Thắp sáng niềm tin ở Nakhon Phanom

(PLO) - Bác Hồ hoạt động ở Xiêm - ngày nay là Thái Lan - trong một thời gian chừng 16, 17 tháng, từ tháng 7- 1928 đến cuối năm 1929. Dấu chân Người đã in trên nhiều vùng đất của xứ sở này, từ Bản Đông, thuộc huyện Phi Chít, tỉnh Phítxanulốc miền Trung đến Udon thuộc đông bắc nước Xiêm, một vùng có đông Việt kiều sinh sống, lại tiện đường liên lạc với Noọng khai, Xacôn, Nakhôn, Thạt Phanôm...; Udon được coi là trung tâm cuộc vận động Việt kiều ở Xiêm.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Bản Đông (Ảnh: Zing.vn)
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Bản Đông (Ảnh: Zing.vn)

Ngày mới về Bản Đông, trong buổi họp đầu tiên với kiều bào, Người tự giới thiệu là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn. Cụ Đặng Quỳnh Anh, cô ruột của Giáo sư Đặng Thái Mai, là một trong những người được dự cuộc họp đầu tiên ấy, có kể lại rằng, khi mới đến Xiêm, Bác Hồ ở trong một khách sạn và cho người liên lạc với cụ Võ Tùng (chồng cụ Quỳnh Anh). Bấy giờ, cả hai cụ và đông đảo Việt kiều đang làm việc ngoài đồng. Nhận được giấy, cụ Tùng nói với vợ: “Nhà cứ làm, tôi đi có tí việc”.

Mãi tối cụ Tùng mới về, cùng đi là một người lạ mặt, có tên là Thầu Chín. Ông Chín ăn cơm và nghỉ tại nhà cụ Quỳnh Anh. Ngay tối đó bà con ăn uống xong thì được triệu tập đi họp. Trước đây, họp là để bàn công việc hoặc để học văn hóa. Lần này có Thầu Chín dự, cụ Tùng giới thiệu rằng, Thầu Chín là bạn của cụ, cha người Tàu, mẹ người Việt Nam. Cha mẹ Thầu Chín làm nghề buôn bán ở Xây Miềng Mỉa. Võ Tùng và Thầu Chín quen nhau hồi ở Trung Quốc. Nay Thầu Chín có việc qua đây, tới thăm mọi người. Mọi người im lặng ngồi nghe Thầu Chín nói chuyện. Thầu Chín tay cầm phấn vẽ lên bảng giới thiệu Đệ Tam, Đệ Nhị Quốc tế cộng sản, nói chuyện về tình hình thế giới, tình hình trong nước.

Nghe Thầu Chín nói xong, nhiều người, nhất là thanh niên, đều bàn tán. Họ cho rằng, Thầu Chín không phải con một nhà buôn mà nhất định là ông thầy cách mạng. Cụ Quỳnh Anh cũng nói:

- Ở đây thì tôi không biết, nhưng nếu gặp trong nước, tôi dám chắc ông này là con cụ phó bảng Sắc, vì lúc ở nhà tôi có gặp một người con cụ phó Bảng rất giống ông này...

Điều cụ Quỳnh Anh nói đã đến tai Thầu Chín. Có người đến hỏi cụ, cụ nói:

- Tôi không biết ông Nguyễn Ái Quốc là ai cả, nhưng tôi có gặp bà Thanh và ông cả Khiêm, tôi thấy họ giống ông Chín lắm.

Ngay hôm sau, Thầu Chín nhanh chóng hòa mình với kiều bào, cũng đi chân đất, cũng quần áo nâu sòng và suốt thời gian ở Thái Lan, Người làm đủ các thứ việc như mọi người, làm vườn, trồng cây, đào giếng, gánh gạch xây tường, làm thuốc, lấy củi, đi cày, đi câu... Trong khi đó, Người còn lo công tác chấn chỉnh xây dựng tổ chức, dành khá nhiều thời gian để dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ Việt Nam hoạt động ở Xiêm. Người đã dịch hai cuốn “Nhân loại tiến hóa sử” và “Cộng sản A.B.C” Từ địa phương này đến địa phương khác, có khi Người đi bộ ròng rã 15 ngày, thường đi theo đường rừng, vừa để bảo đảm bí mật, vừa để tìm hiểu thực tế tình hình kiều bào. Cũng như những người cùng đi, Người đeo bên mình một con dao, một ống đựng sườn băm rang muối mặn, vai gánh đôi thùng có nắp đậy, trong đựng quần áo, ít gạo muối, tài liệu, vài thứ đồ dùng cần thiết. Xưa nay không quen gồng gánh, cũng không quen đi bộ đường dài, cho nên hai bàn chân Người lúc đầu phồng rộp cả lên, rớm máu. Vậy mà Người vẫn thản nhiên nói: “Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên” (không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền).

