Diễn viên "nhí" Việt - hoa hiếm chóng tàn?

(PLO) - Có lẽ phải sau 18 năm, kể từ ngày bộ phim “Đất phương Nam” được công chiếu thì điện ảnh trong nước mới có thêm bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do dàn diễn viên nhí thể hiện gặt hái được thành công rực rỡ. Sở dĩ có một quãng lặng khá dài như vậy bởi Việt Nam chưa có một trường lớp nào đào tạo dài hạn cho diễn viên nhí…
Dàn diễn viên nhí của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Dàn diễn viên nhí của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Hiếm có, khó tìm
Một bộ phim đưa thành công hình ảnh trẻ em vào thường dễ gây nhiều ấn tượng cho người xem. Tuy nhiên, một bộ phim Việt Nam có dàn diễn viên nhí đóng chính luôn là “của hiếm” từ trước đến nay. Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Victor Vũ kể về sự vất vả để tìm cho ra được ba diễn viên nhí phù hợp với nhân vật trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và cùng với nỗi lo ấy là sự vất vả của đạo diễn Tường Phương khi mà phải về tận Châu Đốc mới tìm ra được diễn viên vào vai Thu trong “Tâm hồn mẹ” sau hơn 6 tháng ròng rã tìm kiếm.
Và Điện ảnh Việt Nam cứ luôn như vậy, muốn tìm được diễn viên nhí thì các đạo diễn phải lùng sục khắp mọi nơi, từ trường học đến các nhà văn hóa thành phố và các tỉnh lân cận, rồi nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Bởi đạo diễn nào cũng mong muốn diễn viên nhí phải đáp ứng được hai tiêu chí là ngoại hình hợp vai và biết diễn xuất. Nhưng như vậy quả thật khó khi mà không có một khóa đào tạo dài hạn nào chuyên cho diễn viên nhí. Mà tất cả chỉ dừng lại ở ngắn hạn và không chuyên.
Trò chuyện với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, PGS.TS.NSƯT Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện Ảnh cho biết: “Ở Việt Nam, đào tạo diễn viên nhí chỉ có ở các nhà văn hóa, cung thiếu nhi, người ta mở lớp mời các nghệ sĩ, diễn viên, thi thoảng là các giáo viên đến từ trường sân khấu điện ảnh về giảng dạy. Tuy nhiên, các khóa học đấy chỉ toàn là ngắn hạn và đào tạo không chuyên”.
Ông Nguyễn Đình Thi cũng cho biết, đối với những đoàn làm phim có diễn viên nhí thủ vai thì họ thường phải nhờ các thầy cô hoặc các nghệ sĩ đến tận trường quay về uốn nắn, dạy dỗ cách  thức diễn xuất.
Đó cũng là lý do sau khi tìm được 3 diễn viên nhí, đạo diễn Tường Phương phải nhờ các giảng viên của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM dạy diễn xuất. Đạo diễn Quốc Thịnh cũng từng đưa các nữ diễn viên nhí trong bộ phim “Hương cỏ dại” đến một người có kinh nghiệm dạy diễn xuất để các em học hỏi, vì các cô bé này không hề biết diễn xuất là gì. Học xong mấy tháng trời, các diễn viên nhí này mới vào vai được nhưng diễn xuất cũng chỉ ở mức bình thường.
Cảnh phim "Đất phương nam"
Cảnh phim "Đất phương nam"
Lãng phí tài năng
PGS.TS.NSƯT Nguyễn Đình Thi cũng cho biết thêm: “Chính vì sự không chuyên và ngắn hạn này nên khi đến tuổi trưởng thành, đủ tuổi để vào các trường chuyên nghiệp, tôi e rằng ngọn lửa đam mê đối với nghiệp diễn xuất của các em sẽ phai dần đi”. 
Nhận định này là có lý bởi không phải đóng vài ba bộ phim thì đã coi đấy là có khả năng diễn xuất. Về lâu về dài, cần có một môi trường chuyên nghiệp để các em học hỏi được nhiều kĩ năng và kiến thức hơn nữa. Và cũng theo thời gian, bởi sự chi phối của nhiều vấn đề, nếu như tiềm năng diễn xuất không được nuôi dưỡng, e rằng niềm đam mê cũng sẽ vì thế mà biến mất. Như vậy thật sự lãng phí.
Trên thực tế, các game show truyền hình cũng dành nhiều sự ưu ái cho các giọng ca và vũ công nhí. Thế nhưng chưa có một chương trình, cuộc thi nào tìm kiếm và đào tạo diễn viên nhí. 
Đối với lứa tuổi các em nhỏ, múa hát dễ tiếp cận hơn, còn với diễn xuất thì mất rất nhiều thời gian, và cũng không phải em nào cũng có thể thể hiện một vai diễn.  Hiện nay cũng có các lớp học, câu lạc bộ đào tạo diễn viên nhí tại các nhà văn hóa, trường học hoặc ở nhà nhưng không thường xuyên. Đây là một sự cố gắng đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, bởi rằng sự đào tạo ở đây chỉ dừng lại ở mục tiêu đào tạo diễn viên không chuyên, thiếu sự chuyên nghiệp trong khâu giảng dạy và số lượng còn ít ỏi. 
Còn nhớ Hùng Thuận - diễn viên nhí trong phim “Đất phương Nam”, hay Lan Hà trong “Đời cát” đều là những phát hiện tình cờ và có khả năng diễn xuất. Nhưng xong đó rồi thôi. Tất cả là do Điện ảnh Việt Nam không có chiến lược phát triển lâu dài, không nhen nhóm đam mê. Thử hỏi rồi đây, liệu sự xuất thần của Thịnh Vinh, Trọng Khang, Thanh Mỹ trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có vì thiếu nơi đào tạo khởi nguồn, thiếu chiến lược đào tạo mà lụi tàn?.

Đọc thêm