị vua Rồng

Lối kiến trúc của tháp Pô Klong Garai được nhà nghệ thuật học nổi tiếng người Pháp Philippe Stern xếp vào “phong cách muộn”, tên này được đặt theo thời gian, để nói về những tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17. Dù xếp theo phong cách nào, tháp Pô Klong Garai cũng mang đậm dấu ấn của kiến trúc Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo được coi là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, gồm bộ kinh sách Vệ Đà.

Tháp Pô Klong Garai có tên gọi như vậy là vì thờ vị vua Rồng Pô Klong Garai. Chuyện kể rằng, xưa kia ở Plei Chakling, tức là Mỹ Nghiệp (được dịch: Plie tiếng Việt là “làng”, Chakling là “Mỹ Nghiệp”), Ninh Thuận, có hai vợ chồng Muk Chakling và Ong Paxa, sống với nhau lâu nhưng không có con. Trong một lần đi rẫy gần đập nước, có tài liệu nói là đi ra biển, ông bà thấy một vật trôi trên nước, đi lại thì thấy một bé gái nằm trong vật trôi đó. Sau đó, họ mang về nuôi và nhận là con, đặt tên là Karit. Karit lớn lên xinh đẹp, nết na, được nhiều người ca ngợi.

Trong một lần cùng bố vào rừng đốn củi đúng hôm trời nắng nóng nên việc tìm kiếm nước uống rất khó khăn. Bỗng nhiên, Karit thấy ở trũng của một tảng đá có nước trong mát nên lại uống, sau đó cô gọi Ong Paxa lại. Nhưng khi người bố đến, thì nước không còn. Sau khi về nhà không lâu, Karit thấy khó chịu trong người, khi được thầy thuốc khám, mới biết là có thai.

Lối kiến trúc của tháp Pô Klong Garai mang đậm phong cách Ấn Độ giáo
Lối kiến trúc của tháp Pô Klong Garai mang đậm phong cách Ấn Độ giáo

Karid đau khổ, vì khi đó luật tục phụ nữ không chồng mà chửa bị đem ra đàm tiếu. Nhưng cô vẫn cam chịu và sinh được bé trai. Nhưng đáng buồn thay, đứa bé lại ghẻ lở và xấu xí. Lời đàm tiếu lại càng nặng nề hơn, nên Karit bỏ nhà ra đi. Có người nói, cô đã gieo mình xuống sông. Đứa bé được ông bà nuôi dưỡng và đặt tên là Po Ong, có tài liệu gọi là Jatol.

Mặc dù xấu xí nhưng Jatol lớn lên khỏe mạnh. Khoảng 10 tuổi, cậu đi chăm bò thuê. Trong lần mải chơi để lạc mất bò, cậu trèo lên một cây cao và phát hiện thấy bò đang lạc trong vườn nhà một gia đình giàu có. Cậu trèo xuống, thì cây kia phát ánh sáng chói và biến thành con rồng nhìn cậu. Nhưng cậu thì đang bận nghĩ cách đi xin lại con bò, nên nỗi sợ mất đi.

Chủ nhà cho cậu xin lại bò, và phát hiện ra tướng lạ nên hứa sẽ gả con gái cho, mặc cô con gái không thích. Sau này, Jatol cùng cậu bạn là Po Klong Chanh đi buôn trầu; một hôm trời nắng nóng, Jatol mệt nên nằm ngủ ở tảng đá mát, còn cậu bạn đi tìm nước; lúc trở lại, Po Klong Chanh thấy bạn mình đang được hai con Bạch Long (rồng trắng) từ trời bay xuống, liếm vào mặt. Khi Jatol tỉnh dậy, cậu trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Việc này được lan truyền ra khắp nơi. Jotol lấy cô gái xinh đẹp con của ông trả lại bò trước đây, đã hứa với mình.

Trong thời gian này, năm 1167, vua Xulika băng hà, nội bộ lục đục. Con voi trắng của vua Xulika phá chuồng, trở nên hung dữ, chạy đến tìm Jatol. Đây được coi là sự lạ, cùng với việc Jatol được rồng liếm mặt, nên nhân dân đã tôn thờ cậu lên làm vua, xưng hiệu là Pô Klong Garai, đóng đô ở Bal Hagâu. Pô Klong Garai được coi là vị vua tài giỏi, giúp dân cứu nước. Sau khi lo cho nhân dân no ấm, ông đã hóa thân về trời, và được nhân dân thờ phụng cho đến ngày nay.

 

Đọc thêm