Các cụ Lê Mạnh Trinh, Đặng Ngọc Cáp... ngày ấy là những thanh niên khỏe mạnh, hoạt động ở Xiêm, giúp việc Thầu Chín, đã kể lại nhiều mẩu chuyện thú vị về Người. Ngày Bác Hồ đến Xiêm, Việt kiều ta có vài vạn người. Họ sang từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tập trung ở ba khu vực: các tỉnh vùng Đông Bắc, Sám Xến (Băng Cốc), tỉnh Chantaburi giáp Campuchia. Một số nhà yêu nước từng hoạt động trong các phong trào chống thực dân Pháp như: Ngô Quảng, Thần Sơn, Đặng Tử Kính, Đặng Thúc Hứa, cả cụ Phan Bội Châu nữa..., vì gặp khó khăn trong nước đã lánh nạn sang Xiêm, chờ thời cơ trở về nước hoạt động, chỉ chủ trương “chiêu binh mãi mã”, để về đánh Pháp, không có đường lối chính trị rõ ràng, coi đất Xiêm chỉ là nơi tạm bợ, trú chân. Phần lớn Việt kiều bỏ nước ra đi chủ yếu vì nghèo khổ, một số vì lý do chính trị hoặc tôn giáo đều là những người lao động, có tinh thần yêu nước, đều chịu khó chịu khổ, cần cù lao động. Từ sau khi có tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, Việt kiều ta đã có sự tổ chức và lãnh đạo rõ nét, được hoạt động trong hội ái hữu có tờ báo riêng là “Đồng Thanh”, sau được Bác đổi thành báo “Thân ái”. Trong hơn một năm ở Xiêm, Bác Hồ đã tạo giúp phương hướng vững chắc cho phong trào yêu nước của Việt kiều.

Như đã nói, Bác Hồ đã ra sức hoạt động tuyên truyền. Thường tối nào Người cũng tổ chức nói chuyện và bao giờ cũng chật ních người nghe. Thầu Chín nói chuyện vừa hấp dẫn vừa thiết thực, vừa kết hợp chuyện làm ăn vừa đề cập những vấn đề chính trị trọng đại. Ai cũng yêu mến, tôn kính Người, đều gọi Người là Thầu Chín (nghĩa là ông già Chín), mặc dù Người mới 38, 39 tuổi. Họ thổ lộ cả những tâm tư thầm kín với Người và xin Người cho ý kiến khuyên bảo. Bấy giờ, là đại diện của Quốc tế Cộng sản, Người có tiêu chuẩn để làm việc và sinh hoạt, nhưng - như đã nói - Người hòa vào cuộc sống với mọi người, rất khiêm tốn, giản dị, chịu đựng mọi vất vả, gian nan. Bữa cơm nhiều khi chỉ có rau sam hoặc rau lang chấm muối, thậm chí chỉ có muối. Biết Người hay hút thuốc lá, mỗi khi đi chợ về, đồng bào đã mua biếu Người một vài bao “Con chim xanh” hoặc “Con voi vàng”... Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, có lúc nghỉ chân, vui chuyện, Bác Hồ đã kể cho những người giúp việc thân cận nhất về thời gian ở Xiêm. Người kể: mỗi khi bị đói, Bác thường tới các ngôi chùa kiếm xôi ăn. Các vị sư ở đây ngày ngày được dân dâng thức ăn rất hậu. Ăn không hết, các vị ấy nắm lại để trên mâm ở cổng chùa, ai đói thì đến lấy mà ăn, người ăn không hết thì chim ăn...

Những ngày tháng ở Xiêm của Bác còn lưu nhiều kỷ niệm, mặc dù thời gian đã lui lại ngót chín chục năm trời. Một số người có dịp sang thăm Việt kiều ta ở Thái Lan, viết bài về vườn lưu niệm Bác Hồ ở Bản Mạy, về ngôi trường Bác dựng ở Sacon, về cây me Bác trồng năm 1929 ở Noỏng Ốn, về vườn cây ăn quả cách thành phố Uđôn 12 cây số mà Bác đã trồng nhiều loại cây, loại rau, cả những cây xoài, những lũy tre...

