Thầy mo - người giữ hồn của bản làng

(PLVN) - Khi những hủ tục đã dần lùi vào dĩ vãng, trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, thầy mo có vai trò như là người am hiểu sâu sắc nhất đối với văn hóa, phong tục của vùng. Họ trở thành những người chủ tế, phụ tế trong các nghi lễ quan trọng của bản làng.
Thầy mo Lương Xeo Coóng kiểm tra tế cụ trước khi hành lễ.
Thầy mo Lương Xeo Coóng kiểm tra tế cụ trước khi hành lễ.

Chủ tế trong các nghi lễ linh thiêng

Trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, thầy mo là một nghề nếu như ai đó chọn theo học để làm, hoặc cũng có thể coi là một nghiệp khi ai đó vì một duyên cớ mà được truyền nghề, rồi theo nghề để phục vụ cộng đồng. Họ có vai trò chủ tế trong các nghi lễ linh thiêng như lễ hội, lễ đầy tháng tuổi cho trẻ sơ sinh, rước cô dâu mới về nhà, dựng miếu mạo, ma chay, chặt hạ cây cổ thụ, dựng nhà mới… 

Công việc cúng tế thường do đàn ông đảm nhiệm, vì thế, nghề thầy mo cũng không dành cho phụ nữ. Để một người đàn ông có thể trở thành một thầy mo, đầu tiên người ấy phải ngoài tuổi trung niên, nhân phẩm tốt, được người trong bản làng tín nhiệm. Người muốn làm thầy mo cũng phải tìm thầy mo học nghề hoặc được một thầy mo chọn truyền nghề.

Thông thường, để một người học hết các bài cúng, các nghi lễ của mỗi tộc người ở một địa phương phải mất khoảng 3 năm. Sau khi một người được thầy truyền nghề cho rằng đã học hết các nghi lễ, hiểu hết văn hóa dân tộc, đủ phẩm chất thì sẽ được làm lễ tẩy trần, cúng thần và chính thức trở thành thầy mo. Những người khác dù biết làm lễ nhưng chưa được công nhận là thầy mo thì cũng không được thực hành các nghi lễ vì mọi người quan niệm rằng, như vậy có thể không được thần linh chứng dám.

Những chiếc đũa đã được dùng nhiều năm của thầy mo.
Những chiếc đũa đã được dùng nhiều năm của thầy mo. 

Trước đây, khi hiểu biết của người dân còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn, các hủ tục mê tín dị đoan còn phổ biến, thầy mo vô tình hay cố ý đã biến thành thầy thuốc. Ngoài việc chữa bệnh bằng những bài thuốc dân gian nằm trong sự hiểu biết của mình, các thầy mo còn lồng ghép vào việc chữa bệnh những hình thức tâm linh, cầu cúng, tạo ra tâm lý sợ hãi cho người bệnh và gia đình người bệnh cũng như cộng đồng. Từ đó mà những hủ tục, mê tín dị đoan có điều kiện sinh sôi, phát triển và tồn tại.

Ngày nay, khi trình độ dân trí, hiểu biết của người dân được nâng cao, giao thông đi lại thuận tiện, dịch vụ y tế công cộng đã về đến bản làng nên những hủ tục, mê tín dị đoan dường như không còn đất sống. Các thầy mo ngày nay có vai trò như là những chuyên gia văn hóa, phong tục của vùng, ngoài công việc chính là người chủ tế, phụ tế trong các nghi lễ quan trọng của bản làng, họ trở thành những người lưu giữ văn hóa, bảo tồn mỹ tục, kể lại những điển tích, sử tích của buôn làng. Các thầy mo trở thành những kho tàng văn hóa dân gian, những thầy thuốc cộng đồng với những phương thuốc cổ truyền.

Hơn nữa, khi những bài cúng cổ truyền, những tích cổ của các tộc người có khi được viết bằng ngôn ngữ cổ, có cách đọc cổ vốn không lưu truyền rộng rãi mà chỉ truyền qua các thế hệ thầy mo, vì vậy mà thầy mo lại trở thành những người ít ỏi có vai trò bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết cổ của cộng đồng.

Linh khí kết nối âm dương, kết nối tương lai và quá khứ

Để thực hiện vai trò, trách nhiệm chủ tế trong các nghi lễ của mình, thầy mo cần phải có trang phục đặc trưng như quần áo, khăn mũ… Cùng với trang phục, thầy mo cũng cần có các tế khí, tế cụ tùy theo phong tục từng dân tộc. 

