Con trai ông trả lời "có", và bắt đầu hành trình bước vào góc tối trên mạng xã hội. Hai năm sau khi lên kế hoạch và vài ngày sau cuộc trò chuyện với một nhóm trên mạng, hồi tháng 5, chàng trai 21 tuổi đi tàu hơn 1.000 km từ quê nhà ở huyện Quan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đến thành phố Vũ Hán, nơi hai người lạ đang chờ cậu. Theo kế hoạch tỉ mỉ được bàn luận trước đó trong nhóm trò chuyện kín, cả ba cùng nhau tự tử, để lại một bức thư không nói rõ nguyên nhân.
Sau cái chết của con trai, Quốc đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của con, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tại đó, ông phát hiện một cộng đồng những người trẻ tuổi lên kế hoạch tự tử cùng nhau. Dù đã quá muộn để cứu con trai, người cha đau đớn vẫn bắt tay vào nhiệm vụ giúp đỡ những người khác.
"Nhóm tự tử trên mạng"
Khi Hồ Kiến Quốc lần đầu đọc được cuộc trao đổi về việc tự tử trong nhóm của con, ông thực sự bị sốc vì không tin nổi có một nhóm như vậy tồn tại. Trong nhóm, con trai của ông rất được nể trọng vì đã "hoàn tất việc tự tử".
Quốc sau đó tiết lộ danh tính và cố gắng khuyên can các thành viên trong nhóm nhưng họ phản đối gay gắt, yêu cầu ông hãy để họ yên bởi họ chỉ muốn chết. Nhóm có 475 thành viên khi Quốc gia nhập, hầu hết ở tuổi vị thành niên hoặc lứa tuổi 20.
Bằng sự chân thành, kiên nhẫn, Quốc cố gắng tìm hiểu những rắc rối họ đang gặp phải và lần lượt đưa khoảng 50 người rời nhóm. Tin nhắn của họ tràn ngập trong điện thoại của ông, đôi khi đến 3-4 giờ sáng. "Họ thường khá trầm lặng trong cuộc sống thực, không giao tiếp nhiều nhưng trong nhóm, họ khá tích cực", ông nói. Khi thảo luận về cách tự tử trong nhóm, họ thường sử dụng những biệt ngữ như "đong đưa", "lặn", "thịt nướng" để khiến bản thân can đảm và "bình thường hóa" kế hoạch tìm đến cái chết.
Quốc cũng chứng kiến một trường hợp phát trực tiếp cảnh tự tử. Đó là Muran, một nam thanh niên gia nhập nhóm sau ông. Ông không thể quên được cảnh tượng kinh hoàng khi người thanh niên với gương mặt vô hồn phát sóng trực tiếp cảnh anh tự tử trong khách sạn, trong khi những thành viên khác trong nhóm cổ vũ, dặn anh ta phải cẩn thận để không bị phát hiện. Quốc lập tức gọi cho cảnh sát, người đàn ông trẻ được phát hiện kịp thời và bị nhân viên khách sạn ngăn lại.
Muran sau đó liên lạc với Quốc. Biết ông là người đã cứu mình, Muran tâm sự với Quốc về những khó khăn của bản thân: thất nghiệp, sức khỏe yếu và không có động lực để sống tiếp. Quốc gửi cho anh 50 tệ (khoảng 7, 25 USD) để mua nước và 88 tệ (12, 8 USD) vào lần thứ hai. Muran rất biết ơn ông. "Cháu muốn trở thành con trai chú. Cháu sẽ chăm sóc khi chú về già", Muran nói với Quốc, nhưng ông khuyên cậu đi kiếm việc làm, nghĩ cho cha mẹ và không nên làm điều gì ngốc nghếch nữa.
Những người khác cũng chia sẻ vấn đề của họ với Quốc như mất tiền đầu tư, không được công ty thanh toán chi phí y tế. Phần lớn họ nói rằng họ cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2012, tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc là 7, 8/100.000, người năm 2016, tỷ lệ này là 8/100.000 người, xếp thứ 103 trong số 183 quốc gia. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tăng lên trong những năm gần đây.