Nhưng có một chuyện ít người biết tới. Đó là việc Bác Hồ đặt tên cho bốn thành viên trong một gia đình Việt kiều ở Nakhon Phanom, miền đông bắc Thái Lan. Bốn cái tên, nghe như một niềm tin được thắp sáng trong lòng dân Việt kiều: Cách Mệnh Thành Công. Toàn bộ hoạt động của Người và các đồng chí của Người đều hướng tới mục đích ấy: Cách Mệnh Thành Công!

Chuyện kể rằng: thời gian ở Nakhon Phanom, Bác Hồ đã đến ở nhà ông Hoe Lợi đóng vai phụ việc bán thuốc bắc cho gia đình ông. “Người lấy tên là Lang Tín (Thầu Chín). Sau này, cụ Hoe Lợi kể: “Thầu Chín rất nhã nhặn, chăm lo công việc, được mọi người trong gia đình yêu quý”.

Cụ Hoe Lợi có bốn người con - ba người đầu tên thật đều mang tên một thứ thuốc: Sâm, Nhung, Quế; người sau cùng tên là Công. Thầu Chín bàn và xin phép đặt tên cho người con cả Bằng Sâm tên mới là Cách; người thứ hai (chị Nhung) là Mệnh; người thứ ba (anh Quế) là Thành và người thứ tư (Công) vẫn giữ là Công.

Ông Cách (Bằng Sâm) đã tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành nhà báo, sau cùng gia đình về Hải Phòng (1960) và mất năm 1979.

Bà Mệnh (Nhung) ở lại Thái Lan, buôn bán, là một trong những cơ sở của cách mạng, như bố mẹ trước đây từng nuôi dưỡng cán bộ từ trong nước sang.

Ông Thành (Quế) hy sinh trong trận đánh Pháp ở Tha Khịt (Lào) năm 1945.

Ông Công hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ở Báttambang (Campuchia) năm 1946.

Như vậy cả bốn người đều đã làm việc và chiến đấu cho cách mạng. Trước khi hy sinh hoặc qua đời, họ đã nhìn thấy nước nhà độc lập, cách mạng do Bác Hồ lãnh đạo đã thành công.

Tôi đã có dịp đến Bảo tàng Quân đội thăm và trò chuyện với một người thuộc thế hệ thứ ba của gia đình cu Hoe Lợi, đó là Đại tá Bằng Lâm, một họa sĩ, một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trong câu chuyện bạn bè, tôi nói với anh Lâm rằng tôi rất vui là ông cụ thân sinh ra anh (Bằng Sâm), cô anh và hai chú anh đã được Bác Hồ đặt tên. Anh nói:

- Vâng, cảm ơn anh. Đó là một vinh dự lớn của gia đình chúng tôi.

Tôi hỏi:

- Ngày Bác Hồ đặt tên, Người là ông lang, là Thầu Chín, chưa ai biết Bác là ai, vậy lúc đó đã thấy vinh dự chưa hay mãi sau này, khi Người trở thành Chủ tịch nước?...

- Vinh dự từ hồi ấy anh ạ. Bởi vì ông bà nội tôi là cơ sở cách mạng, đã biết Người là đại diện Quốc tế Cộng sản, lúc đó đang viết cuốn “Đường Kách mệnh”, ngày đêm tuyên truyền động viên nhằm thống nhất lực lượng với lòng tin sắt đá “Cách mệnh thành công”. Người đã nói với ông nội tôi:

- Cách mạng nước ta còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng nhất định thành công!

Câu chuyện của tôi và họa sĩ Bằng Lâm càng trở nên thân mật, cởi mở, vì chúng tôi có chung một người thân thiết với gia đình mình từng hoạt động rất nhiều năm ở Thái Lan là cụ Lê Mạnh Trinh. Cụ Trinh ngày ấy là cán bộ của Đảng ở Thái, từng giúp việc Bác Hồ, kết nghĩa anh em với cụ Hoe Lợi là ông nội anh Lâm, cụ cũng là bạn học và bạn chiến đấu của ông nội tôi - cụ Trần Kim Diệm - trước khi cụ Trinh ra nước ngoài hoạt động. Sau này, về nước, cụ là Phó giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Anh Lâm cho biết, sinh thời, cụ Trinh vẫn thường xuống Hải Phòng thăm gia đình anh.

Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, tôi được biết thêm: Bằng Lâm sinh năm 1944 tại Nakhon Phanom, từng học ở Bamrung Vítthađa, rồi Padamha Ralalay ở Thái Lan. Năm 1960, anh theo gia đình về Hải Phòng, học ở trường Ngô Quyền, trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, vào bộ đội (Sư đoàn 308), rồi tiếp tục theo học và tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Anh công tác một thời gian dài ở Bảo tàng quân đội.

