Thấy gì từ “bốn vòi nước quốc gia” của Singapore?

(PLVN) - Tại Việt Nam nguồn nước sinh hoạt được sử dụng một cách thoải mái. Nhiều người dân chưa ý thức được rằng nước cũng là một nguồn tài nguyên hạn chế có thể bị cạn kiệt. Điều này có thể học hỏi từ câu chuyện của đất nước Singapore. Từ việc từng phải mua nước sạch ở Malaysia, đến hạn chế nước sạch, thu thập từng giọt nước mưa và tái chế nước thải thành nước sạch để sử dụng.
Vòi nước quốc gia - biểu tượng của đảo quốc Sư tử.

Cả thế giới sẽ thiếu nước sạch trầm trọng

Theo dự đoán của các nhà khoa học, 3 tỷ người trên thế giới sẽ thiếu nước sạch vào năm 2025. Bởi vậy, nhiều quốc gia đã và đang ưu tiên các giải phải tìm kiếm nguồn nước sạch cũng như phương pháp tái chế và dự trữ nước sạch cho nhu cầu sử dụng của người dân hàng ngày.

Được mệnh danh là “đảo quốc sư tử”, ít ai ngờ rằng Singapore đã từng rơi vào cảnh khan hiếm nước sạch và phải nhập khẩu toàn bộ lượng nước sinh hoạt từ Malaysia. Năm 1965, Singapore tách khỏi liên bang Malaysia và có hai thỏa thuận mua nước chưa qua xử lý với nước này, một hết hạn vào năm 2019 và một hết hạn vào năm 2061.

Việc phụ thuộc về nguồn nước sạch đã khiến Singapore bị phụ thuộc một phần về mặt an ninh, chính trị, kinh tế vào Malaysia. Do vậy, các nhà cầm quyền của Singapore tin rằng, việc nước này có thể đảm bảo cung cấp nhu cầu nước sạch sinh hoạt và sản xuất hàng ngày là yêu cầu cần thiết và cấp thiết.

 

Đến nay, Singapore đã nghiên cứu, triển khai, áp dụng thành công nhiều sáng kiến, trở thành một trong những quốc gia quản lý nguồn nước hiệu quả hàng đầu thế giới. Kết luận trên đã được ghi nhận trong nghiên cứu “Chính sách Nước ở Singapore” do hai Tiến sĩ Cecilia Tortajada và Joost Buurman thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tiến hành vào năm 2018.

Theo đó, Singapore là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á đưa vấn đề nguồn cung cấp nước vào chiến lược phát triển tổng thể của nước này. “Đảo quốc sư tử” đưa ra các chính sách nhằm quản lý cả nguồn cung và nguồn cầu đối với nước, xây dựng quy hoạch dài hạn, đẩy mạnh thực hiện và kiểm soát việc thực hiện các kế hoạch, khung pháp lý, quy định tái tạo nước sạch. Các khía cạnh khác cũng được tính toán kỹ lưỡng như sử dụng nguồn lao động, chất lượng, chi phí sản xuất và quản lý nước.

Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB) ban hành Kế hoạch tổng thể về nước từ năm 1972, theo đó đưa ra một danh mục tài nguyên nước đa dạng. Có bốn nguồn cung cấp nước sạch hay còn gọi là “bốn vòi nước quốc gia” tại Singapore, bao gồm nước nhập khẩu từ Malaysia, nước mưa, nước tinh khiết lọc từ nước thải (Newater), và lọc từ nước biển.

Thu thập nước mưa một trong những sáng kiến đầu tiên để tái tạo nước. Singapore thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa. Đến nay, họ đã thành công thu thập nước mưa từ hơn 65% diện tích đất đai. Một chương trình có tên ABC Waters được khởi xướng năm 2006 giúp làm chậm dòng chảy và nâng cao chất lượng nước thông qua việc sử dụng các tính năng của nước như hồ sinh học, mương lọc sinh học và vùng đất ngập nước.

Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu làm cho các nguồn nước tự nhiên trở nên không đáng tin cậy. Singapore mở rộng phát triển các dự án tái tạo nước qua sử dụng và khử muối từ nước biển. Singapore thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất. Từ năm 2000, nước này đã xây dựng 5 nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch. 

Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu, nói cách khác đó là một công nghệ tái tạo nước đã qua sử dụng bằng các các biện pháp như thanh lọc bằng bộ vi lọc, bộ thẩm thấu, khử trùng, khử bẩn bằng tia cực tím… Nói nôm na là nước dội toa lét hay dùng trong nhà bếp đều được thu hồi nhằm tạo ra “nước mới” (NEWater). Đến tháng 5/2010, Singapore đã khai trương nhà máy hiện đại nhất và lớn nhất tinh chế nước đã qua sử dụng thành nước cho con người sử dụng và dùng trong các nhà máy. 

Những chai nước sạch được tái chế từ nước thải mang tên NEWater

Đến nay, NEWater là nước uống đã đáp ứng được 30% nhu cầu của cả nước, nhưng chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp và tích trữ cho mùa khô. PUB ước tính, đến năm 2060, riêng chương trình tái sử dụng nước (NEWater) sẽ đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ nước của Singapore.

Năm 2005, Singapore đã xây dựng hai nhà máy xử lý nước mặn ở Tuas. Năm 2015, Singapore đã xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển. Ước tính, nguồn nước ngọt đã được lọc từ biển cũng cung cấp khoảng từ 10% - 20% lượng nước cho quốc gia này.

Không được lãng phí nước 

Việc sản xuất và tìm kiếm thêm các nguồn nước sẽ khó thể thành công nếu không có các chính sách tiết kiệm, tránh lãng phí, và quản lý nguồn nước hiệu quả. Năm 1990, tỉ lệ rò rỉ, thất thoát nước tại Singapore là 9,5% nhưng đến năm 2016 con số này đã giảm xuống 5% - tỷ lệ thấp nhất thế giới. 

Dự kiến, đến năm 2060, nhu cầu nước của quốc gia này có thể tăng gấp đôi tới 430 triệu galon mỗi ngày. Do đó, để hạn chế nhu cầu tiêu thụ nước gia tăng, PUB đã đề ra các chính sách quản lý nước toàn diện, bao gồm giá nước, thuế nước, các biện pháp bảo tồn và giáo dục công cộng.

Thuế bảo tồn nước được ban hành năm 1991. Việc điều chỉnh giá nước đã được xem xét vào năm 1997 theo hiệu quả kinh tế, và cân đối với chi phí khử mặn. Giá nước ở Singapore không thay đổi từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, ngoài việc áp dụng mức thuế riêng cho Newater, năm 2017, Chính phủ Singapore đã thông báo tăng giá 30%. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ được cấp phiếu ưu đãi để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích liên quan đến nước.

Để bảo tồn nguồn nước, PUB đưa ra nhiều quy định cụ thể. Ví như, yêu cầu sử dụng các bể chứa dòng chảy thấp, quy định mức lưu lượng tối đa đối với vòi và máy trộn. Từ năm 2015, các cá nhân và tổ chức sử dụng lượng nước hơn 60.000 m²/năm sẽ phải nộp Kế hoạch quản lý hiệu quả nguồn nước hàng năm. Cơ quan này cũng phát triển hệ thống chứng nhận Cải thiện Hiệu quả Nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt thiết bị tiết kiệm nước.

PUB đã đề ra các chính sách quản lý nước, tiết kiệm nước tại Singapore

Mặt khác, vấn đề bảo tồn nguồn nước đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học, bên cạnh các chương trình giáo dục và tài liệu dành cho công nhân xây dựng nước ngoài và người giúp việc cho hộ gia đình. Nhiều chiến dịch phổ biến, lan toả thông điệp về bảo tồn nguồn nước, tiết kiệm nước đã được phát động như “Thách thức 10 lít” nhằm khuyến khích người dân giảm sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày xuống 10 lít/người.

Đến nay Singapore đang đi đầu thế giới về các chính sách quản lý nước sạch hiệu quả. Nhìn về Việt Nam, hiếm thấy người dân có ý thức bảo tồn và tiết kiệm nguồn nước. Có thể thấy, từ việc đào giếng khoan bừa bãi, lãng phí nước hàng ngày đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nước.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) năm 2019 cho thấy, nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém. Còn theo Viện y học lao động và vệ sinh môi trường, có tới 20% dân số Việt Nam hiện chưa từng được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khan hiếm nước sạch do tình trạng ô nhiễm đáng báo động, hạn hán gay gắt kéo dài ở nhiều nơi, tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng biển… Như vậy, nếu không hành động kịp thời thì tình trạng thiếu hụt nước và những căn bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm sẽ ngày một gia tăng.

Đọc thêm