Tần Nhược Mộng, một bác sĩ ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, nói rằng việc ngăn chặn tự tử rất phức tạp và nên được thực hiện bởi các chuyên gia vì những người nghiệp dư có thể phạm sai lầm và đẩy nạn nhân vào đường cùng. "Bước đầu tiên nên là lắng nghe và làm rõ những vấn đề tâm lý họ có thể đang gặp phải, tại sao họ lại gia nhập những nhóm như vậy", cô nói.
Tỷ lệ người tự tử ở Trung Quốc năm 2012 là 7, 8/100.000 người. |
Trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng tự tử, năm 2008, Bộ Y tế Trung Quốc yêu cầu tất cả thành phố phải từng bước thiếp lập đường dây nóng về sức khỏe tâm thần. Hồi tháng 2, các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh bắt đầu sử dụng công nghệ AL (công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính) để ngăn chặn tự tử trên mạng xã hội, xác định những người có ý định tự tử và hỗ trợ chuyên nghiệp cho họ thông qua đường dây nóng hoặc công cụ trực tuyến. Một số nhóm tự tử trên mạng hiện không còn hoạt động.
Người muốn tự tử được truyền cảm hứng cứu người
Random (biệt danh), 20 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tây, đã theo dõi Quốc từ khi ông gia nhập nhóm. Nam thanh niên này tìm đến nhóm khi đang chìm trong nợ nần vì cờ bạc trực tuyến. Random theo dõi các thành viên trò chuyện mỗi ngày và thậm chí chụp màn hình đoạn nói chuyện của con trai Quốc cũng như cách thức tự tử với hy vọng sau này sẽ dùng cho bản thân.
Đột nhiên, Random phát hiện con trai của Quốc không còn trò chuyện trong nhóm. Sau vài ngày, Random được biết thanh niên này đã tự tử cùng hai người khác và chính điều đó đã thức tỉnh anh. "Mọi người rất dễ bị tổn thương, họ chỉ cảm thấy như vậy nhưng không bao giờ nói ra", anh nói. Random quyết định từ bỏ ý định tự tử bởi tiền có thể kiếm lại được nhưng mạng sống thì không.
Random tìm đến Quốc và cảm mến ông vì dù mất con trai nhưng ông vẫn tích cực giúp đỡ những người có ý định tự tử. Họ hợp tác tạo ra một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội với hơn 30 thành viên gồm những người muốn tự tử để tìm hiểu và khuyên ngăn họ. "Họ cần ai đó thực sự quan tâm và trò chuyện cùng. Khi tôi nói chuyện với họ, hầu hết mọi người đều nói cho tôi nghe những gì họ đang phải trải qua. Dường như chưa từng có ai lắng nghe họ", Random nói.
Những nỗ lực của Quốc và Random đã ngăn chặn được hơn 10 trường hợp muốn tìm đến cái chết. Có người được cảnh sát kịp thời ngăn lại nhưng phần lớn họ tự thay đổi con đường của mình.
Một trong số những thành viên ở nhóm thứ hai này là "Former", một thanh niên từng đồng ý tự tử cùng con trai Quốc nhưng đến phút chót đã quyết định không tham gia. Khi Quốc lần đầu gặp Former, ông rất căm giận và hỏi tại sao Former biết chuyện con ông muốn tự tử nhưng không báo cảnh sát. Former nói rằng anh không biết số điện thoại của con trai ông. "Former cũng phải chịu rất nhiều áp lực", Quốc nói.
Former bị trầm cảm nặng và từng được điều trị trong bệnh viện tâm thần suốt ba năm. Sau khi lựa chọn sống tiếp, Former bắt đầu giúp đỡ những người trong nhóm tự tử.
