Thập thiện nghiệp (Kỳ 2): Từ bỏ tà dâm, tà hạnh, khẩu nghiệp

(PLVN) - Theo Phật giáo, con người cần tu tập “thập thiện nghiệp” để làm hành trang cho mình giữa thế gian cát bụi, lắm nghiệt ngã và nhiều khổ đau này. “Thập thiện nghiệp” đơn giản là mười nghiệp lành nên làm để tâm thanh thản, cuộc sống tốt đẹp hơn. Thập thiện nghiệp mà đức Phật dạy hàng ngàn năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị.  
(Hình minh họa).

Như đã nói ở kỳ trước, nghiệp lành thứ nhất Phật giáo khuyên làm là tâm nhân ái, không sát sinh muôn loài; nghiệp lành thứ hai là tâm ngay thẳng, không trộm cắp gian lận. 

Nghiệp thứ ba: Từ bỏ tà dâm, tà hạnh

Trong nhận thức của người phương Đông nói chung, sự đoan trang, hiếu hạnh là phẩm chất hàng đầu khi đánh giá một con người, nhất là nữ giới. Có được phẩm chất đó con người sẽ sống đúng mực, không tà dâm, tà hạnh; sự đoan chính như một bảo đảm cho cuộc sống của mình không thị phi, không dòm ngó, tòm tem tình yêu và hạnh phúc của người.  

Đức Phật dạy, ở đời vợ chồng đến được với nhau, đầu gối má kề, ăn đời ở kiếp cùng nhau là do nhân duyên. Vậy nên vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy với nhau. Sự chung thủy vợ chồng cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của nền đạo đức và luân lý người Việt. Tuy nhiên, xã hội phát triển cũng kéo theo nhiều hệ lụy, các giá trị truyền thống gia đình dường như lỏng lẻo và mai một ít nhiều.

Trong bộ kinh Đảnh lễ sáu phương (còn gọi là kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường bộ kinh), đức Phật có dạy: “Nếu một người đàn ông có vợ mà đi đến với một người phụ nữ khác ngoài hôn thú thì điều này có thể là nguyên nhân về sự sa sút của anh ta và chắc chắn anh ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác cùng với những phiền toái”. Đối với người phụ nữ là người vợ trong gia đình cũng tương tự như vậy.

Như vậy, đức Phật đã chỉ cho ta thấy được tác hại cùng với những rắc rối của sự không chung thủy, đồng thời không tán thán vấn đề này, điều này được thể hiện rõ qua đoạn kệ sau trong kinh Đảnh Lễ Sáu Phương: “Sát sinh và trộm cắp/ Nói láo, lấy vợ người/ Kẻ trí không tán thán/ Những hạnh nghiệp như vậy
Cũng trong kinh Đảnh lễ sáu phương, Phật dạy rằng: Vợ chồng không chỉ có yêu thương, chung thủy với nhau mà còn phải có bổn phận kính trọng, đối đãi thân thiện với gia đình nhà chồng (vợ).

Trong giáo lý nhà Phật, đức Phật dạy bổn phận của vợ đối với chồng, của chồng đối với vợ, trong đó sự thương yêu và lòng chung thủy luôn được xem trọng hàng đầu. Muốn có tình yêu thương, chung thủy thì vợ/ chồng phải không tà dâm, tà hạnh để không chỉ vun vén hạnh phúc gia đình mình mà còn không "tòm tem" phá hoại hạnh phúc và an vui của gia đình người khác.

Nghiệp thứ tư: Không dối trá

Thế gian ai cũng ưa ăn ngay nói thật. Lời nói chân thực biểu hiện đức độ, sức mạnh nội tâm, đem đến sự tin tưởng, tin cậy, tín cẩn ngọt ngào và dễ mến giữa cuộc đời này.

