Choáng với những tên phim “nhạy cảm“

(PLO) - Những cái tên có ý nghĩa “nhạy cảm” được đặt thành phim, tên mang ý nghĩa lập lờ, thậm chí tục tĩu được sử dụng trên bảng hiệu kinh doanh… đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Cho dù có giải thích theo cách hiểu nào đi nữa thì những ngôn ngữ như thế có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự trong sáng của ngôn ngữ Việt. 

Choáng với những tên phim “nhạy cảm“
Nhạy cảm để gây chú ý?
Lùm xùm nhất mấy ngày nay có lẽ là bộ phim vừa ra mắt của ca sĩ Thủy Tiên. Gây ồn ào có lẽ không phải vì nó là dự án điện ảnh đầu tay của nữ ca sĩ thuộc hàng “top” trong showbiz Việt, cũng không phải do những thông tin phức tạp quanh việc thay đổi diễn viên nam chính, tin đồn về một mối quan hệ tay ba hay việc ngôi sao bóng đá Công Vinh, chồng Thủy Tiên thay chàng ca sĩ Noo Phước Thịnh làm nam chính của phim. Dư luận rùm beng tất cả cũng xoay quanh cái tên phim: “Điệp vụ 3 Lờ!”. 
Nếu chiết ra chữ nghĩa, tên phim chẳng thu hút, không mang tính hài hước mà cũng chẳng có cách ẩn ý chơi chữ hay ho gì. Nhưng nó “nổi” là nhờ đụng chạm đến thứ ngôn ngữ “tục bóng gió” truyền miệng dân gian và không thể không khiến hầu hết khán giả hình dung đến “nghĩa tục” của tên phim. Có lẽ đó cũng chính là ý đồ mà Thủy Tiên và ê kíp làm phim muốn hướng đến: gợi sự chú ý, gây sốc, gây tò mò?. 
Và, mặc dù Thủy Tiên đã có những phát ngôn thanh minh về ý nghĩa phim, rằng đơn giản đó chỉ là tên của các nhân vật phim, rằng tại người nghe có thói quen suy diễn, chứ người đặt tên hoàn toàn trong sáng… Tất nhiên, giải thích chỉ là theo cái lý của người đặt, chứ còn để cho công chúng tin ê kíp làm phim “trong sáng” khi nghĩ ra cái tên nói trên, điều này… hơi khó. 
Nhiều người cũng đoán biết cách đặt tên như thế này khó lòng mà “lọt” qua được ải của nhà kiểm duyệt. Ê kíp sản xuất chắc chắn cũng không thể không biết, nhưng việc đặt tên này có lẽ đã là một phần trong kế hoạch truyền thông của họ. Tất nhiên, mọi thứ cũng không nằm ngoài dự liệu. Ngay sau khi ra mắt, “Điệp vụ 3 Lờ” đã trở thành phim được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian này, dù là để mổ xẻ, cười cợt, chê bai hay gì đi nữa… giúp nhà làm phim tiết kiệm được một khoản chi phí PR khá lớn.
Thủy Tiên trong buổi ra mắt phim
Thủy Tiên trong buổi ra mắt phim 
Khi cái “tục” trở thành trào lưu
Không chỉ ở tên phim, thời gian gần đây, đặt tên quán, địa điểm kinh doanh theo ý nghĩa tục để tạo sức hút cũng đang trở thành một trào lưu, nhất là trong giới trẻ. Tại TP.HCM, trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Gò Vấp có một shop quần áo với bảng hiệu được trương rất to, đập vào mắt người qua lại: Á Đù! 
Tương tự, một quán nhậu ở Bình Thạnh cũng lấy tên y chang như thế. Chắc chắn cái tên chẳng có ý nghĩa gì tốt đẹp ngoài việc là một tiếng chửi, gần với chửi thề cửa miệng của một bộ phận thanh niên. Nó không có ý nghĩa gì khác ngoài mục đích gây chú ý với giới trẻ mà thôi. 
Gần đây, giới trẻ Hà Nội truyền nhau một quán café đang khá nổi tiếng trên mạng. Quán cóc, nhỏ, bàn ghế gỗ, chả có gì đáng nói ngoài cái tên: Ch… café. Tên viết rất rõ ràng, chỉ có một chữ, đây là một thứ “tiếng lóng” gần đây được giới trẻ sử dụng nhiều nhằm miêu tả một cách tục tằn chuyện quan hệ tình dục. Việc một quán café ngang nhiên đặt tên như trên, lại được giới trẻ hào hứng hưởng ứng khiến không ít người lớn lo lắng. Nhiều người tự hỏi tại sao những cái tên quán nói trên lại chưa bị cơ quan quản lý “sờ gáy”. 
Còn nhớ, trước đây tại Cần Thơ, hàng loạt quán có biển hiệu giới thiệu món ăn với tên ghép các loại cá gây hiểu nghĩa tục hoặc những câu chữ “tượng hình” như “dê xối xả” đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm thuần phong mỹ tục và bắt đổi bảng hiệu. Tại TP.HCM, dọc con đường bờ kè Hoàng Sa còn rải rác nhiều quán nhậu vẫn dùng cách “chơi chữ” với bảng hiệu đập vào mắt để gây chú ý đến thực khách như thế nhưng được “lọt lưới” nhiều năm nay.
Trò chơi tung hứng ngôn ngữ, lập lờ giữa tục và thanh là một điểm thú vị trong ngôn ngữ nói tiếng Việt. Tất nhiên, nó chỉ thú vị và hay khi cái sự tục có giới hạn, nằm ở dạng ẩn ý. Và trên hết, nó thuộc về văn nói, về ngôn ngữ truyền miệng. Để biến những ngôn ngữ nói này thành tên phim, thành tên bài hát, bảng hiệu, tên gọi… lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nó liên quan đến thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn ngữ Việt. 
Đặc biệt, với lứa tuổi teen, vốn chưa thực sự phân biệt rạch ròi giữa tục và không tục, giữa hay và dở, tốt và xấu, việc công khai sử dụng những ngôn ngữ mang yếu tố tục – từ ẩn ý cho đến tục rõ ràng – sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức về ngôn ngữ. Vô hình trung, nhiều người trẻ sẽ coi rằng đó là ngôn ngữ “mặc nhiên”, bình thường. Lâu dần, nó bóp méo ngôn ngữ Việt vốn trong sáng, thuần khiết.
Chuyện tưởng không có gì, nếu các nhà quản lý nhắm mắt, cho qua thì dần dà sẽ là những câu chuyện lớn hơn, xa hơn và hậu quả khó lường hơn. 

Đọc thêm