Dằn vặt của người cha không cứu được con
Hồ Kiến Quốc cho biết nỗ lực giúp đỡ những người tự tử trên mạng của ông sắp kết thúc. Trò chuyện mỗi ngày với những người không muốn sống gây mệt mỏi tinh thần và ông không thể tiếp tục. Ông cũng thừa nhận rằng rất khó để các tình nguyện viên và nhóm "theo dõi tự tử" nghiệp dư giải quyết những vấn đề như vậy. "Có rất nhiều người và nhiều vấn đề, quan trọng vẫn là người thân nên quan tâm đến họ nhiều hơn".
Chính vợ của Quốc là người muốn ông rời khỏi nhóm. "Anh đã giúp đỡ họ rất nhiều rồi. Hãy nghĩ về bố mẹ và đứa con trai nhỏ của anh", bà nói.
Hôm 4/9, Quốc gửi tin nhắn cuối cùng vào nhóm để chia tay mọi người. Nhưng hôm sau, ông phát hiện một phụ nữ ông từng trò chuyện cùng đã tự tử. Quốc cảm thấy day dứt vì đã không theo đến cùng trong trường hợp này.
Ông tự hỏi có thể làm gì hơn cho những người trẻ tuổi này, cũng giống như ông từng dằn vặt có thể làm gì cho con trai. Hơn 4 tháng đã trôi qua sau cái chết của con, ông vẫn tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu như...?".
Quốc nghĩ về việc con trai ông khởi nghiệp bằng cửa hàng kinh doanh trực tuyến nhưng thất bại. Ông định tới đưa thêm tiền để con bắt đầu lại nhưng không bao giờ có cơ hội đó. Ông tự hỏi phải chăng kinh doanh thất bại đã khiến con trai gặp áp lực.
Quốc gần đây nghe nói rằng Former đã tìm được công việc bồi bàn và không còn ý nghĩ tự tử. Ông cảm thấy nhẹ nhõm nhưng Former cũng gợi ông nhớ về con trai mình. "Đó là cảm giác vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau", ông nói. Random cũng đã rời khỏi nhóm trò chuyện và chuẩn bị nhập ngũ.
Hồ Kiến Quốc mới đây đăng trên mạng một số cuộc trò chuyện của ông với những người trẻ tuổi từng có ý định tự tử, trong đó họ nói rằng họ đã từ bỏ suy nghĩ dại dột. "Tôi không cứu cậu, tôi chỉ đang cứu linh hồn của chính mình", ông trả lời họ.
Tại hàn Quốc, ngay từ 2012, chính quyền thành phố Seoul đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên theo dõi các trang web nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những ý định tự tử.
Nhóm quan sát gồm 100 người là sinh viên, các bà nội trợ và các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Các nhà quan sát sẽ theo dõi các blog và mạng xã hội để phát hiện dấu hiệu kích động, xúi giục các thành viên tự tử, kịp thời động viên hoặc can ngăn những người này. Các trung tâm ngăn chặn tự tử của thành phố sẽ ngay lập tức vào cuộc điều tra khi có thông tin về một vụ tự tử sắp diễn ra.
Đường dây điện thoại nóng cũng được lắp đặt tại những cây cầu lớn của Seoul và một nhóm nhân viên cứu hộ sẽ thường xuyên tuần tra sông Hàn.
Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới với trung bình 40 người tự hủy hoại sinh mạng mỗi ngày. Chính phủ cho hay sự gia tăng số lượng trang web tiêu cực là một nhân tố góp phần đẩy nạn tử tự tăng cao. Các trang web này là nơi bạn bè hoặc thậm chí là những người xa lạ có thể xúi giục hoặc rủ rê nhau cùng tự sát.
"Tự tử không còn là một vấn đề cá nhân nữa mà đã trở thành vấn đề xã hội. Tất cả chúng ta phải tham gia giải quyết vấn đề này", phát ngôn viên chính quyền thành phố Seoul nói.
Nhiều người đổ lỗi cho hệ thống giáo dục áp lực cao của Hàn Quốc, bởi phần nhiều trong số những người tự tử là sinh viên. Một số người khác cho rằng nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh khiến Hàn Quốc trở thành một trong những nước có giờ làm việc dài nhất trong số các nước phát triển.