Bà nội anh, khi còn sống, kể với anh: năm 1945, cả nhà đọc báo, nhìn thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều rất vui mừng nhận ra Người chính là Thầu Chín, từng ở nhà mình và gieo vào lòng mọi người bằng 4 cái tên do Người đặt: Cách Mệnh Thành Công!

Ba năm sau đó, ông nội anh - cụ Hoe Lợi, tức Nguyễn Bằng Cát, đã gửi thư lên Hồ Chủ tịch. Bức thư này do Việt Nam thông tấn xã tại Băng Cốc phát về nước ngày thứ tư, 3-3-1948, theo điện văn số 21 DT8, với lời nói đầu như sau:

Việt Nam dân chủ cộng hòa

Năm thứ 4

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Lòng kính mến của kiều bào ở Thái Lan đối với Hồ chủ tịch

Để tỏ lòng kính mến đối với vị Cha Già của Dân tộc và sức tin tưởng mãnh liệt ở sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ kháng chiến do Hồ Chủ tịch lãnh đạo, vừa rồi nam nữ thanh niên Phân đoàn Thống Nhất chi hội Sakol đã nhờ Tổng ủy Việt kiều Cứu quốc và Phái đoàn Chính phủ chuyển đạt lên Hồ Chủ tịch một chiếc áo len, và cụ Nguyền Bằng Cát, tức cụ Hoe Lợi ở Nakhon gửi mừng tuổi Hồ Chủ tịch số tiền một nghìn bạt Xiêm với một bức thư lời lẽ như sau:

“Kính gửi

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa

Thưa Cụ,

Trong lúc đồng bào trong nước đang trực tiếp biết bao gian lao, giữa khủng khiếp và nguy hiểm gây nên bởi bọn thực dân Pháp tham tàn vô nhân đạo, thì chúng tôi, những người con xa Tổ quốc, lưu ly nơi đất khách quê người lại được chút yên ổn hơn.

Thưa Cụ,

Chúng tôi đã phải lìa bỏ Tổ quốc yêu thương, ôm nặng mối hờn vô tận, chịu đựng bao phen tủi nhục giày vò, với thời gian dài đằng đẵng gần bốn mươi năm.

Cho tới ngày tổng khởi nghĩa, chúng tôi, cũng như đồng bào trong nước, khác nào được loạt mưa sa, tắm rửa lại thân hình lầy lụa mùi nô lệ, trở lại thành một người dân của một nước độc lập, cộng hòa dân chủ.

Nay đã được sự tôn trọng kính nhường thay thế cho sự hắt hủi cười chê ngày trước. Thật là chúng tôi đã sống lại một cuộc đời mới, đầy hương vị hạnh phúc.

Chúng tôi luôn nhớ tới công ơn Cụ và vâng lời Cụ, là Người Cha Già đã làm cho giống nòi được tiếng thơm lừng lẫy ngày nay.

Lúc này, chúng tôi nghe đồng bào trong nước đang oanh liệt giết giặc.

Thật là một cơ hội đáng tiếc cho chúng tôi không được hưởng phần vinh dự, để tự tay mình trả lại mối thù xưa. Nhưng ở đâu, lúc nào lòng chúng tôi cũng vẫn theo nhịp với đồng bào “vì Tổ quốc, hy sinh”.

Chúng tôi đã có những đứa con kiêu hãnh về tận bên lòng Tổ quốc hiện đang chiến đấu ngay bên cạnh chúng tôi nữa.

Thưa Cụ,

Chúng tôi tuy đã già 73 tuổi, đầu bạc răng long, mắt mù chân chậm, song quyết sẽ tận tâm tận lực dâng hết mồ hôi nước mắt để rửa hờn cho đất nước, thề không chịu để cho cảnh nô lệ lầm than dày xéo trên đất nước thân mến một lần nữa.

Nhân dịp Tết đầu năm mới, chúc Cụ mạnh khỏe mãi để bền bỉ lãnh đạo toàn dân và mong cuộc kháng chiến mau đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Kính chào quyết thắng.

Nakhon (Xiêm)

Ngày 6-2-1948

Nguyễn Bằng Cát

Tức Hoe Lợi”.

Được biết lá thư trên đây cũng đã được đăng trên tờ Thân ái của Việt kiều ở Thái Lan, hiện đang lưu tại Thư viện Quốc gia.

Và cũng được biết, hàng năm, vào dịp Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mời một số Việt kiều ở Thái Lan trở về nước, trong đó có cụ bà Hoe Lợi, đến Phủ Chủ tịch để Người được gặp gỡ, cám ơn và chuyện trò, ôn lại chuyện cũ...

Đọc thêm