Những kẻ có nói không, không nói có, bóp méo sự thật, xuyên tạc lẽ phải thường đem đến nhiều nguy hại, khổ đau cho người khác. Có lời nói dối đưa đến chém giết, hận thù. Có lời nói dối làm cho người ta tán gia, bại sản. Có lời nói dối phá vỡ bình yên, hạnh phúc của người khác. Có lời nói dối chận đứng sự tiến thân, danh vọng hoặc sự nghiệp của người khác. Có lời nói dối đưa đến ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm gây mất đoàn kết khiến anh em, bạn bè từ mặt nhau...

Vậy nên nếu biết nói lời ngay thẳng, thật thà thì dẫu có là "sự thật mất lòng" thì cũng nên phải nói ra. Trên phương diện tương quan nhân quả, nghiệp lành này mang đến cho cuộc đời sự bình yên; hoặc ít ra là tạo được không khí trong lành, không bị ô nhiễm bởi những tác hại do những lời nói dối gây ra.

Nghiệp thứ năm: Không vu oan, giá họa

Lời nói dối ở mức độ tự phát, không chủ đích đôi khi đã mang đến những hậu quả ta không lường hết được. Còn nếu là vu oan giá họa cho người khác thì nguy hiểm, độc ác khôn lường. Điều này xuất phát từ tâm địa đen tối, động cơ mục đích xấu xa của người nói nhằm hại người khác. 

Phật dạy, phải biết từ bỏ vĩnh viễn lời nói vu oan, vu cáo, giá họa, đẩy người khác đến chỗ oan ức, khổ đau vì đó là ta đang gieo ác nghiệp. Phật dạy, gieo ác thì gặp ác, hại người đôi khi cũng là hại mình. Giáo lý nhà Phật nhân văn ở chỗ nó đã thể hiện quy luật của đời sống, gieo nhân nào gặt quả ấy. Pháp luật Việt Nam ngày nay thì quy định hành vi vu oan giá họa cho người khác, tùy theo mức độ và hậu quả có thể bị pháp luật xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về các tội như Làm nhục người khác, Vu khống... 

Nghiệp thứ 6: Nói lời ái ngữ, từ bỏ ác ngữ...

Lời ái ngữ ở đây là những lời nói dịu dàng, tình cảm, khiêm nhường, dễ nghe. Ca dao Việt Nam có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Tuy nhiên, không nên hiểu những lời nói dễ lọt tai đó là những lời ngọt ngào dối trá vì giá trị nhất của lời nói hay chính là sự chân thành, chân thực. 

Cùng với đó, nên từ bỏ lời nói cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc. Tuy những lời nói thuộc loại này không ác độc bằng hai cách nói trên nhưng cũng chẳng hay ho, tốt đẹp gì, đều đem đến nguy hại cả.

Lời cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc... biểu hiện thiếu văn hoá, thiếu giáo dục. Người có học thức, hiểu biết, nội tâm đã được huấn luyện, có tu tập; thường dễ dàng tránh xa những lời nói kiểu này. Đạo pháp dạy rằng: "Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất". 

Nghiệp thứ bảy: Bỏ lời nhảm nhí, phù phiếm...

Không phải chỉ xã hội ngày nay mới có những người "chém gió", "nói một tấc lên trời" mà từ thời xa xưa truyện ngụ ngôn đã có những anh chàng nói năng khoác lác, nhảm nhí. 

Từ ngàn năm trước, đức Phật đã dạy rằng nên từ bỏ những lời nhảm nhí, phù phiếm bởi những lời nói rỗng không, nhảm nhí, tục tĩu, vô ích... dẫu rằng vô hại nhưng lâu ngày thành thói quen, tích lũy thành nghiệp ác, không có lợi cho chính mình và gây khó chịu cho người khác.

Những kẻ nói năng xàm xí, bỡn cợt tưởng là vô hại, nhưng lâu ngày thành thói quen sẽ tạo cho con người nhân cách không đứng đắn, thiếu đàng hoàng. Khi mà đã định hình phóng cách như thế thì dù có của cải, địa vị thì cũng sẽ bị người khác xem thường, nhạo báng.

(Còn nữa). 

Đọc thêm