Anh Đức bị nhiễm chất độc da cam từ bố, chân tay teo tóp, ngay từ nhỏ đã chẳng đi lại được như các bạn cùng trang lứa, nhiều lần Đức từng tuyệt vọng muốn quyên sinh. Nhưng rồi thương cha mẹ, Đức đã vượt lên số phận để học tập, tốt nghiệp Đại học Sư phạm để trở thành thầy giáo.
Đức tâm sự: “Nếu thấy khó khăn mà đầu hàng thì chúng ta đã không có những tấm gương. Tôi chịu thiệt thòi nên tự nhận thấy là phải cố gắng 200% sức lực”.
Cùng với khát vọng sống thì ánh sáng của tri thức cùng với nỗ lực của người cha đã chắp cánh cho Đức. Ông Chu Quang Chiến - bố Đức là một cựu binh hiền lành, chất phác, thương con hết mực, đã luôn là “đôi chân” của con.
“Tôi đã được bố luyện tập cho nhiều, từ ý thức vượt qua kỳ thị thế nào, cách cầm thìa xúc cơm ra sao, cách cầm bút cho vững. Những tháng ngày đi học với các bạn bình thường đã vất vả, với tôi còn khó khăn gấp nhiều lần. Ngày nào cũng vậy, tôi đến trường trên đôi vai của bố.
Hình ảnh hai bố con hôm thì cõng trên lưng, hôm trên xe đạp đã trở nên quen thuộc với người dân vùng này. Hôm nào bố bận công việc, các anh hoặc mẹ lại thay nhau đưa tôi tới trường” - Đức hồi tưởng lại.
Ngày trúng tuyển vào Khoa Tin học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đức đã khóc vì sung sướng. Chính thời gian này, ông Chiến đã khéo léo sắp xếp thời gian để đi chở xe ôm, đưa con đi học đại học, chắp cho anh đôi cánh bước vào đời.
Xúc động trước tình yêu của bố, Đức nói: “Nếu không có bố thì tôi khó mà được như hôm nay. Việc học hành gian nan lắm, rồi chuyện sinh hoạt hàng ngày cũng do bố lo liệu”.
Giờ Đức đã là giáo viên tin học của Trường THPT Mê Linh. Hình ảnh một người thầy khuyết tật đã vượt qua đau khổ và nước mắt là hình ảnh xúc động, khích lệ các em học sinh gắng sức học tập vươn lên.
Ngoài dạy ở trường, thầy Đức còn mở lớp dạy thêm ở nhà, chủ yếu là 4 môn Toán, Lý, Hóa và Tin học, không phân biệt địa phương, cứ ai có nhu cầu học thêm, bổ sung kiến thức thì đăng ký.
Vào những ngày cuối tuần, những buổi không phải đến trường, thầy Đức ngồi xe lăn, xung quanh là các học trò rạng ngời niềm tin và mơ ước. Từ lớp học ấy, nhiều em học sinh đã được bổ sung kiến thức, học tốt hơn và thi đỗ vào các trường đại học.
“Tôi không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn tận tình chỉ bảo cho các em kỹ năng sống, cách giải quyết vấn đề khi khó khăn. Nhiều em khó khăn tôi đã quyết định miễn, giảm học phí để động viên” - Đức chia sẻ.
Câu chuyện về người thầy giáo ngồi xe lăn giàu nghị lực muốn chuyển tới thông điệp rằng, không ai là người bị bỏ đi, đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, hãy vượt qua khó khăn để sống cuộc sống đầy ý nghĩa.