Dù trang phục, phong tục các tộc người, các vùng miền có nhiều thứ khác nhau, tuy nhiên, trong số tế khí, tế cụ của các thầy mo đều bắt buộc phải có một vật dùng để giao tiếp, xin ý kiến của thần linh, các bậc siêu nhiên hoặc những người đã khuất. Tế cụ đó có thể là những đồng xu, có thể là tấm kim bài, tấm gỗ, nhưng phổ biến nhất là bó thẻ tre. Có những bó thẻ tre được lưu truyền qua nhiều thế hệ thầy mo, qua hàng trăm năm theo hành trình đi, đến của cả bộ tộc.

Ông Lương Xeo Coóng ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là một thầy mo lâu năm và có tiếng trong vùng. Khi chúng tôi tìm đến hỏi thăm về nghề thầy mo và công cụ trò chuyện với thần linh, ông Coóng chia sẻ: “Tôi năm nay đã 85 tuổi, làm thầy mo cũng hơn nửa đời người rồi. Thầy mo cũng là người bằng xương bằng thịt, không có khả năng siêu nhiên gì cả. Chúng tôi khác mọi người vì đã được làm lễ báo với thần, được thần cho hành nghề.

Để có thể giao tiếp và hỏi chuyện ma nhà, ma rừng núi hay thần thánh thì tôi dùng bó đũa. Bó đũa này tôi không rõ được làm từ đời nào, nhưng thầy tôi truyền lại cho tôi từ gần 50 năm trước và nó theo tôi hành nghề đến bây giờ, sau này tôi lại truyền cho học trò của mình”.

Vừa nói, ông Coóng vừa đưa bó đũa cho chúng tôi xem. Bó đũa được đựng trong một ống tre, những chiếc đũa được làm từ những đốt tre để nguyên, vì được dùng lâu ngày mà đã trở nên nhẵn bóng.

Ông Coóng còn cho biết khi cần hỏi chuyện thần linh thì ông sẽ đọc lời khấn rồi rút ngẫu nhiên một nắm đũa, nếu số lượng đũa lẻ thì thần linh đồng ý, còn số chẵn thì không đồng ý.Người Thái gọi nghi lễ này là “thìm lé”.

Ngoài việc dùng bó đũa, thẻ tre cũng là tế cụ phổ biến mà các thầy mo hay dùng để giao tiếp với thần linh. Để thực hiện nghi lễ, thầy mo có thể mang theo thẻ tre chuẩn bị sẵn hoặc đến nơi làm lễ mới đốn chặt một đốt tre và chuẩn bị. 

Thầy mo Cụt Thanh Hải đã hành nghề mấy mươi năm, là một trong những thầy mo có tiếng trong cộng đồng dân tộc Thái khu vực miền núi phía Tây Nghệ An.Cũng như nhiều thầy mo khác, ông dùng đôi thẻ tre để hành lễ.

Ông Hải cho biết,thẻ tre hay những tế cụ dùng để giao tiếp với thần linh đều có một đặc điểm chung là có hai mặt sấp ngửa phân biệt. Đối với thẻ tre, thầy mo phải vót cầu kỳ hơn, để các mặt đều nhau thì mới không sợ thần linh quở trách.

Trong tất cả các nghi lễ, thầy mo đều phải cúng thần. Tín hiệu từ chiếc thẻ tre giúp họ liên lạc với các đấng siêu nhiên. Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh thì thế giới tâm linh đâu đâu cũng có thần ngự trị.

Thầy mo thường bắt đầu buổi lễ bằng việc mời những thần linh liên quan đến chứng dám. Để biết các thần đã đến đông đủ và chứng dám cho buổi lễ hay chưa, thầy mo sẽ khấn hỏi, rồi tung thẻ tre. Khi thẻ tre rơi xuống, nếu một chiếc sấp, một chiếc ngửa thì tất cả các vị thần đều đã đến đông đủ. Còn nếu chúng cùng sấp hoặc cùng ngửa thì vẫn chưa, lúc này thầy mo sẽ phải thực hành nghi lễ mời lại, phải kiểm tra tế phẩm, đất đai xem nếu có điều gì chưa đúng thì phải sửa lại.

Dù cuộc sống bản làng đã có nhiều thay đổi, hơi thở hiện đại đã thấm qua những cánh rừng đại ngàn nhưng vai trò của thầy mo đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn không thể thiếu được. Họ tồn tại cũng như những bó đũa, những thẻ tre hành lễ, có vai trò kết nối cộng đồng, kết nối âm dương, bảo tồn những di sản văn hóa.

Những hủ tục thì cần loại bỏ, nhưng những mĩ tục, những nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng thì vẫn cần phải được lưu truyền và phát huy, trong đời sống hiện đại, thầy mo dường như vô tình đã được giao cho trọng trách đó.

Đọc thêm